Bức tường Berlin đã là một dĩ vãng trong lịch sử nhân loại vào cuối thế kỷ 20, nhưng thủ đô Berlin với những vết đau và xa cách vẫn còn đâu đó in trong tâm trí người dân Berlin nói riêng và dân Đức nói chung.
Nước Mỹ có ngày 11 Tháng Chín, nước Đức có ngày 9 Tháng Mười Một! Cả hai ngày này trùng với nhau nếu viết theo lối Mỹ (tháng ngày) và lối Việt Nam (ngày tháng) đều là 911 cả.
Ở Mỹ thì chúng ta ai cũng biết 911 của 2001, tòa nhà World Trade Center ở New York bị khủng bố dùng máy bay đâm đổ hai tòa nhà chọc trời này.
Còn 911 của 1989 bên Đức là ngày bức tường ô nhục Bá Linh phân chia Tây – Đông Bá Linh đã được người dân Đông Đức bước qua lằn ranh giới Cộng Sản đạp đổ chế độ Cộng Sản Đông Đức làm nên lịch sử vĩ đại của nhân loại cuối thế kỷ 20.
Berlin bây giờ trở thành thủ đô của Cộng Hòa Liên Bang Đức, thành phố này đã quên đi hay vẫn còn nhớ về một vết thương xưa cũ mà dường như vẫn còn nhức nhối trong đời sống nước Đức hiện nay? Sau 28 năm được chính quyền Cộng Sản Đông Đức xây lên để ngăn chia nước Đức, bức tường ngày nay chỉ còn lại một đống gạch vụn, làm những cục đá kỷ niệm cho nhân loại.
Hai mươi ba năm sau ngày bức tường Bá Linh sụp đổ, tôi mới có dịp đến du ngoạn thành phố Berlin (cho dù tôi đã đến nước Đức nhiều lần). Trước đó, có thể Berlin chưa đủ hấp dẫn lôi cuốn tôi như các thành phố Munich, Nuremberg, Frankfurt, Stuttgart hoặc ngôi lâu đài thần tiên Neuschwanstein ở miền Nam tiểu bang Bavaria.
Còn nhớ, khi chuyến bay hạ cánh xuống phi trường Tegel của Berlin, một phi trường tương đối nhỏ bé và nghèo nàn khiến tôi ngỡ ngàng. Phi trường quốc tế của thủ đô Berlin đây ư! Tôi không thể nào tin được vào đôi mắt của mình.
Các chuyến bay tôi đến Đức thường đáp xuống ở Frankfurt hay Munich, đó là các phi trường lớn có cả một guồng máy tổ chức tiện nghi cho các chuyến bay quốc tế và nội địa. Tôi đã quen như thế nên cứ ngỡ phi trường thủ đô Berlin sẽ rất là “tiện nghi hiện đại,” nhưng sự thật thấy buồn.
Hai mươi ba năm trôi qua mà sân bay ngày nay còn như thế thì chắc hẳn ngày xưa phi trường Berlin rất là buồn thảm lắm. Ngày ấy, trên đường từ phi trường về trung tâm thành phố, tôi đã chứng kiến cảnh một bà cụ đi xe buýt công cộng vào phi trường nhặt những đồ phế thải để bán tái chế. Và du khách dễ dàng bắt gặp những hình ảnh như thế tại các khu nhà ga lớn Zoologischer Garten, một khu nổi tiếng sầm uất của Berlin. Ngày nay một phi trường mới toanh (sau nhiều lần Berlin thất hứa với người dân) đã hoàn thành để đón chào du khách từ khắp nơi trên thế giới.
Những hình ảnh ngày đó ám chỉ cho tôi biết Berlin không phải là một thành phố giàu có như các thành phố khác của Đức mà tôi đã có dịp đi qua. Những tòa nhà cũ kỹ thiếu phần sửa sang, những bảng tên đường gần như mờ chữ, những bức tường khói bám đen không được lau chùi tạo cho thành phố có một dáng vẻ nghèo nàn.
Phía bên Tây Đức nhà cửa tương đối gọn gàng hơn phần Đông Đức nơi mà thành phố Berlin đã phải chi tiêu rất nhiều tốn kém cho các công trình kiến trúc và sửa sang trợ cấp mọi lãnh vực cho khu vực phía Đông. Người dân Tây Đức vẫn còn phải chịu đóng thêm phần thuế để giúp vực dậy các lĩnh vực yếu kém bên Đông Đức.
Có đến khu nhà ga Alexanderplatz thuộc về Đông Đức cũ mới thấy được sự tốn kém của Berlin để “nâng cấp” nơi đây. Vì thế người Tây Đức vẫn có một cái nhìn không vui, vẫn có một khoảng cách nào đó về người miền phía đông. Người dân hai miền đông tây làm sao giống nhau được khi sự suy tư về đời sống, về cách sống của họ hoàn toàn khác nhau.
Những người đã sống lâu năm dưới chế độ Cộng Sản luôn có những cách suy nghĩ, cách sống, cách buôn bán khác hẳn với những người chưa bao giờ sống dưới chế độ Cộng Sản. Những điều đó dường như tạo ra một khoảng kiêng dè xa cách giữa mọi người. Nhưng hơn 30 năm đã trôi qua, Berlin đã dần thay da đổi thịt. Những cũ kỹ nghèo kém của cái gọi là “sản phẩm – kiến trúc Đông Đức” đã và đang được thay thế để đưa Berlin lên vị trí xứng tầm là thủ đô của nước Cộng Hòa Liên Bang Đức.

Tôi đến cổng Brandenburg lịch sử vào buổi chiều hơi nhạt nắng. Ngày xưa đây là biểu tượng cho nước Đức nhớ về thời oai hùng của thế kỷ 18. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, Brandenburg Gate hầu như bị phá hủy, chỉ còn lại khung cổng tiều tụy và sự đổ nát chung quanh.
Cổng Gate đã được trùng tu lại vào năm 1961 và trở thành cánh cổng phân chia Đông Tây Berlin. Nhưng cũng chính tại nơi đây người dân Đông Đức vào đêm 9 Tháng Mười Một, 1989, đã “dám” bước qua ranh giới cấm kỵ, họ đi vội về bên phần đất tự do Tây Đức. Những bước chân “dám bước qua ranh giới Cộng Sản” hướng về phía tự do này không những chỉ làm sụp đổ chính quyền Cộng Sản Đông Đức mà tiếp theo đó kéo theo sự sụp đổ toàn bộ chủ nghĩa Cộng Sản Âu Châu vào những tháng ngày sau đó.
Có lẽ không ai ngờ được chế độ Cộng Sản Âu Châu “đi” nhanh như vậy, căn bệnh ung thư Cộng Sản của họ không thể chữa được nữa, đã đến ngày đến giờ thì đành “đi” thôi. Chỉ có điều, “Đi mà vội quá, không kịp bảo gì nhau” nên các chế độ Cộng Sản Á Châu vội vàng biến thể để tự cứu mình.
Con mèo đỏ vội nhuộm trắng bộ lông mình, vất đi nền kinh tế bao cấp và vội vã “đổi mới” học tập kinh tế thị trường và tạo ra nhiều cơ hội cho đảng viên cán bộ tham nhũng hối lộ và trở thành những “tư bản đỏ,” đồng thời hiện rõ nguyên hình giai cấp thống trị của mình!
Ngồi trong quán Starbucks Coffee hiện hữu bên một góc tòa nhà của phần Đông Đức xưa, nhìn sự nô đùa hồn nhiên của các đứa trẻ nhỏ, sự ngây ngô của đám thanh niên hình như họ chẳng biết gì một quá khứ vừa mới xảy ra cho họ.
Tôi xem lại những tấm hình lịch sử ghi lại hình ảnh một Brandenburg Gate ngày xưa đổ nát và một Brandenburg ngày nay huy hoàng, không còn phân chia Đông Tây. Dù không là người Đức nhưng sao tôi cũng thấy lòng nao nao ngẫm nghĩ về một thời chủ nghĩa vô nhân tính trong đời sống con người.
Tôi gặp một người bán hàng rong, anh ta bán hotdog theo phương cách mới mà tôi chưa thấy bao giờ, một “bếp ga” đeo ngay trước ngực, có khoảng chục hotdog trên bếp. Tay cầm đồ gắp, bên hông đeo túi giấy và hotdog, đầu đội dù che nắng, đi loanh quanh nhà ga chào đón mời khách mua hotdog. Cung cách buôn bán cũng khá ngộ nghĩnh và lạ. Nụ cười và giọng nói chào mời của anh ta cho tôi cảm nhận được ý nghĩ cuộc đời này mọi chuyện rồi sẽ qua.
Thời gian sẽ giúp người dân Đức nối liền tâm tư họ lại với nhau. Bây giờ Berlin đang bỏ công sức xây những tòa nhà kiến trúc mới thay thế dần dần những kiến trúc cũ kỹ thời Cộng Sản, có những ngôi chung cư cũ kỹ làm tôi liên tưởng ngay đến kiểu dáng kiến trúc Stalin bên nước Nga mà chính người Nga bây giờ cũng đang dần dần phá đi để xây dựng lại kiến trúc mới hiện đại hơn.
Điều làm tôi cảm động nhất là đến xem những hình ảnh được vẽ lại trên đoạn tường ô nhục Berlin East Side Gallery gãy đổ. Nơi đây được giữ lại như một nhà bảo tàng ngoài trời. Có lẽ đây là di tích lịch sử đắt giá của Berlin, nhìn đoạn tường này tôi chợt nhớ về một đoạn tường Berlin khác đã được đem về dựng tại quảng trường thánh địa Fatima, đánh dấu kỷ niệm “điều bí mật thứ ba” của Tòa Thánh Vatican đã được bật mí về sự cáo chung của chủ nghĩa Cộng Sản.

Đoạn tường East Side Gallery là điểm không thể thiếu khi đến thăm Berlin, nơi đây ghi lại những hình ảnh ao ước tự do của con người do các nghệ nhân đến từ khắp nơi trên thế giới vẽ lại trên tường. Hình ảnh một Leonid Brezhnev “hôn môi” Tổng Bí Thư Đông Đức Erich Honecker còn được vẽ lại trên bức tường trông thật “lạnh người” của hai giống đực già, luân lý Cộng Sản được phô bày một cách quá tự nhiên mà chắc luân lý Á Châu chưa nhìn quen được.
Hình ảnh chiếc xe hơi “cà rịch cà tang, mỏng như giấy, model Trabant” do Đông Đức chế tạo chạy thử “Test the West” bằng cách đâm thủng bức tường Đông Berlin để chạy về phía Tây tự do cũng làm cho người xem ngẫm nghĩ. Và còn rất nhiều hình ảnh đáng nhớ! Đây là một nơi đáng xem nhất cho những ai muốn biết về sự khao khát tự do của con người.
Ngoài ra các điểm lịch sử khác như tại Checkpoint Charlie đã được trùng tu lại, gợi nhớ về hình ảnh thiết giáp của Mỹ và xe tăng của Liên Xô đối mặt nhau, sẵn sàng tặng nhau những quả đạn đã lên nòng. Cần nói thêm một chút về sự phân chia Berlin, sau khi quân đồng minh tiến chiếm Berlin, thành phố này đã chia làm bốn phần cho bốn nước chiến thắng là Liên Xô – Mỹ – Anh – Pháp.
Phần phía Đông thuộc về Liên Xô, phần phía Tây thuộc về Anh – Pháp – Mỹ. Checkpoint Charlie là chốt điểm canh gác giữa Mỹ và Liên Xô và là một điểm nóng trong thời chiến tranh lạnh. Bây giờ trong thời kinh tế thị trường thì Checkpoint Charlie được trình bày lại cho sạch sẽ, có người mặc quân phục Mỹ như thời xưa, chụp hình chung với du khách đứng tại chốt điểm Charlie để kiếm tiền.
Cạnh đó là một dãy tường dài còn được rào kín và giữ nguyên trong tình trạng đổ vỡ để hậu thế Đức hay du khách từ thập phương đến xem mặt mũi bức tường ô nhục ngày xưa ra sao. Bức tường được ghi chú tỉ mỉ từ lúc xây cho đến ngày tàn của nó, đồng thời tên tuổi của những nhân vật liên quan đến bức tường cũng được ghi chép lại cho người sau không nên quên tên họ vội.
