California, miền đất vàng

Ảnh: Wikipedia

Chiều ngày 28 Tháng Mười Một vừa qua, đường bay non-stop nối liền Sài Gòn với San Francisco đã được thiết lập. Không có chi quá ngạc nhiên vì San Francisco lâu nay vẫn thu hút du khách khắp nơi trên thế giới như từng thu hút hàng hàng lớp lớp những người ấp ủ đi tìm cho mình một cuộc sống mới, tốt đẹp tại “the Golden State”. Có nhiều người phất lên và cũng có rất nhiều người ngậm đắng nuốt cay cho đến khi nhắm mắt lìa đời.

SUTTER’S MILL VÀ DẤU ẤN LỊCH SỬ 170 NĂM TRƯỚC

Sắp tới đây, đại dịch COVID đã là chuyện buồn của ngày hôm qua, bạn sẽ lại lên đường du lịch thế giới và xin nhớ rằng khi tung cánh bay vượt Thái Bình Dương đến San Francisco, bạn nhớ thu xếp một ngày tham quan địa chỉ nổi tiếng này mà lâu nay chưa được nhiều khách Việt biết đến: Công viên Lịch sử Marshall (Marshall Gold Discovery State Historic Park). Cách San Francisco khoảng 124 dặm, nơi này đã chứng kiến một sự kiện lịch sử cách nay 173 năm, góp phần tạo nên lực hút mạnh của tiểu bang California mãi đến ngày nay.

Ông Johann August Sutter (ảnh: Wikipedia)

Vào khoảng năm 1838, một người Thụy Sĩ tên là Johann August Sutter đã đổ bộ xuống cảng San Francisco. Trước mắt ông là vài chục căn nhà gỗ thô sơ bao vây bởi rất nhiều lều bạt dơ bẩn, những con heo gầy trơ xương tự do chạy rong giữa số vài trăm cư dân, một tu sĩ dòng Phanxicô xác xơ vì bị sốt nóng quanh năm nhưng vẫn không quên nhiệm vụ truyền giáo. Không hề nản chí, ông Sutter đi ngược lên phía trên thung lũng, khai hoang xây dựng nông trang bên bờ sông American. Từ đó dần phát triển nên một ngôi làng, mỗi người một nghề ngày ngày ra sức làm việc, cuộc sống tuy không giàu có nhưng bình yên.

Rồi mọi chuyện thay đổi khác hẳn khi vào ngày 24 Tháng Hai 1848, một ông thợ mộc tên James W. Marshall trong lúc đang xây dựng xưởng cưa bên bờ sông American cho ông Sutter thì phát hiện những cục vàng nho nhỏ trong làn nước. Bức điện tín lao vút trên dây điện nên tin nóng phát hiện vàng ở gần “Sutter’s Mill” (xưởng cưa của Sutter) bên California đã nhanh chóng được cả thế giới biết, từ các nước châu Âu qua Nga, Trung Hoa, Nhật tỏa xuống Úc, New Zealand, vùng Nam Mỹ.

Cơn sốt tìm vàng nổ ra, hàng ngàn người nối tiếp hàng ngàn người đã bỏ ngang việc mình đang làm, “khăn gói quả mướp” với chút ít tiền của mà tìm đến “Vùng đất vàng California”. Không ai nghĩ rằng mình đã lao vào một cuộc phiêu lưu với rất nhiều rủi ro có thể mất tính mạng. Ai ai ra đi cũng hy vọng sẽ tìm được vàng để thoát cảnh nghèo khó ở quê nhà. Thời ấy, chẳng có máy bay để bay nhanh như du khách ngày nay chỉ sau một chuyến bay đêm đã thấy mình hạ cánh xuống Los Angeles, San Francisco, San Diego hoặc phi trường Ontario. Người dứt áo ra đi chỉ có ba cách để đến được California, mà cách nào cũng gian nan, nguy hiểm.

Ông James W. Marshall (ảnh: cal170.library.ca.gov)
Một quyển sách về lịch sử California và những cuộc đào vàng (ấn hành năm 2020)

Cách thứ nhất, từ Bờ Đông băng ngang lãnh thổ Mỹ để đến Bờ Tây, tức phải ngồi lưng ngựa hoặc trong xe ngựa, xe bò kéo hợp thành đoàn “caravan” dài vượt qua nhiều con sông, leo qua dãy Rocky, băng đồng cỏ bao la để giúp đỡ, bảo vệ nhau khi bị “mọi da đỏ” tấn công. Đó là hành trình kéo dài hơn ba tháng chịu đói, khát, lạnh, mưa bão.

Cách thứ hai không kém phần hiểm nghèo là đi tàu buồm vòng xuống tận cùng Nam Mỹ, vượt qua Mũi Horn rồi hải hành ngược lên phương Bắc mà đến Vịnh San Francisco. Và cách thứ ba, đi bộ và đi ngựa thông qua bán đảo Panama, luồn vào rừng xanh, chịu áp lực của mưa, muỗi, vắt, đỉa.

DẤU ẤN CÒN LẠI

Vậy mà người ta vẫn đi, trong ánh mắt hiện tia hy vọng từ những viên đá vàng lóng lánh trong ánh nắng Mặt trời. Riêng trong năm 1849, số những “forty-niners” (những người tìm đến California vì hấp lực của vàng năm 1849) đã lên đến con số 90,000 ở hai bờ con sông American. Không có luật pháp nào, không có quy định nào và cũng chẳng có ràng buộc trách nhiệm nào nên mặc ai tìm được miếng đất nào trống là cắm cọc, dựng lều và ra sức đào cát đá trong lòng sông để đãi tìm vàng.

Sang năm 1850 lại có thêm 91,000 người; và đến năm 1855, số người ngoài tiểu bang, ngoài nước Mỹ đến California đào vàng hoặc làm các nghề cần thiết phục vụ cuộc sống của những người lên cơn sốt tìm vàng (không thiếu kẻ bất lương, các cô gái bán dâm, kẻ khai thác sòng bài, quán nhậu quen gọi là Saloon…) đã lên đến 300,000. Cộng chung đã có khoảng 60,000 người Hoa; 7,000 người Mexico…

Xưởng cưa của ông Johann August Sutter tại thung lũng Coloma gần Sacramento, nơi những miếng vàng đầu tiên được phát hiện – tranh khắc gỗ Thế kỷ 19 (ảnh: ullstein bild/Getty Images)

Thực tế có ai đã tìm được vàng? Số liệu ghi chép bởi các quầy cân đo mua vàng cho biết từ năm 1848 đến 1855 đã có 370 tấn vàng ở các dạng viên sỏi, hạt tấm đã được đãi lên từ các bờ sông. Một số những nghiên cứu còn cho thấy tính trung bình trong 20 người đào vàng thì có một người tìm được vàng. Nhưng chắc chắn số người thành đạt bằng những việc làm phục vụ giới đào vàng cao hơn nhiều, thí dụ ông Levi Strauss giàu lên nhờ loại quần cắt may từ vải dày cộp mà nay cả thế giới đều quen gọi là “quần jeans”.

Làn sóng người ngoại quốc từ khắp nơi ập đến California tìm vàng và sinh nhai bằng cách phục vụ những người tìm vàng đã góp phần tạo nên một California trù phú ngày nay với những mảng dấu ấn lịch sử, văn hóa, tập quán của nhiều sắc dân pha trộn. Nhờ vậy mà California,  biệt danh “Tiểu bang vàng” (The Golden State) mãi cho đến nay vẫn là một cục nam châm thu hút người di dân và du khách. Ngành đánh bắt hải sản ở tiểu bang này phát triển mạnh là nhờ công sức của con cháu những người Hoa đầu tiên bị hút đến làm “coolie” trong những ngôi làng, thị trấn bột phát lên từ cơn sốt đào vàng.

Các địa danh vang góp phần cho “vang California” nổi tiếng toàn cầu như Napa Valley, Sonoma Valley, San Bernadino Valley… là trái ngọt của những gia đình nông dân Ý đã đến đây đào vàng rồi khai phá đất hoang, trồng nho. Không có sắc dân nào không có đóng góp cho sự phát triển của toàn vùng đất rộng lớn California như chúng ta biết ngày nay mỗi lần bay đến đây du lịch, từ Los Angeles, San Francisco đến Santa Barbara, Santa Clara, San Diego, San Jose…

Mô hình tái dựng Sutter’s Mill (ảnh: commons.wikimedia.org)

Từ một vùng đất xa lạ là thuộc địa xa xôi của đế quốc Tây Ban Nha rồi trở thành tiểu bang thứ 31 của Mỹ vào ngày 2 Tháng Hai 1848 (do Mexico nhượng lại), California đã có lực cất cánh từ thời Cơn sốt đào vàng 1848-1860 mà thực chất cũng là một cuộc đại di dân và ngày nay, nếu xem California như một quốc gia thì đó là nước giàu có hàng thứ sáu thế giới, hơn cả nước Pháp. 39 triệu người California hãnh diện vì tiểu bang của họ là số một về phát triển công nghệ (Silicon Valley), nông nghiệp (Napa Valley), tài chánh, ca nhạc, điện ảnh (Hollywood) và du lịch (từ cuối thế kỷ 19, những du khách đầu tiên đã đến đây để di chuyển đến Công viên quốc gia Yosemite, thành lập năm 1890). Năm 1862, San Francisco đã là thành phố trù phú với 70,000 cư dân, giới nhà giàu sống trong những căn nhà sang đẹp tưởng chỉ có ở New York hay Chicago.

Có dịp thăm Sutter’s Mill, bạn đừng quên rằng nơi đây từng được nghệ sĩ Dan Fogelberg mô tả trong ca khúc trứ danh Sutter’s Mill vào năm 1984. Và khi du lịch California, bạn sẽ nhớ rằng miền đất vàng này đã được nhắc đến trong nhiều ca khúc nổi tiếng, từ If you’re going to San Francisco (Scott Mackenzie); It never rains in Southern California (Albert Hammond); Ventura Highway (nhóm America)…. và tuyệt tác Hotel Califonia (nhóm The Eagles). Một ca khúc buồn mà nghe thật thấm thía, mô tả di dân với giấc mơ đẹp đã tan vỡ sau nhiều năm xa quê nhà ở tiểu bang Georgia tìm đến San Francisco và rồi bế tắc, ngày ngày chỉ còn ngồi lừ đừ trên bến cảng xem những con tàu vào ra, xem các cơn sóng tan bọt trắng xóa trên bãi cát là tuyệt tác Sitting on the dock of the bay của nam nghệ sĩ blues tài hoa Mỹ da màu Otis Redding!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: