Trong số các thắng cảnh thiên nhiên của Phi Châu, hẻm vực núi Blyde Canyon, hay còn được gọi là Blyde River Canyon, được xem là một thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng của Nam Phi.
Phi Châu (Africa) là một châu lục mà người ta thường hay nghe và biết đến qua sự nghèo khó, hình ảnh các sa mạc nóng bỏng và những người da đen nhọc nhằn đói khổ. Ít ai nghĩ rằng ở đây cũng có rất nhiều địa danh hấp dẫn du khách.
Ở châu lục này, phía Đông Bắc Phi Châu có đất nước Ai Cập (Egypt), Tây Bắc Phi Châu có Morocco, và phía Nam của lục địa là Nam Phi (South Africa) có nhiều địa danh lôi cuốn thu hút khách du lịch vì những nền văn minh cổ của nhân loại, những thắng cảnh thiên nhiên và đời sống hoang dã của các loài thú mà chỉ đến Phi Châu người ta mới thưởng ngoạn được.
Tại Nam Phi, hẻm vực Blyde River Canyon nổi tiếng nằm về phía Tây Nam của công viên quốc gia Kruger. Blyde River Canyon là một hẻm vực núi lớn sinh động với màu sắc xanh tươi của các cây cỏ, các dòng sông lờ lững hòa lẫn với màu sắc của các tầng lớp đá mềm đá cứng chồng chất nằm lẫn lên nhau tạo thành một thắng cảnh “vực hẻm núi” hùng vĩ có thể so sánh với các hẻm vực núi khác trên thế giới.
Các nhà địa chất học cho rằng từ thuở tạo thiên lập đất Blyde Canyon nguyên thủy là đáy biển của trái đất, trải qua thời gian vài trăm triệu năm sau “đáy biển” buồn vì chán cảnh đen tối của thủy cung dưới biển nên Blyde Canyon trồi lên ngẩng mặt ngắm trời đất và trăng sao vũ trụ. Người ta cho rằng hình thù của thung lũng và hình dáng núi non như ngày nay của Blyde Canyon là nhờ bàn tay phù thủy của đáy biển điêu khắc uốn nắn mà thành.
Tuy nhỏ hơn Grand Canyon của Hoa Kỳ, nhưng tôi cho rằng không vì thế mà Blyde Canyon kém đi vị thế hùng vĩ. Hình dáng kiến trúc của tạo hóa cũng như các nét đẹp không gian thiên nhiên của nó tạo cho Blyde Canyon một nét riêng biệt, không giống như những hẻm vực núi khác.
Khởi đầu, khu vực này là một hẻm vực núi được hình thành từ hai bình nguyên có độ cao chênh lệch, cách nhau hơn 1,000 mét. Ở bình nguyên bên trên, chính quyền Nam Phi làm ra một con đường Panorama Route dài hơn 20 km dành cho du khách có thể thưởng ngoạn được tất cả các cảnh đẹp của Blyde Canyon từ trên nhìn cao xuống thung lũng. Các thắng cảnh như các ngọn thác Waterfalls chung quanh vực núi, cảnh quan God’s Window “cửa sổ nhà Trời,” “hẻm vực cột đá” The Pinnacle, Bourke’s Luck Potholes, Three Rondavels đều là các thắng cảnh thiên nhiên dành cho du khách thưởng ngoạn trên đoạn đường Panorama Route này.
Bên dưới thung lũng, con sông Blyde River chảy dọc theo chiều sâu thung lũng và tạo thành một cảnh quan tuyệt đẹp ngay bên chân ngọn núi Three Rondavels. Một không gian xanh tươi màu cây lá, kèm theo màu sắc vàng đỏ thẫm của các vách núi vây quanh. Dòng sông Blyde River chảy uốn quanh ngọn núi nhỏ, biến ngọn núi này thành một hòn đảo giữa dòng sông.
Hình ảnh này khiến tôi nhớ đến hình ảnh ngọn núi “hạnh phúc” Phutuq K’usi và con sông thiêng Urubamba của không gian di tích đền đài đá Machu Picchu ở Peru. Tôi cũng nhớ ngay đến thắng cảnh “Vành móng ngựa” Horseshoe Bend của Glen Canyon được dòng sông Colorado ôm ấp chảy quanh. Một không gian lạ lẫm như thế, tôi cho đó là một bức tranh tuyệt tác của tạo hóa dành cho Blyde River Canyon.
Nhưng để muốn thưởng ngoạn được hình ảnh này ở Machu Picchu, bạn phải chịu khó đi đến Cổng Trời (Sun Gate) nằm trên con đường Inca Trail thì mới có duyên ngắm nhìn thắng cảnh này. Còn Blyde Canyon thì không như thế, bạn chỉ cần đứng trên bên trên hẻm vực là bạn đã thấy được một bức tranh tuyệt tác sơn thủy hữu tình.
Mỗi lần tôi có dịp nhìn ngắm một không gian với hình ảnh ngọn núi được dòng sông lờ lững vây tròn chảy quanh, hình ảnh này luôn luôn làm chấn động tâm tư tôi. Trong tận cùng tâm tư, tôi luôn mơ đến một lần nào đó có cơ duyên được đặt chân đến ngọn núi thiêng Ngân Sơn bên Tây Tạng. Không biết bao giờ mới có được cơ may đến được Ngân Sơn cho thỏa niềm mơ ước khao khát của mình.
Thắng cảnh God’s Window “cửa sổ nhà Trời” thì hầu như luôn dành tặng cho những ai có duyên với nó. Gió và mây đến rồi đi, không thông báo cho bạn biết trước gió sẽ thổi mây đến hay sẽ thổi mây đi tạo cho bạn có duyên hay không có duyên để thưởng ngoạn cảnh đẹp trần gian dưới tầm mắt bạn.
Đẹp nhất ở đây là lúc người ta nhìn thấy những tầng mây lơ lửng giữa khe núi, mờ mờ ảo ảo cho người nhìn thấy lờ mờ hình ảnh trần thế cách xa cả cây số dưới chân. Tuy tôi đã có dịp đến đây nhiều lần, nhưng chưa có lần nào tôi có duyên được với “cửa sổ nhà Trời.” Lần nào gió cũng thổi mây đến cũng che khuất không gian trần thế, không chịu cho tôi ngắm nhìn “cửa sổ nhà Trời.” Chỉ biết rằng nếu trời trong xanh không mây, phóng mắt nhìn xa sẽ thấy được cả rặng núi biên giới của xứ Mobamzique láng giềng, còn không gian thần tiên hình như chỉ có thấy được trong chính tâm tư và trí tưởng tượng của mình.
Rời God’s Window, con đường Panorama Route đưa du khách đến với khu vực thác nước Berlyn Falls và Lisbon Falls. Những trận mưa đêm hòa lẫn với các dòng suối nước ở bình nguyên trên chảy vào những hẻm núi nhỏ, tuôn đổ xuống thành thác nước. Những ngọn thác này chảy đổ dồn nước về dòng sông chính Blyde River nằm dưới chân hẻm vực núi.
Thác Berlyn và Lisbon tuy nhỏ nhưng có độ sâu đến hơn 80 mét cũng tạo thành một phong cảnh cho du khách dăm phút dừng chân nghỉ mệt. Chỉ có một điều khá lạ lùng là phần lớn tên các ngọn thác quanh vùng đều được đặt tên theo các thành phố Âu Châu hay tên các ngọn thác nổi tiếng trên thế giới mà các nhà thám hiểm Âu Châu đã tìm thấy vào thế kỷ 17-18.
Thắng cảnh đẹp nhất bên trên thung lũng thì phải nói đến Bourke’s Luck Potholes. Còn thắng cảnh được cho là nguy hiểm, nhiều rủi ro nhất là The Pinnacle, nơi đây thường thì các tour du lịch không dám đưa du khách vào du ngoạn vì không ai muốn chọn sự rủi ro xảy ra. Sự trơn trượt và bất cẩn dễ tạo ra tai nạn, nhất là du khách ít khi để ý những lời cảnh báo của người hướng dẫn.
The Pinnacle nguyên là một khu hẻm đá, có vực rất sâu, đường đi thoai thoải dốc xuống nhưng rất dễ trơn trượt. Giữa hẻm là một ngọn đá cao vút lẻ loi, đứng sừng sững tạo cho người xem cảm giác hiếu kỳ, muốn lần đến gần để xem độ sâu của hẻm. Chính sự hiếu kỳ này đã là điều nguy hiểm nhất khi mà người ta không kìm giữ được sự hiếu kỳ của mình, muốn lần mò đến xem độ sâu hẻm vực.
Riêng thắng cảnh Bourke’s Luck Potholes đã được chính quyền Nam Phi làm đường đi an toàn cho du khách bộ hành thưởng ngoạn. Tuy cũng phải lên xuống độ dốc ít nhiều nhưng cũng không ảnh hưởng lắm cho những người lớn tuổi. Bạn có dịp thưởng ngoạn một “công trình xói mòn” của nước qua các lớp đất đá từ hàng trăm ngàn năm trước. Ngày nay để lại cho thế giới một bức tranh tuyệt tác khác trong hẻm vực Blyde Canyon.
Những hẻm đá được dòng nước xói mòn đục khoét thành những ao hồ nhỏ hay tạo thành những lỗ hổng xuyên qua phiến đá. Những đường nét, vết đi của dòng nước bào mòn trên đá rõ ràng đến độ cho tôi thấm đượm câu thành ngữ “nước chảy đá mòn.”
Có tận mắt thưởng ngoạn người ta càng thấm thía đến sức mạnh của nước, nước rất mềm nhưng không ai bắt nắm được nước cả. Người ta có thể uống được nước nhưng không ai nhai được nước. Không khí, gió, và nước là những vật rất mềm mại, nhưng lại là những vật đủ sức mạnh tàn phá tất cả những gì cản trở trên đường đi của chúng. Một trận động đất không nguy hiểm bằng một trận tsunami, sức mạnh của nước tàn phá và cuốn phăng đi tất cả những gì cản trở đường đi của nước.
Đoạn đường Panorama Route không phải chỉ dành cho du khách thưởng ngoạn, đây cũng còn là nơi mà bạn có thể bắt gặp những gian hàng xén, bán những món quà lưu niệm địa phương cho du khách. Thôi thì đủ cả mặt hàng từ các tượng các con thú hoang dã “big 5” bằng gỗ hay bằng đá cho đến tượng các con hươu cao cổ, hà mã ngựa vằn. Một số gian hàng bán cả các tấm khăn trải bàn, khăn choàng cổ mà tôi cho là “made in China” được đem bày bán khắp nơi.
Đất nước Nam Phi có lẽ vẫn còn là một đất nước có rất nhiều điều xa lạ với người Việt. Nhưng ít ai biết được từ giữa thế kỷ 19 vùng đất Nam Phi đã có nhiều quặng mỏ được khám phá. Sau khi những viên kim cương được tìm thấy tại khu trung bộ Nam Phi, cơn sốt đi tìm mỏ kim cương bùng nổ và thành phố Kimberly của Nam Phi được hình thành.
Tiếp theo, tại vùng Đông Bắc Nam Phi cơn sốt đào đất tìm vàng trở thành một phong trào, người ta tranh nhau đến “đào đất tìm vàng” tại một vùng đất khô cằn nhưng đất có vàng. Vì thế thành phố Johannesburg ra đời! Cũng nhờ vào cơn sốt tìm vàng mà người ta khám phá ra vùng thung lũng thiên nhiên Blyde Canyon hùng vĩ.
Ngoài ra, họ cũng có những sinh vật quý giá khác. Đó là năm loại thú hoang dã đặc biệt trên thế giới mà chỉ có tại Phi Châu, người ta xếp chúng vào group “Big Five.” Nơi chúng “cư trú” được vị tổng thống Nam Phi đầu tiên Paul Kruger ra sức bảo vệ, từ đó công viên quốc gia Kruger (Kruger National Park được lấy từ tên Tổng Thống Paul Kruger) hình thành và trở thành tài sản quốc gia của Nam Phi.
Blyde River Canyon một thắng cảnh còn đậm nét hoang sơ nhưng rất đẹp và hữu tình nằm trên đoạn đường từ thành phố Johannesburg đến Kruger National Park. Một thắng cảnh thưởng ngoạn không thể thiếu cho những ai đến du ngoạn Nam Phi.