Báo Cáo Hạnh Phúc Thế Giới năm nay, một nghiên cứu toàn diện phân tích về phúc lợi toàn cầu, đưa Đài Loan trở thành quốc gia dẫn đầu Châu Á về hạnh phúc, một sự thay đổi đáng kể so với năm 2024.
Được công bố vào ngày 20 Tháng Ba, báo cáo xếp hạng 147 địa điểm trên toàn cầu, cho thấy Đài Loan ở vị trí thứ 27, tăng từ vị trí thứ 31 trong báo cáo năm 2024. Sự tiến bộ này đưa Đài Loan vượt qua Singapore, trước đây là quốc gia hạnh phúc nhất châu Á. Đài Loan có vị thế địa chính trị độc đáo – một hòn đảo dân chủ mà Bắc Kinh luôn coi là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.
Báo cáo, một nỗ lực hợp tác của các chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu phúc lợi, sử dụng dữ liệu từ Gallup World Poll. Dữ liệu xem xét các đánh giá cuộc sống tự báo cáo của cá nhân, được tính trung bình trong khoảng thời gian ba năm, từ năm 2022 đến 2024. Ngoài các đánh giá chủ quan, báo cáo còn phân tích sáu yếu tố quan trọng góp phần vào hạnh phúc của một quốc gia: tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội, tuổi thọ khỏe mạnh, tự do, lòng hào phóng và mức độ tham nhũng được nhận thức. Trong khi bảng xếp hạng cốt lõi dựa trên đánh giá chủ quan của cá nhân về chất lượng cuộc sống của họ, sáu biến số này cung cấp những hiểu biết có giá trị về sự chênh lệch trong mức độ hạnh phúc giữa các quốc gia.
Trên toàn cầu, các quốc gia Bắc Âu tiếp tục thống trị bảng xếp hạng hạnh phúc, với Phần lan giành vị trí hàng đầu trong năm thứ tám liên tiếp. Theo sát là Đan Mạch, Iceland, Thụy Đuển và Hà Lan.
Trong khu vực Châu Á, mười quốc gia hạnh phúc nhất là Đài Loan, Singapore, Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản, Philippines, Nam Hàn, Malaysia, Trung Quốc, và Mongolia.
Một khía cạnh đáng chú ý được nêu bật trong báo cáo năm 2025 là tác động đáng kể của các bữa ăn chung đối với hạnh phúc nói chung. Jan-Emmanuel De Neve, giám đốc Trung Tâm nghiên cứu hạnh phúc tại Oxford University và biên tập viên của báo cáo, nhấn mạnh rằng “báo cáo năm nay thúc đẩy chúng ta nhìn xa hơn các yếu tố quyết định truyền thống như sức khỏe và sự giàu có.”
Nghiên cứu cho thấy việc ăn chung và nuôi dưỡng lòng tin được xem như những yếu tố dự báo về hạnh phúc, vượt qua ảnh hưởng của thu nhập và tình trạng việc làm.
Những người thường xuyên ăn cùng nhau với gia đình hoặc bạn bè báo cáo mức độ hài lòng với cuộc sống cao hơn đáng kể. De Neve chỉ ra việc người Đài Loan cho biết tần suất ăn chung cao, trung bình 5.5 bữa tối và 4.7 bữa trưa mỗi tuần với người khác, xếp thứ tám trên toàn cầu về tần suất ăn cùng nhau.
Ngược lại, các khu vực khác ở Nam và Đông Á có mức độ ăn chung tương đối thấp. Báo cáo thừa nhận các nghiên cứu trước đây ghi nhận sự gia tăng tình trạng ăn uống một mình ở các nước Đông Á, đặc biệt ở Nhật Bản và Hàn Quốc, do các yếu tố như gia tăng hộ gia đình chỉ có một người và già hóa dân số. Báo cáo cũng đề cập đến khả năng có sự khác biệt trong cách diễn giải khảo sát ở Đông Á và Nam Á.
De Neve nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy các kết nối xã hội. Theo ông, trong thời đại cô lập xã hội và phân cực chính trị này, chúng ta cần tìm cách đưa mọi người lại gần nhau hơn – làm như vậy rất quan trọng đối với hạnh phúc của cá nhân và tập thể.
Trong bảng xếp hạng hạnh phúc toàn cầu, Việt Nam tăng từ vị trí thứ 54 trong năm 2024 lên vị trí thứ 46, tăng gần 40 bậc so với năm 2020.