Pompeii – nơi đáng để đến một lần trong đời

Pompeii (ảnh: mahdiye-jv-unsplash)

Tiếng còi xe hơi inh ỏi khua tôi dậy khi ánh dương chưa sáng qua khung cửa sổ của một khách sạn tọa lạc cách Quảng trường Thánh Phê-rô (St. Peter Square) chỉ vài phút đi bộ. Vệ sinh cá nhân cấp tốc, khoác lên vai cái balô đã nhét sẵn bình nước, vài viên vitamin C sủi, thanh chocolate, nón và kính râm, tôi lao xuống các bậc thang, ào ra đường và leo vội lên xe. “Buon Giornio, you go to Naples right?” – anh lái xe hỏi (Chào buổi sáng, anh đi Naples phải không?). Tôi gật đầu, vui mừng với cảm giác lần đầu đến địa danh từ lâu đã nổi tiếng là nơi phải đến một lần trong đời rồi chết cũng mãn nguyện.

Sử sách ghi rằng ông Goethe đã nhắc đến câu này vào thế kỷ XVIII chứ thực ra nguồn gốc của nó là lời đùa giỡn lâu năm của cư dân Naples, khi ám chỉ Naples, một thành phố biển rất đẹp nhưng lại ở gần núi lửa Vesuvius vốn từng nổi cơn giận dữ phun trào hủy diệt cả một thành phố.

Chiếc xe ca chở khoảng 30 du khách thuộc đủ mọi quốc tịch ra khỏi thành Rome, lao nhanh về miền Nam. “Chúng ta đang di chuyển trên con đường từng được gọi là Via del Sol, đường Mặt trời,” anh chàng hướng dẫn viên người Ý thao thao bất tuyệt bằng tiếng Anh pha trộn vài từ tiếng Pháp và tiếng Ý vừa khó nghe vừa dễ gây cười.

Qua một khúc cua, xe giảm tốc độ, tiến gần ven đường, sát bờ vực. Từ trên đèo cao nhìn xuống, du khách ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của Vịnh Naples, một màu xanh ngọc thẫm thật quyến rũ, một bờ biển hình vòng cung, năm ba chiếc thuyền và trong bờ là hàng hàng lớp lớp những tòa nhà với rất nhiều màu trắng. Không phải là tường sơn trắng mà là quần áo trắng tinh tươm được các “mama” Ý đem phơi nắng. Đó cũng là hình ảnh khó quên của nét sinh hoạt Naples.

Ngược dòng thời gian trở về những thế kỷ trước, Naples là điểm son tỏa sáng, một địa chỉ không thể nào tránh né đối với những nhà nghiên cứu, thương nhân, du khách muốn khám phá lục địa châu Âu. Bao nhiêu là thương thuyền đã tìm đến Vịnh Naples, thả neo, xếp buồm và cho các đoàn tàu nhỏ chở khách vào bờ để sau khi thăm thành phố từng được văn sĩ tài hoa Pháp Gustave Flaubert mô tả là “Paris Địa Trung Hải”… Nếu vào sâu trong thành Naples, du khách sẽ thấy những bức tranh của Caravagio trong các ngôi thánh đường, bức tượng đá cẩm thạch Cristo Veilato (Đức Kytô qua màn vải che, của Giuseppe Sanmartino khắc năm 1753) lừng danh thế giới và rất nhiều những tuyệt tác của những Boticelli, Bellini, Rapahel, Titien… Toàn những nghệ nhân của thời Phục Hưng!

Tác giả trong thành Pompeii

Đến Naples không thử món này thì thật là đáng tiếc – đó là PIZZA. Naples chính là cái nôi xuất phát món bánh nướng kiểu Ý mà nay đã lan rộng khắp thế giới. Pizzeria nổi tiếng nhất của thành Naples là Da Michele, do nó từng là bối cảnh trong phim Eat, Pray, Love với vai chính đảm nhận bởi “người đàn bà đẹp” Julia Roberts.

Tại chợ bán hàng lưu niệm, du khách còn thấy một trong những mặt hàng phổ biến nhất là… dương vật. Người La Mã xưa quý sự sống được thể hiện qua biểu tượng bộ phận sinh dục nam. Chúng bây giờ trở thành mặt hàng souvenir bày bán ở chợ, đủ kiểu, dựng đứng, cong cong, bằng đủ loại vật liệu nhưng nổi bật hơn cả là những cái tạc từ đá núi lửa, lỗ chỗ và đen xì!