Đi xa khỏi Checkpoint Charlie một chút, du khách đến khu vực cây xanh nổi tiếng của Berlin. Đó là khu công viên Grobe Tiergarten Park nằm dọc theo con đường Strasse des 17 Juni dài gần 3 km. Con đường nổi tiếng bận rộn nhất của Berlin và công viên Tiergarten rất rộng và nhiều “tự do” nhất ở đây.
Tôi không biết có những bãi biển hay khu vườn nào trên thế giới này dành riêng cho người ta phơi nắng trần truồng một cách tự nhiên nơi công cộng như ở khu vườn Tiergarten này hay không! Nhưng ở đây tôi đã gặp những Adam cởi bỏ áo quần nằm phơi nắng, đi lại khá tự nhiên vào mùa Hè, nhưng không bắt gặp Eva nào (hay chưa thấy kịp) cho dù nhiều phụ nữ có mặt ở đây. Chẳng lẽ Tiergarten Park chỉ dành cho Adam tắm nắng mùa Hè?
Phía đầu của con đường Strasse des 17 Juni là Victory Column, một thạch trụ tượng thần Chiến Thắng Victoria cao đến 70 mét được dựng ngay chính giữa bùng binh. Victory Column tượng trưng cho sự thống nhất của nước Phổ (Prussian) sau các chiến thắng chống lại Đan Mạch, Áo và Pháp vào cuối thế kỷ 19. Victory Column được xem như là một biểu tượng thứ hai của Berlin.

Riêng với người Việt Nam, Berlin ngoài những di tích lịch sử hiện đại dành cho du khách, còn có khu chợ Đồng Xuân là một khu trung tâm sinh hoạt và buôn bán sầm uất của người Việt Nam tại Đức. Khu chợ nằm thuộc về phía Đông Berlin. Tất cả các tiệm ăn uống theo hương vị Việt Nam đều có mặt ở đây.
Tôi chưa có dịp đi hết các gian hàng ở đây, nhưng khu chợ Đồng Xuân ở Berlin cũng khác hẳn những khu chợ mà tôi đã gặp bên Đông Âu. Phía trước cổng có bảng tên lớn “Chợ Đồng Xuân,” qua khỏi cổng là một khu đất rất rộng, có chỗ đậu xe. Các văn phòng dịch vụ thì nằm ngay ở tòa nhà phía trước. Phía sau là các barack màu trắng kem và xanh blue, có dáng dấp trông như những doanh trại rộng lớn và xây song song nhau.
Bên trong các barack này được phân chia ra thành các gian hàng nho nhỏ, bán đầy đủ từ chợ đến các cửa hàng áo quần, quà tặng, và các quán ăn. Khu chợ trông ra tươm tất hơn các khu chợ bên Đông Âu nhiều. Có lẽ đời sống ở Đức dễ thở và trật tự hơn các đất nước Đông Âu khác nên hình như có rất nhiều người Việt ở các nước láng giềng toan tính sang Đức. Có những người ở Đông Âu lúc nào cũng mập mờ tự nhận họ là du học sinh Việt Nam ở Đức hay là người Việt sinh sống ở Đức mặc dù họ không hề ở nước Đức.
Dù sao nước Đức vẫn là một cường quốc ở Âu Châu, nơi sản xuất các loại xe và nhiều mặt hàng nổi tiếng thế giới (kể cả loại xe Trabant “danh tiếng dỏm” của Đông Đức cũ). Chọn thế cách nói “người Việt ở Đức” có vẻ oai hơn người Việt ở các nước Đông Âu cũ.
Thời gian rồi sẽ đưa người dân Berlin gần nhau hơn nữa. Một thế hệ sắp qua đi và biết đâu có ngày xe “Trabant cà-rịch-cà-tang” sống lại và nổi tiếng hơn cả BMW của Munich, Mercedes Benz và Porsche của Stuttgart. Ngày ấy Marx và Lenin đã đầu thai thêm được vài kiếp; còn Stalin, Mao Trạch Đông, Polpot muôn đời bình yên dưới tầng thứ mười địa ngục.