Tin vui đã được thông báo, sắp tới đây, những cánh cổng nhập cảnh vào Liên bang Hoa Kỳ sẽ được mở rộng đón tiếp trở lại làn sóng du khách quốc tế miễn họ đã tiêm đủ hai liều vaccine Covid-19 và xét nghiệm âm tính con virus này 72 tiếng trước khi đặt chân lên đất Mỹ. Lần này trở lại Mỹ, hy vọng nhiều du khách sẽ tìm đến những vùng đất nói lên được tính cách tiên phong khai phá, can đảm và lì lợm đối đầu với những thử thách, khó khăn, để nhận thức được rõ hơn Hoa Kỳ đã giàu có và phát triển từ đâu.
Đã mãn nhãn với những kỳ tác thiên nhiên trong các không gian bạt ngàn tưởng chỉ là hoang vu và khô cằn (nhưng thực ra vẫn ngầm sự sống mãnh liệt mà mắt thường của du khách phương xa không thể phát hiện ra được) của Monument Valley (với những đụn đá to vươn cao từng là bối cảnh của hàng trăm phim cao bồi); Horseshoe Bend (nơi khúc sông Colorado uốn khúc quanh núi đá đỏ thành hình móng ngựa) và Công viên quốc gia Arches (nhìn đâu cũng thấy những vòm đá, lỗ to khoét tự nhiên trong đá), tôi thả mình vào giấc ngủ khi đã an tọa trở lại trên chiếc xe bus to đùng chở đoàn khách đông hơn 35 người. Bỗng xe hơi dằn sóc, tôi mở mắt và kịp trông thấy phía bên phải, ở lưng chừng giữa một rặng núi đá khổng lồ là hàng chữ “HOLE IN THE ROCK”.
LIỀU LĨNH VÀ CAN ĐẢM ĐI KHAI PHÁ
Thì ra những gì đã xem, đã đọc khi còn trẻ là có thật, chẳng phải là chuyện phát sinh từ trí tưởng tượng quá phong phú của những nhà văn, kịch tác gia phim truyện phiêu lưu. Hole in the Rock (Lỗ trong đá) đây rồi, chẳng phải một tác phẩm của Tạo hóa mà là một kỳ tác của con người cách nay đúng 140 năm.
Ngày nay khi lao nhanh trên những xa lộ dài thẳng tắp chạy qua các tiểu bang Arizona, California, Idaho, Montana, Nevada, Utah, Wyoming, New Mexico… du khách nào ngờ rằng để có những con đường tráng nhựa dày, êm ái ấy thì người xưa đã có những năm tháng cực kỳ gian khó mò mẫm vạch ra bao đường đi mới lạ. Người Mỹ dùng từ “trail” mà người Việt chúng ta quen dịch là “đường mòn” để gọi những con đường họ đã tự vạch ra trong công cuộc khai phá miền Viễn Tây, như Sante Fe Trail, Oregon Trail, Spanish Trail…
Và trong công cuộc chinh phục Viễn Tây phải kể đến công sức lớn của những đoàn di dân lập nghiệp gồm toàn những gia đình theo giáo phái Mormon (nay gọi là Hội thánh những Vị thánh ngày sau, Latter Day Saints Church, LDS) được chỉ huy bởi nhà lãnh đạo cực kỳ tài ba Brigham Young. Đối với họ, việc ra đi khai phá là một “nhiệm vụ” chứ không đơn giản là một cuộc ra đi bình thường. Vì thế các đoàn này mới có tên là những “mission”. Trên hành trình khai phá, họ phải đương đầu với vô vàn cản ngại, không chỉ là thổ dân da đỏ, thú dữ (như sư tử núi, gấu nâu vĩ đại và gấu đen cực khỏe, bò rừng bison nổi hung, hươu đực sừng to mùa giao phối…); thời tiết khắc nghiệt; đói khát; bệnh tật mà còn là những con sông rộng lớn, chẳng hạn như dòng Colorado!
Không phải gia đình nào cũng khá giả để có xe ngựa hoặc xe bò, lắm khi chỉ là chiếc xe do chồng kéo, vợ đẩy, phía trên có chất vài ba cái túi, cái thùng, cuốc xẻng… Vậy mà họ đã đi, đã tìm ra nhiều vùng đất hoang rồi biến chúng thành những ốc đảo xanh tươi, trật tự, an bình mà rồi theo dòng thời gian đã trở thành những thị trấn, thành phố sầm uất, cụ thể là Moab, Escalante, Price, Kanab, San Juan… và cả đến Salt Lake City, nay là thủ phủ tiểu bang Utah!
ĐÀO LỖ TRONG ĐÁ ĐỂ VƯỢT SÔNG LỚN
Tháng Tư 1879, một đoàn di dân từ những cộng đồng người Mormon ở miền Nam tiểu bang Utah lên đường với mục tiêu tìm đến lãnh địa nay là Hạt San Juan lập nghiệp. Đoàn người mang tên The San Juan Mission, gồm khoảng 250 đàn ông, phụ nữ và trẻ nhỏ chất chồng trên 80 chiếc ngựa kéo cùng đàn gia súc khoảng 100 con bò và ngựa. Và họ đã vượt chặng đường dài hơn 200 dặm để đến San Juan.
Cách nay 140 năm, muốn đến được Hạt San Juan để lập nghiệp, họ có hai chọn lựa, một là lần lượt đi qua các địa danh Lee’s Ferry, Moenkopi và làm sao di chuyển bình an qua được hết giang sơn rộng lớn của thổ dân Navajo (phát âm là Na-Va-Hô); hai là men theo Đường mòn Tây Ban Nha (Spanish Trail), qua Salina Canyon, Castle Valley và Moab. Nhưng vị chỉ huy Đoàn San Juan muốn tìm được lối đi mới, ngắn hơn bằng cách vượt qua Escalante và vùng hoang mạc chưa hề in dấu chân người da trắng. Tuy nhiên, họ bị dòng sông Colorado cản đường.
Mùa Hè 1879, các trinh sát viên đi tiên phong phi ngựa trở về báo cáo: Có thể đến bờ sông Colorado nhanh hơn nếu như ra sức đào khoét đá xuyên qua một cái khe núi rất nhỏ ở phía Tây thung lũng Glen (sau này có đập thủy điện Glen nổi tiếng vĩ đại chỉ sau đập Hoover) trong cái vực khổng lồ tạo ra bởi dòng sông. Một thách thức tưởng chỉ dành cho Hercules trong truyện thần thoại Hy Lạp vậy mà đã không hề khiến Đoàn San Juan nản chí. Họ xăn tay áo lên, quyết tâm đào được đường đi xuyên núi đá. Và địa danh HOLE IN THE ROCK ra đời.
Cái khe đá quá hẹp, chiều ngang chỉ vừa cho một người nhỏ con len thân vào. Khe đá càng vào trong càng ngoằn ngoèo, hiểm trở. Người ta phải leo lên cao, quấn dây thừng quanh thân rồi thả mình từ từ xuống dưới khám phá. Ở dưới cùng của vực, không gian có phình rộng ra hơn, khoét đục vách đá thêm thì xe ngựa có thể chạy qua được. Thế là cuốc xẻng lưỡi đục được đem ra mài dũa, dây thừng được bện cho dài thêm, thuốc nổ được tập trung (lô đầu tiên, khoảng 12kg, đến chân khe đá ngày 22 Tháng Một 1880)… Đoàn San Juan đã lao vào công cuộc đào, đục vách đá đỏ!
Chiều ngày 25 Tháng Một 1880, một con đường xuyên khe đá đã hoàn tất, kéo dài đến bờ sông Colorado, nơi cũng hoàn tất một chiếc phà đặc biệt tốn rất nhiều sức sáng tạo và xây dựng. Ngày 26 Tháng Một, tổng cộng có 26 cỗ xe ngựa của người khai hoang đã vượt sông lớn trên chiếc phà ấy, những chiếc còn lại qua sông ngày hôm sau. Rồi đã có lúc, người ta mở rộng thêm chiều ngang của con đường xuyên khe đá Hole in the Rock để có được cùng lúc hai cỗ xe ngựa di chuyển ngược chiều nhau. Ngày nay con đường này trở thành một điểm dừng chân tham quan nổi tiếng.
Chỉ chạy lướt qua nhưng từ trên đài quan sát toàn cảnh Glen Canyon và Đập thủy điện Glen bên phần đất tiểu bang Arizona và những ngày sau đó khi đứng trước những “tượng” đá kỳ vĩ ở Công viên quốc gia Zion, tiểu bang Utah, tôi đã có được những hình ảnh thật để mường tượng HOLE IN THE ROCK độc đáo đến chừng nào và sức người xưa phi thường đến cỡ nào!
Bài và ảnh: P. Nguyễn Dũng