Patagonia là vùng đất cực Nam Nam Mỹ, bao gồm một phần lãnh thổ của cả hai đất nước Argentina và Chile, được phân chia ra thành Northern Patagonia và Southern Patagonia. Đây là hai địa danh rất nổi tiếng trên thế giới về các thắng cảnh thiên nhiên và sinh thái.
Southern Patagonia được khám phá ra vào đầu thế kỷ 16 do công lao của nhà hàng hải Ferdinand Magellan. Trước khi nói về các thắng cảnh du lịch tuyệt mỹ của vùng đất này, chúng ta cũng cần biết sơ qua công lao của người đã khám phá ra nó vì ngày nay tên của Ferdinand Magellan đã đi vào lịch sử, gắn liền với vùng đất cực Nam lục địa Nam Mỹ.
Từ giữa thế kỷ 15, các nhà hàng hải Âu Châu đã đua nhau đi thám hiểm, tìm kiếm các vùng đất mới nằm ngoài Châu Âu, khởi đầu không ngoài các dụng ý buôn bán trao đổi hàng hóa và tìm mua đem về bản xứ các món hàng quý giá khan hiếm cho các vua chúa thời ấy (dần dần sau này họ biến thành thực dân đi xâm chiếm các vùng đất mới).
Điều này tạo ra sự tranh chấp gay gắt trong nhiều năm giữa hai đế quốc thời đó là Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Những cuộc đụng độ vì quyền lợi của các triều đại của hai đất nước nói trên đã khiến Đức Giáo Hoàng phải đứng ra hòa giải. Sau cùng hai xứ thỏa thuận ký hiệp ước Tordesillas năm 1494, họ chọn kinh tuyến chạy qua Cape Verde (quần đảo phía Tây Châu Phi) là kinh tuyến gốc. Sau đó mới thỏa thuận phân chia các vùng đất mới để giảm bớt đi mối tranh chấp.
Các vùng đất mới được tìm ra về “phía Đông” kinh tuyến là thuộc về Bồ Đào Nha, các vùng đất mới nằm về “phía Tây kinh tuyến gốc” ưu tiên thuộc về chủ quyền Tây Ban Nha. Đó cũng là lý do tại sao các nhà truyền giáo, các nhà hàng hải người Bồ Đào Nha đến miền viễn đông Châu Á sớm như Việt Nam, Macau, Nhật.
Cuối thế kỷ 15, nhà hàng hải Bartolomeu Dias có tham vọng thám hiểm xứ India nằm về phía Đông Phi Châu. Ông Dias chọn cách đi dọc phía Nam biển Atlantic men theo bờ biển Châu Phi xuống tận cực Nam lục địa này, sau đó dự định men theo dọc bờ biển phía Bắc Phi Châu để đến India. Nhưng ông Dias đã phải bỏ cuộc quay trở về khi ông đến điểm cực Nam Châu Phi, nơi tiếp giáp của hai biển Atlantic và Indian Ocean vì ở đây thời tiết và sóng gió bão táp quá lớn khiến ông không thể vượt qua được. Ông Dias đã đặt tên khu vực khó khăn này là Cape of Storms (Mũi Bão Táp).
Cho đến năm 1497, một nhà hàng hải khác của xứ Bồ Đào Nha là Vasco Da Gama đã thành công khi ông chỉ huy một đội thuyền vượt qua được vùng biển Mũi Bão Táp và đến được India. Sau đó nhà vua Bồ Đào Nha cho đổi tên lại khu Mũi Bão Táp thành Cape of Good Hope (mà người Việt thường gọi là Mũi Hảo Vọng). Sau này ông Vasco Da Gama còn thêm nhiều chuyến trở lại India cũng theo con đường này.
Sau ông Vasco Da Gama ít năm, một nhà hàng hải khác tên Ferdinand Magellan, ông sinh ra và lớn lên ở Bồ Đào Nha, ông theo học các ngành Địa Lý, Hàng Hải và đã từng tham dự nhiều chuyến hải hành tìm kiếm các vùng đất mới. Ông Magellan bị ảnh hưởng của một số nhà khoa học lúc đó cho rằng trái đất tròn hình cầu, không phải là hình vuông nên ông có một suy nghĩ khác hẳn các nhà hàng hải khác.
Trong khi mọi người vẫn nghĩ rằng muốn đi từ Âu Châu đến India và các quần đảo Malaysia, người ta chỉ có một con đường duy nhất phải đi về phía Đông. Về kinh nghiệm hàng hải, ông Magellan đã từng theo các đoàn thuyền đi về phía Đông qua India. Ông cũng đã đến Malacca của Malaysia hai lần.
Vào thời điểm đầu thế kỷ 16, hai xứ Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha tranh đua nhau gửi các đoàn thuyền thám hiểm đi tìm các vùng đất mới trao đổi hàng hóa, nhất là tìm mua các gia vị hương liệu vùng Ả Rập – Ấn Độ – Malaysia. Đây là những món hàng khan hiếm và mang lại rất nhiều lợi nhuận cho các nhà vua.
Ông Magellan biết khá rõ về các xứ sở sản xuất gia vị hương liệu thuộc các vùng Hồi Giáo. Ông nhận được các bản báo cáo về các nguồn gia vị hương liệu của quần đảo Moluccas (Moluku) của Malaysia và Indonesia tọa lạc trên vùng biển “South Sea” (tên trước của Pacific Ocean).
Ông Magellan đưa ra một dự án làm một chuyến hải hành thám hiểm quy mô về quần đảo hương liệu này cho vua Bồ Đào Nha, nhưng không được nhà vua Bồ Đào Nha chấp thuận vì lúc đó nhà vua Bồ Đào Nha đang say mê sự thành công về các chuyến hải hành của ông Vasco Da Gama. Thất vọng, ông chuyển dự án chuyến hải hành này cho vua Tây Ban Nha. Vị vua này chấp thuận và đồng ý cung cấp cho ông năm chiếc thuyền lớn và một nhóm thủy thủ đoàn lên đến 267 người.
Ngược lại, ông phải từ bỏ quốc tịch Bồ Đào Nha để lấy quốc tịch Tây Ban Nha cho danh chính ngôn thuận và thuận tiện làm việc trong vị trí của ông. Điều này cũng có nghĩa chuyến hải hành của ông bắt buộc phải đi về phía Tây của Âu Châu, vượt biển Atlantic Ocean đi tìm miền đất vùng Nam Á nơi có quần đảo Moluccas. Để nắm vững hải trình chuyến đi, ông đã từng tham khảo với nhà vũ trụ học (the cosmographer) Rui Falero và chọn các phụ tá kinh nghiệm tài giỏi cùng tháp tùng cho chuyến đi.
Ngày 27 Tháng Chín, 1519, ông Ferdinand Magellan khởi đầu một chuyến hải hành vô tiền khoáng hậu tiến về quần đảo Moluccas. Nhưng đời sống không hẳn lúc nào cũng hoàn toàn theo đúng 100% dự định của mình. Chuyến đi của ông gặp biết bao nhiêu gian khổ bão táp trên đại dương Atlantic Ocean, đoàn thuyền ông bị chìm vỡ mất một chiếc trên đường đi.
Trên đường tiến về phía Nam lục địa Nam Mỹ thêm một chiếc không thể tiếp tục cuộc hành trình, phải quay trở về. Đoàn thám hiểm gần như thất vọng muốn bỏ cuộc chuyến hải hành. Nhưng có lẽ nhờ ơn trên cứu hộ, đoàn thuyền vượt qua bão táp đến một mũi đất thấp bình yên. Ông gọi mũi đất này là Cape of Virgins vào đúng vào ngày lễ “Thánh Ursula và mười một ngàn Virgins” để tạ ơn Thánh Thần giúp ông vượt qua hiểm nguy sóng gió.
Ít ngày sau ông tìm ra dòng hải lưu tiến vào một eo biển mới, ông đặt tên cho eo biển này là Strait of Todos Los Santos và không ngờ rằng đây chính là eo biển rất dài chạy từ Đông qua Tây nối liền hai biển Atlantic Ocean và “South Sea.”
Chạy dọc theo eo biển Todos Los Santos ông nhận thấy nơi đây có rất nhiều quần đảo nối tiếp nhau, đồng thời môi trường sinh thái ở đây cũng khá là khác biệt với sự hiện diện của các giống chim như hồng hạc Flamingo, chim cánh cụt Penguins, các loại chim hải âu Cormorants và Seagulls sinh sống chiếm trọn cả một vài hòn đảo.
Sau cùng, khi đoàn thuyền vượt ra khỏi eo biển dài hơn 500 km này và bắt đầu tiến vào “South Sea,” nhận thấy sự bình lặng của vùng biển này khác hẳn với vùng biển sóng gió Atlantic Ocean, ông đã thốt lên “Pacific/ Biển Bình Yên!” Từ đó tên “Pacific Ocean” được dùng thay thế hẳn cho hai chữ “South Sea.”
Đoàn thuyền tiếp tục cuộc hải trình gian nan vượt qua “Pacific Ocean.” Nhưng không may khi đến khu vực quần đảo Philippines, ông Magellan bị tử trận trong một trận chiến với thổ dân tại đây vào Tháng Tư, 1521. Nhưng không vì thế mà đoàn thuyền bỏ cuộc. Chuyến hải trình tiếp tục và đến được mục tiêu “Spice/ Moluccas Island.” Chiếc Victoria là chiếc thuyền duy nhất còn lại trong số năm chiếc xuất phát khởi hành và Victoria đã trở về đến Tây Ban Nha ngày 6 Tháng Chín, 1522, với 18 thủy thủ sống sót.
Sau gần ba năm lênh đênh trên biển, Victoria là chiếc thuyền đầu tiên của nhân loại hoàn tất một chuyến hải trình vòng quanh trái đất. Tuy ông Magellan mất đi, không kịp nhìn thấy kết quả sự thành công của dự án mà ông ấp ủ, dù rằng cái giá phải trả cho chuyến hải trình quá gian nan cùng sự mất mát quá lớn cho nhóm thủy thủ đoàn.
Tuy nhiên, chuyến hải hành của ông cũng có nhiều điểm giúp ích cho sự hiểu biết của khoa học và nhân loại. Thứ nhất, chuyến hải hành của ông Magellan đã chứng minh thực tế cho khoa học thời đó là trái đất chắc chắn có hình trái cầu, cho nên “đi ba năm lại trở về chốn cũ” cho dù đau thương bão táp đã xảy ra! Điểm thứ hai là mãi đến lúc này người ta mới biết đồng hồ thời gian của phía Đông và phía Tây kinh tuyến gốc “xa cách nhau” một đêm ngày. Mặt trái đất bên phía Đông là ngày thì mặt trái đất phía Tây sẽ là đêm.
Miền Southern Patagonia của Chile đã không quên công lao của “Nhà hàng hải vĩ đại Ferdinand Magellan.” Ngày nay miền Southern Patagonia còn được gọi là miền “Magallanes and Chilean Antarctica.” Chim cánh cụt Penguins sống vùng này được gọi là Magellanic Penguins và trở thành một điểm du lịch cho du khách đến xứ sở của loại chim cánh cụt ở cực Nam Châu Nam Mỹ. “Đám mây Magellan/ Magellanic Clouds” được dùng để đặt tên cho các “đám mây thiên hà” trong thiên văn học.
Riêng eo biển Todos los Santos được đổi là Strait of Magellan và trở thành một eo biển huyết mạch dùng cho các đoàn tàu thuyền đi lại từ hai bên Đông Tây của Châu Mỹ trong suốt bao nhiêu thế kỷ. Mãi cho đến 1914 với sự ra đời của kênh đào Panama mới làm giảm hẳn đi tầm quan trọng của Strait of Magellan (Canal Panama làm cho sự đi lại giữa hai bên Đông Tây của lục địa Châu Mỹ dễ dàng, thuận tiện và ít tốn kém vì tàu thuyền tránh được một đoạn đường đi vòng xuống cực Nam rồi lại phải đi ngược lên phía Bắc).
Phần đất phía trên Strait of Magellan trở thành Province of Magellan và thủ đô là Punta Arenas, một thành phố được xem như là cực Nam của lục địa Nam Mỹ. Đi tiếp về phía Nam của Punta Arenas là vô số các đảo lớn nhỏ kéo dài đến tận Cape Horn. Thành phố Punta Arenas được xây dựng dọc theo Strait of Magellan, đây cũng là cảng nơi các Cruise Ship neo bến và là thành phố chính nối kết với các tour du lịch đi khắp vùng Southern Patagonia.
Các bến cảng neo cũ đã được chuyển bến, chỉ còn lại những cột gỗ cũ kỹ còn sót lại trên eo biển trở thành các nơi nghỉ chân cho đám chim biển hải âu. Giữa lòng thành phố, một bức tượng uy nghi của ông Ferdinand Magellan được thành phố dựng lên giữa Main Square để người dân Patagonia luôn nhớ đến một nhà hàng hải thông minh, can trường và là người đã khám phá ra vùng đất hoang sơ Southern Patagonia đến với thế giới.
Nhưng thành phố Punta Arenas không phải là thiên đường trên trái đất, chưa phải là thắng cảnh chính của Southern Patagonia. Bạn phải đến Torres del Paine National Park. Với tôi, đó mới chính là thiên đường trên thượng giới! Không phải là thiên đường trên trái đất.