Thăm mũi Kê Gà và ngọn hải đăng cổ nhất Việt Nam

Ở Bình Thuận, nếu du khách nước ngoài đắm say với những resort nghỉ dưỡng cao cấp ở khu vực Làng Chài – Mũi Né thì khách Việt thường chọn núi Tà Cú hoặc mũi Kê Gà làm điểm đến. Mũi Kê Gà được lựa chọn nhiều vì phong cảnh hữu tình, có núi cao, biển rộng, có cát trắng, đá vàng… và đặc biệt là có ngọn hải đăng kỳ vĩ, vươn mình sừng sững trên hòn đảo nhỏ nằm chỉ cách xa bờ chừng non cây số, thách thức gió giông bão tố suốt hơn 100 năm nay…

Từ một khe suối nhỏ

Có nhiều ý kiến cho rằng địa danh Kê Gà có xuất xứ từ tên gọi Khe Gà. Làng Khe Gà nằm ở khu vực nay thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Phần đông cư dân của làng có tổ tiên là người gốc châu Ô, châu Lý. Trong quá trình di thực về phương Nam, họ phát hiện nơi đây có một khe nước rất trong chảy từ trong núi ra biển, hai bên bờ khe suối có rất nhiều gà rừng màu sắc sặc sỡ tập trung sinh sống. Nhận thấy vùng này có cảnh quan thoáng đãng, biển rộng núi cao, mưa thuận gió hòa, cây cỏ tốt tươi, đất đai màu mỡ, rất thuận tiện cho cả nghề nông lẫn nghề chài lưới, họ quyết định dừng chân nơi đây, định cư lập nghiệp. Họ đã khai khẩn đất đai, lập nên ngôi làng nhỏ bên cạnh khe nước, và cái tên Khe Gà dần dần trở thành tên gọi chính thức của làng. Thuở ban sơ, làng chỉ gồm mấy chục nóc nhà, nhưng rồi theo thời gian, với sự tăng trưởng dân số tự nhiên và cơ học, làng Khe Gà dần dần phát triển thành một khu dân cư khá sầm uất.

Sách Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn thời vua Tự Đức có chép rằng ở vùng này có núi Cẩm Kê (錦 雞; trong đó cẩm = gấm, kê = gà, tức là loài gà có màu lông sặc sỡ như gấm thêu). Cũng thời kỳ này, Khe Gà được chính quyền nhà Nguyễn xác lập như một đơn vị hành chính cấp xã. Năm 1890, dân chúng làng chài Khe Gà lập đền thờ cá Ông, mỗi năm tổ chức hai lễ hội: Lễ Cầu Ngư (ngày 20 tháng Giêng âm lịch) và lễ Vía Bà (ngày 16 tháng Tư âm lịch). Dân làng Khe Gà rất tin tưởng vào sự linh ứng phò hộ của thần cá Ông.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao ngày nay địa danh này được mặc định là Kê Gà chứ không phải Khe Gà như thuở ban đầu? Việc “Khe Gà” bị biến thành “Kê Gà” là một câu chuyện khá lý thú, mặc dù chưa được xác tín hoàn toàn. Số là trong các văn bản hành chính của chính quyền thực dân Pháp, địa danh này tuy vẫn được ghi đầy đủ bằng năm chữ cái Latin (Khega), nhưng khốn nỗi (!) trong tiếng Pháp không có âm “kh” như trong tiếng Việt, và ký tự “h” là một phụ âm câm, vì thế người Pháp (và cả những người Việt biết tiếng Pháp) đều đọc là “Kega”. Thế là từ cách đọc đó, những công chức người Việt làm việc cho chính quyền thực dân Pháp mặc nhiên coi địa danh này là Kê Gà, vì thế, họ không ngần ngại ghi là “Kê Gà” trong những văn bản hành chính được viết bằng chữ quốc ngữ. Dĩ nhiên không thể trách, vì họ không phải con dân của “xứ Khe Gà” nên làm sao biết được tên gọi thật của ngôi làng này!? Từ sau năm 1945 đến nay, trải bao sao dời vật đổi, địa danh “Kê Gà” vẫn chính thức tồn tại trong mọi văn bản hành chính của các chính quyền.

Cách đây khoảng mươi, mười lăm năm về trước, Kê Gà vẫn còn là một ngôi làng nhỏ khiêm tốn của xã Thuận Quý (về sau được chuyển qua xã Tân Thành), huyện Hàm Thuận Nam. Nhưng từ ngày tỉnh Bình Thuận tập trung phát triển ngành du lịch, thu hút tốt du khách trong và ngoài nước, Kê Gà được phát hiện như một viên ngọc chưa qua mài giũa. Ban đầu, các “phượt thủ” trẻ tuổi bị mê hoặc trước cảnh đẹp hoang sơ đầy quyến rũ của những bãi đá vàng trên bờ cát trắng tinh khôi nên thường hay rủ nhau đến đây cắm trại hoặc sinh hoạt tập thể. Về sau họ còn tò mò muốn khám phá hòn đảo nhỏ có ngọn hải đăng sừng sững, nằm cách bờ chỉ chừng non cây số…

Vẻ đẹp hoang dã của bãi biển thơ mộng cùng với ngọn hải đăng kiêu vĩ có sức hấp dẫn kỳ lạ, thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước, dần dần hình thành hẳn những “tour du lịch Kê Gà”. Làng Khe Gà ngày nào giờ đây đã trở thành một thị trấn khang trang với những khách sạn, nhà nghỉ, hàng quán  khá nhộn nhịp.

Bên cạnh bãi đá vàng tuyệt đẹp thì ngọn hải đăng cũng là một điểm nhấn quan trọng không thể bỏ qua đối với những ai đi du lịch đến Kê Gà.

Ngọn hải đăng kiêu hãnh

Hải đăng Kê Gà đứng trên đỉnh một hòn đảo nhỏ cách đất liền khoảng hơn 500 mét, tục gọi là Hòn Bà (về xuất xứ tên gọi Hòn Bà, tác giả bài viết chưa có điều kiện tìm hiểu, tra cứu, mong bạn đọc thông cảm). Xét trên phương diện khoa học, hòn đảo này có tọa độ 10⁰41’42” vĩ Bắc, 107⁰59’8″ kinh Đông, cách thành phố Phan Thiết khoảng 25 km về phía Tây Nam. Khi thủy triều lên, Hòn Bà bị cách biệt với đất liền, trông như một hải đảo, nhưng khi nước rút xuống thì một dải cát hiện ra nối đảo vào đất liền. Có những mùa, khi thủy triều rút xuống mức thấp nhất, có thể đi bộ từ bờ ra đảo mà gần như không bị ướt chân (!). Sách Đại Nam nhất thống chí cũng ghi rằng đây là đảo Kê Dữ (雞 嶼), được coi như một phần của núi Cẩm Kê.

Như đã đề cập, hải đăng trên đỉnh Hòn Bà là một điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với mũi Kê Gà. Nhiều người thắc mắc: Tại sao nơi đây được chọn để dựng hải đăng? Đó cũng là một vấn đề thú vị đáng lưu tâm.

Theo lịch sử hàng hải ở khu vực này, mũi Khe Gà được coi là một vị trí cực kỳ hiểm yếu của vùng biển từ Phan Rang đi Vũng Tàu. Ở các thế kỷ trước, với kỹ thuật hàng hải còn thô sơ, lạc hậu, có rất nhiều thuyền buôn đã gặp nạn, thậm chí bị đắm khi qua lại nơi đây do không xác định được tọa độ, vị trí. Để đáp ứng nhu cầu vận tải của quân đội Pháp cũng như tàu bè của nước ngoài đi qua vùng biển này, người Pháp đã tiến hành nghiên cứu và quyết định xây dựng ngọn hải đăng Khe Gà. Trong thời gian xây dựng hải đăng, có nhiều người thiệt mạng do tai nạn xây cất. Hiện nay, ở đây vẫn còn nghĩa địa nơi yên nghỉ của những người đã chết khi xây dựng công trình này.

Năm 1897, chính quyền thực dân Pháp cho dựng ở đảo Hòn Bà một ngọn hải đăng cao bằng đá với bình diện tháp hình bát giác. Đèn soi của hải đăng nằm ở độ cao 65 mét so với mực nước biển khi triều lên cao nhất. Ngọn hải đăng bắt đầu hoạt động từ năm 1899 và đến nay vẫn chiếu sáng. Với bóng đèn công suất 2000 watt, tầm chiếu của hải đăng rọi xa đến 22 hải lý, tương đương 40 km, thường giúp tàu bè đi ngang vùng biển này xác định được tọa độ nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc. Hải đăng Kê Gà được sách Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là ngọn hải đăng hoạt động sớm nhất ở nước ta (và đứng thứ hai về độ cao của ngọn đèn chiếu so với mực nước biển). Từ ngày có ngọn hải đăng hoạt động, người dân địa phương còn gọi mũi Kê Gà là mũi Điện, ý nói đây là nơi có ánh sáng điện. Dĩ nhiên đây chỉ là tên gọi được lưu truyền trong dân, không được coi là địa danh chính thức.

Hải đăng Kê Gà do kiến trúc sư người Pháp Chnavat thiết kế, được xây dựng theo hình tháp bát giác, mỗi cạnh ở chân đế dài 3 mét, càng lên cao càng thu hẹp dần và chỉ còn 2.5 mét ở đỉnh. Từ đáy tháp lên đến độ cao 6 mét, tường thân tháp dày 1.6 mét, sau đó càng lên cao càng mỏng dần và độ dày của tường chỉ còn 1 mét ở đỉnh tháp.

Vật liệu dùng xây dựng tháp hải đăng Kê Gà chính là đá hoa cương vàng có khá nhiều ở vùng núi trong khu vực này. Tất cả những viên đá hoa cương dùng xây tháp đều đã được đẽo gọt thành từng ô, từng hình khối chữ nhật và bề mặt được mài cực kỳ phẳng. Có cảm giác gần như là có sẵn một ngọn tháp bằng đá đã được chuẩn bị sẵn, khi thi công xây dựng chỉ cần lắp đặt từng viên vào đúng thứ tự, đúng góc cạnh từ dưới lên trên mà không cần sử dụng vữa kết dính, vì các phiến đá như “ăn” vào nhau một cách khít khao, bền chặt, không cần phải gia công thêm khi xây dựng.

Bên trong hải đăng có 183 bậc thang xoáy trôn ốc bằng thép dẫn đến đỉnh tháp, sau đó là hàng chục bậc tam cấp dẫn lên đến buồng đèn. Vật liệu xây dựng buồng đèn được đưa từ Pháp sang, kể cả ngọn đèn trên đỉnh và máy phát điện. Xung quanh chân hải đăng có rừng hoa sứ dọc theo lối đi do người Pháp trồng từ đầu thế kỷ trước đến nay vẫn xanh tươi, tỏa hương thơm và bóng mát quanh năm.

Bài và ảnh: Phạm Bá Thủy

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: