Nhiều người Mỹ đang có tâm trạng khó chịu về nền kinh tế bất ổn khi mà giá cả mọi thứ cứ tăng mãi không dừng.
Có thể giá không tăng nhanh như trước, nhưng vẫn đang ở mức cao hơn giá trung bình so với cách đây ba năm, và có dấu hiệu còn cao nữa. Theo AP.
Hãy xem xét một chai soda 2 lít: Vào Tháng Hai năm 2021, trước khi lạm phát bắt đầu nóng lên, chỉ có giá trung bình là $1.67 tại các cửa hàng trên khắp nước Mỹ. Ba năm sau, tức là bây giờ, bạn phải mua nó với giá $2.25, tăng 35%.
Hoặc giá trứng. Họ tăng vọt vào năm 2022, sau đó có giảm nhưng vẫn cao hơn 43% so với ba năm trước.
Tương tự, giá xe hơi đã qua sử dụng, tăng vọt từ khoảng $23,000 vào Tháng Hai năm 2021 lên $31,000 hồi Tháng Tư năm 2022. Tháng trước, mức trung bình giảm xuống còn $26,752, nhưng con số đó vẫn tăng 16% so với Tháng Hai, 2021.
Giá thành giảm, ai chẳng muốn, nhưng phải là thực sự giảm – điều mà các nhà kinh tế gọi là giảm phát. Đúng vậy, ai chẳng muốn khởi động cỗ máy thời gian và quay trở lại những ngày trước khi nền kinh tế thoát ra khỏi cuộc suy thoái do đại dịch và khiến giá cả tăng vọt chứ!
Mới đây, chính phủ cho biết thước đo giá chính đã tăng 0.3% trong Tháng Hai, giảm so với mức tăng 0.4% trong Tháng Giêng. Và so với một năm trước đó, giá tăng 2.5%, giảm nhiều so với mức đỉnh 7.1% vào giữa năm 2022.
Nhưng những cải tiến gia tăng đó hầu như không đủ để làm hài lòng công chúng, những người bất mãn về giá cả gây rủi ro cho nỗ lực tái tranh cử của Tổng Thống Joe Biden.
Lisa Cook, thành viên Hội Đồng Thống Đốc Cục Dự Trữ Liên Bang, cho biết vào năm ngoái, là hầu hết người Mỹ không chỉ tìm kiếm sự giảm phát, mà họ muốn giá cả phải quay trở lại mức trước đại dịch. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cảnh báo rằng người tiêu dùng nên cẩn thận với những gì họ mong muốn, vì giá cả giảm trên toàn nền kinh tế sẽ là dấu hiệu không lành mạnh.
Giảm phát là gì?
Giảm phát là hiện tượng giá cả sụt giảm trên diện rộng và kéo dài trong toàn bộ nền kinh tế. Việc giảm giá tiêu dùng không thường xuyên hàng tháng không được tính. Hoa Kỳ chưa từng chứng kiến tình trạng giảm phát thực sự kể từ cuộc Đại Suy Thoái những năm 1930.
Nhật Bản vừa trải qua một đợt giảm phát gần đây hơn nhiều. Bây giờ nó chỉ mới nổi lên sau nhiều thập niên giá cả sụt giảm, bắt đầu bằng sự sụp đổ của thị trường tài sản và tài chính vào đầu những năm 1990.
Điều gì sai với giảm phát?
Banco de España, ngân hàng trung ương Tây Ban Nha, cho biết trên trang web của mình: “Mặc dù giá thấp hơn có vẻ là một điều tốt, nhưng giảm phát trên thực tế có thể gây tổn hại lớn cho nền kinh tế.” Ủa, sao kỳ vậy?
Họ giải thích, chủ yếu là do giá giảm có xu hướng ngăn cản người tiêu dùng chi tiêu. Nghĩa là khi thấy giá giảm, như xe hơi, đồ nội thất, các thiết bị, hay những chuyến du lịch, họ sẽ có tâm lý sao phải mua lúc này, thay vì biết rằng giá sẽ giảm nữa, và chờ khi nó xuống đáy thì hẵng mua!
Thực tế là sức khỏe của nền kinh tế phụ thuộc vào sức mua hàng tiêu dùng ổn định. Tại Hoa Kỳ, chi tiêu hộ gia đình chiếm khoảng 70% toàn bộ nền kinh tế. Nếu người tiêu dùng đồng loạt rút lui để chờ giá thấp hơn, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với áp lực mạnh mẽ phải giảm giá nhiều hơn nữa để bán hàng.
Trong khi đó, người sử dụng lao động có thể phải sa thải nhiều nhân viên hoặc cắt giảm lương, thậm chí cả hai. Tất nhiên, những người thất nghiệp còn ít chi tiêu hơn, nên giá cả có thể sẽ tiếp tục giảm. Tất cả những điều đó có nguy cơ gây ra một “vòng xoáy giảm phát” gồm giảm giá, sa thải, giảm giá nhiều hơn, sa thải nhiều hơn. Và cứ tiếp tục như vậy. Một cuộc suy thoái khác có thể xảy ra sau đó.
Giảm phát còn tạo ra một tác động đau đớn khác, là gây tổn hại cho người đi vay, làm cho các khoản vay được điều chỉnh theo lạm phát trở nên đắt đỏ hơn.
Vậy không giảm phát, được lợi gì?
Chắc chắn là người Mỹ có thể kiếm được nhiều tiền hơn khi giá cả giảm. Nếu giá thực phẩm hoặc xăng dầu giảm, các hộ gia đình chắc chắn sẽ thấy bớt khó khăn hơn tron chi tiêu hàng ngày, miễn là họ vẫn có việc làm.
Một số nhà kinh tế còn đặt câu hỏi về quan điểm, cho rằng giảm phát gây ra mối đe dọa kinh tế nghiêm trọng. Năm 2015, các nhà nghiên cứu tại Ngân Hàng Thanh Toán Quốc tế, một diễn đàn dành cho các ngân hàng trung ương thế giới, xem xét các giai đoạn giảm phát kéo dài 140 năm ở 38 nền kinh tế, và đưa ra kết luận này: Mối tương quan giữa giá cả giảm và tăng trưởng kinh tế “rất yếu và chủ yếu xuất phát từ cuộc khủng hoảng lớn.”