Và đây là Pompeii, thành phố hưởng nhàn của giới quyền quý thượng lưu Rome, nơi từng bị núi lửa Vesuvius vùi sâu vào dưới lớp nham thạch nóng bỏng vào đêm 24 Tháng Tám năm 79 sau Công nguyên. Thành phố từng chôn vùi hàng ngàn cư dân này nay vẫn sống, khi nó trở thành một địa chỉ phải đến đối với những du khách có dịp đến Naples, một bảo tàng khảo cổ lộ thiên, rộng lớn được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

Quán rượu vang xưa ở Pompeii (ảnh: tác giả)

Rảo bước qua những con phố lát đá to, chỗ phẳng, chỗ hơi lồi nhưng vẫn tồn tại vững vàng theo dòng thời gian, bạn khó có thể ngờ rằng Pompeii từng có thời huy hoàng cỡ nào. Bằng chứng là một hí trường được xây dựng khoảng năm 80 trước Công nguyên, có thể là nơi giải trí của 12,000 khán giả. Họ đến xem xiếc, ca hát, kịch, những trận giác đấu, và đua xe ngựa kéo… Nơi đây cũng từng có những “biệt thự” sang đẹp của giới thượng lưu cũng như nơi thờ cúng các vị thần; và đủ những xưởng, cửa hàng cần thiết cho sự sống của một thành phố, chẳng hạn lò bánh mì, cửa hàng thịt ngựa, “forum” (một không gian rộng lớn để nhóm chợ hay hội nghị toàn cư dân và khi cần thiết thì kiêm luôn nơi dâng lễ lên các thần linh).

Lupanar, nhà thổ lớn nhất Pompeii (ảnh: tác giả)

Có ba địa chỉ mà du khách hăm hở tìm xem nhất tại Pompeii là nhà tắm công cộng, quán rượu và nhà thổ. Pompeii phát triển sầm uất, đông dân, điểm đến nghỉ dưỡng của giới lắm của lắm quyền nên không thể thiếu nhà tắm với hồ bơi chia thành hai khu, một cho nữ và một cho nam, có hệ thống lò than hâm nước ấm… Bên cạnh nhà tắm công cộng còn là không gian thể dục dành cho các võ sĩ giác đấu đến rèn luyện cơ bắp, múa gươm… Thời Đế quốc La Mã, giết nhau bằng gươm giáo là một trò giải trí dành cho đám đông.

Quý ông La Mã sống ở Pompeii ngày xưa rất thích… đi nhậu. Khi khai quật thành phố lên khỏi lớp phún thạch, các nhà khảo cổ rất ngạc nhiên khi phát hiện dấu tích của rất nhiều cửa hàng vang và quán bar. Những điểm tập trung của nam giới vào mỗi chiều chiếm hết không gian ven đường chính, lẫn những phố nhỏ cắt ngang, quanh các ngã tư và gần những tòa nhà hành chính công cộng, đại hí trường.

Khai quật khảo cổ cho thấy quanh thành phố này là những vườn nho trù phú và lò sản xuất vang rất lớn, trong đó có loại vang làm bằng giống nho mang tên núi lửa Vesuvius, mà nhiều thế kỷ sau vẫn còn “hậu duệ” lừng danh thế giới, tên là Lacryma Christi (Nước mắt của Chúa Kytô)! Nói cách khác, Pompeii còn là trung tâm sản xuất và kinh doanh nhiều loại vang (có cả vang ngọt do có pha thêm mật ong, gọi là vang mulsum), rất phát triển với những hành trình xuất khẩu đến nhiều vùng miền khắp nước Ý và các nước láng giềng.

Buồng nhỏ hẹp, giường đá trong nhà thổ (ảnh: tác giả)
Tranh tường với cảnh ái ân trong nhà thổ ở Pompeii (ảnh: tác giả)

Các nhà khảo cổ cũng ngỡ ngàng khi tìm ra ít nhất 25 nhà thổ rải rác khắp Pompeii, mỗi nhà lộ ra những bí mật về cuộc sống tình dục của cư dân, trong đó có thể không thiếu giới quan chức lẫn giáo sĩ lo việc thờ cúng các vị thần. Sự hiện diện của những nhà thổ hoàn toàn công khai, không hề phải ngụy trang.

Bằng chứng là ngày nay, du khách tham quan Pompeii khi nhìn xuống những viên đá to lát đường thì phát hiện thật dễ dàng những “dấu chỉ dường”. Đó là hình ảnh dương vật. Cứ quan sát đầu dương vật chỉ hướng nào mà đi theo là đến nơi mua bán ái tình, diễn ra trong những căn phòng nhỏ hẹp, bằng đá, kể cả giường, và không cửa sổ. Trên tường luôn có những bích họa mô tả các kiểu ái ân, chẳng phải để trang trí mà để chào mời các loại “dịch vụ” sẵn sàng cung ứng theo nhu cầu.

Ngày nay, nhà thổ nổi tiếng nhất ở Pompeii là Lupanar (theo tiếng Latin có nghĩa là “hang sói”). Đó là một căn nhà hai tầng với 10 phòng nhỏ, mỗi phòng có một giường đá, phía trên có trải tấm nệm mỏng…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: