Ecuador: Thiên đường loài chim

Long tail Sylph Hummingbird

Không biết tự bao giờ, các quốc gia Nam Mỹ đã là nơi tụ tập của biết bao nhiêu loài chim đến nỗi người ta gọi vùng ấy là “Lục địa của loài chim”. South America là nhà của 3,445 chủng loại chim và dân số chim ở đây chiếm một phần ba tổng số chim trên thế giới. 

Tôi may mắn được viếng thăm các nước ở vùng Nam Mỹ mà Ecuador là một trong những nước Nam Mỹ có nhiều loại chim đẹp, lạ và hiếm có nhất. Những ngày đi săn ảnh và chụp chim ở Ecuador là những giờ phút mê mẩn, kỳ thú, đi liên tục, không ngừng nghỉ. Đây là một trải nghiệm mới và khác hẳn với những gì mà tôi từng trải qua trước kia.

Bạn muốn thăm thú, xem chim chóc hay chụp chim ở đây, điều đầu tiên nên làm là tìm một công ty du lịch Tour dẫn đường có uy tín. Tùy theo nhu cầu của bạn mà họ dẫn bạn đến nơi bạn muốn xem. Thành phố Quito là cái trục chính và từ đó bạn sẽ rẽ đi các vùng Bắc hay Nam để đến nơi bạn muốn đến.

Đất nước vùng cao nằm bên dãy núi Andes này tạo nên hai vùng khí hậu Nam và Bắc khác biệt lại thêm khí hậu nhiệt đới của Amazon khiến nơi đây biến thành một cứ điểm hấp dẫn cho các loài chim đua nhau tụ về sinh sống. Mưa nhiều, rừng rậm núi cao, đã giấu kín những vẻ đẹp ẩn tàng kỳ diệu mà chỉ những ai thích phiêu lưu, ưa tìm tòi mạo hiểm mới khám phá được. 

Booted racket tail Hummingbird

Khởi đi từ Quito, mỗi ngày nhóm chúng tôi được đưa đến các nơi như các nông trại hay các địa điểm bảo tồn chim chóc để chụp ảnh. Mỗi buổi sáng sớm thường từ 5 giờ sáng, một chiếc xe 4 wheel drive với người tài xế và người dẫn tour đến đón chúng tôi đi chụp ảnh.

Người tài xế là một thanh niên trẻ người địa phương rất thông thạo đường xá ở đây, nhất là đường vào các nông trại hay các khu bảo tồn. Anh giỏi lái xe đường núi vì nơi đây toàn là đồi núi mà lại có mưa lầy, cùng sương mù ở những nơi là lũng thấp. Những chiều mưa hay buổi sáng sương mù dày đặc, di chuyển trên những sườn núi bên những vực cao vô vùng nguy hiểm mà anh vẫn lái như không, khiến tôi phải bội phục.

Anh nói tiếng Anh chút đỉnh và bập bẹ. Riêng cô dẫn đường thì tiếng Anh lưu loát và có học. Cô rành rẽ từng loài chim, thói quen của chúng và biết cách giả tiếng chim để gọi chúng ra nữa.  

Mỗi ngày chúng tôi đi một, hai hoặc ba địa điểm tùy theo tiện đường hay người dẫn đường nhận được cú điện thoại báo cáo có giống chim nào xuất hiện của chủ nông trại. Phần lớn chim chóc ở đây sống trong rừng núi. Tuy nhiên các chủ nông trại có trồng trọt nhiều chuối và những loại cây ăn trái nên chim thường về nông trại của họ để ăn.

Họ thấy chim về nên họ bắt đầu dụ chim bằng những thứ trái cây hay sâu bọ mà chúng ưa thích, thế là chúng lần về, lâu ngày chúng quanh quẩn ở gần đấy đợi họ cho ăn. Họ đặt tên cho từng con theo tiếng Tây Ban Nha và học thuộc tiếng hót hay kêu của loài chim đó. Mỗi ngày theo một giờ giấc nào đó họ nhại tiếng chim hay để loa có tiếng chim để gọi chim về cho chim ăn, khi chim về các tay chụp chim tha hồ mà chụp.

Toucan Babet

Chim ở Ecuador có nhiều loại lạ và hiếm gần như tuyệt chủng, do đó nông trại nào sở hữu được vài ba con là đã có thể làm giàu. Chim hay thú vật thường ăn từ sáng sớm, nên chúng tôi cũng phải lò mò đi từ sớm, đến trang trại giữa lúc núi đồi còn sương phủ tối thui.

Chúng tôi đứng rình rập chim bay đến ăn, để chụp hình, (thiệt là chỉ có đam mê mới làm được điều này), lại phải đứng trong bóng tối, muỗi đốt lia lịa, chỉa ống kính ra chỗ chủ nông trại để bắp ngô dụ chim, không dám cựa mạnh sợ gây tiếng động, chim sợ bay mất. 

Andean Rock of the Cock

Dưới ánh đèn lờ mờ, con chim hiện ra mổ hạt ngô liên tục, thế là các phó nhòm thi nhau bấm máy.  Đã vậy chủ nông trại còn ngụy trang che kín chỗ chụp ảnh, màn rủ xuống che, chỉ để vài lỗ trống, đủ để thò cái ống kính ra thôi, vì họ sợ chim thấy người sẽ không bay xuống ăn mồi.

Thực vậy có những giống chim rất nhát nhưng lại là những loại chim hiếm ở trong danh sách tuyệt chủng. Tệ nhất là lần chúng tôi đi chụp chim Adean Cock of the Rock. Đây là một loài chim đặc biệt có cái mào đầu đỏ, lại giống cái mũ của binh sĩ Anh Quốc thời xưa. Nơi chụp là một vách đồi được người chủ khu bảo tồn dựng lên với các màn che chắn kín mít chung quanh.

Khoảng đất chỉ đủ cho khoảng 5, 6 người đứng nhưng người đến chụp khoảng 10 người, chen chúc nhau mà chụp. Màn phủ chỉ để ló ống kính ra thôi mà chung quanh chỗ chụp thì tối đen toàn muỗi. Chúng tôi đứng chịu đựng muỗi đốt để chụp lũ chim này. 

Chestnut Crowned Antpita Baby

Chúng, những con Adean trống màu đỏ, đen tuyệt đẹp, bay lượn, kêu réo véo von để dụ chim mái trong những bụi cây của rừng rậm phía trước, tạo nên một cảnh nhộn nhịp.

Chúng biểu diễn tranh tài để khuyến dụ các nàng mái trong mùa giao phối trông thật vui mắt. Có sống và chứng kiến những sinh hoạt và đời sống của muông thú trong thiên nhiên bạn mới quý đời sống của chúng ta biết dường nào. Bởi vì vạn vật và chúng ta cũng như nhau. 

Tôi thích nhất là giờ phút một buổi mai lúc đứng đợi chim đến để chụp nơi một cánh rừng. Chúng tôi bỗng nghe được một điệu chim hót rất du dương, có vần có điệu, không biết loại chim gì hót mà hay lắm các bạn ạ. Mọi người lặng đi khi nghe tiếng loài chim đó hót, hay ơi là hay, tôi nhanh tay lấy phone ra ghi lại nhưng chỉ được một đoạn ngắn. 

White Booted Hummingbird

Có đi chụp chim, có vào rừng buổi sáng, bạn mới được nghe tiếng chim hót diệu kỳ trong rừng. Đó là lúc bốn bề chìm trong khí lạnh sương lãng đãng bay, lòng bạn sẽ an tịnh hơn cả để sẵn sàng nghe được những tiếng chim hót khác nhau. Mỗi giọng chim là mỗi điệu, một kiểu, bạn mới hay rằng giọng hát con người thua xa giọng hát líu lo của một loài có cánh được gọi là chim!!!

Những nơi chúng tôi được dẫn đi tùy theo thời gian và địa điểm mà tới như Zuro Loma Reserve, Paz de las Aves, Pacha Quindi Hummingbirds, Alambi Hummingbirds, Santa Rosa Feeder, San Tadeo Feeder, Balcon Tumpiki, Punto Ornitológico, Amagusa Reserve, Antisana Ecological Reserve, Andean Condor, Ecuadorian Hillstar.

Phải nói Nam Mỹ đã lôi cuốn được người của các nơi trên thế giới mê nhiếp ảnh đến chụp chim. Tôi gặp nhiều người đến từ Âu châu, Á châu, Canada, Úc và các nơi khác. 

Yellow Toucan

Lần đầu trong đời tôi thấy được biết bao nhiêu là loài chim từ bé, lớn đến khổng lồ, loài nào cũng có cái hay đẹp riêng của nó. Từ những con chim xanh, đỏ, vàng thuộc giống Tanager, trông nhỏ nhắn xinh xắn thật đẹp, đến những chú chim Dacnis đủ màu nhìn thật đáng yêu.

Cỡ trung như Giant Antpitta, Moustached Antpitta, Yellow-breasted Antpitta, Chestnut-crowned Antpitta, Ochre-breasted Antpitta, Corcovado Dorsiosuro (dark-Backed Wood Quail) cho đến những con Condor Nam Mỹ khổng lồ giang cánh trên trời rộng. 

Blue Toucan

Tuy nhiên muốn đến gần nó để chụp bạn phải leo núi ở cao độ 16 ngàn ft tức 5 ngàn mét mới chụp được. Tôi tự hào vì đã từng leo được đến Cusco của Peru ở độ cao 11 ngàn ft, thế mà lúc leo lên quá 13 ngàn ft núi Ecuador để chụp Condor mới thấy bủn rủn cả chân tay.

Không khí loãng khiến tôi đi không nổi, tim bị mệt và phải từ bỏ ý định chụp Condor nên trở xuống, mà trời thì mưa lạnh rét, đường núi lại khó đi. Anh tài xế cũng say độ cao đi không vững, chỉ đứng ở dưới lũng thấp đợi mọi người. Chỉ cô tour guide và một anh còn trẻ đi nổi khúc đường cao độ còn lại. 

Tanager

Loại chim tôi yêu thích nhất suốt cuộc hành trình là Chim Ruồi Hummingbird. Tôi mê mẩn nhất là con chim đài các lông dài Long-tail Sylph hummingbird. Tôi cứ đi theo nó mà chụp trong khi nó là con nhát nhất trong loài chim ruồi. Vì sở hữu một cái đuôi dài đẹp rực rỡ nó khó bay lượn, xoay trở, dễ bị săn bắt ăn thịt nên nó rất nhát.

Nhưng khi nó bay thì rất đẹp, cái đuôi lê thê của nó lượn là như một vũ công với những tà áo mỏng dài thướt tha tuyệt đẹp. Bạn có biết, chỉ có con trống mới có cái đuôi dài và đủ màu đẹp như thế mà con cái thì xấu òm, đuôi lại ngắn hơn, trái ngược hẳn với con người. 

(Ảnh trong bài của tác giả)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: