Giá thịt vốn dĩ đã tăng vọt. Giá thịt lợn thời điểm cuối năm 2021 tăng 17% so với năm 2020. Một luật mới của tiểu bang California, bắt đầu áp dụng từ hôm nay, ngày 1 Tháng Một 2022, lại có thể khiến giá thịt nguội và thịt xông khói tăng hơn nữa.
Đạo luật Ngăn chặn Sự tàn ác đối với Động vật Trang trại (Prevention of Cruelty to Farm Animals Act), còn được gọi là Proposition 12, đã được Hiệp hội Nhân đạo (Humane Society) ủng hộ và được 63% cử tri California chấp thuận vào năm 2018. Luật thiết lập các yêu cầu về không gian tối thiểu cho động vật trang trại và cấm bán thịt động vật nuôi trong nhà do không đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật chăn nuôi.
Từ nay, những người có trách nhiệm sẽ dòm ngó kỹ hơn các trang trại để “check” xem bà con có tuân thủ hay không. Cần nhấn mạnh, luật này không chỉ áp dụng ở phạm vi California mà là… toàn quốc. Một chủ sở hữu hoặc điều hành doanh nghiệp nào, bao gồm siêu thị, nhà hàng và nhà chế biến thịt, bị phát hiện vi phạm luật, thì “a lê hấp”, có thể bị buộc tội, với mức phạt $1,000 hoặc 180 ngày tù giam. Điều “oan trái và nghịch cảnh” này lại xảy ra ở một tiểu bang mà hành vi trộm cắp hiếm khi bị truy tố.
Proposition 12 quy định rằng gà đẻ trứng, bê nuôi lấy thịt và lợn giống (lợn nái) phải được “cưng” hơn trước nay. Chúng phải được nuôi trong chuồng sao cho chúng có thể nằm, đứng và quay đầu trong không gian đủ rộng để không chạm vào thành chuồng hoặc đồng bọn của chúng. “Khổ nhất” là các bác nuôi lợn. Proposition 12 quy định rằng lợn nái phải có ít nhất 24 feet vuông (khoảng 2.2 m2) diện tích sàn để thong thả đi qua đi lại. Trong khi đó, giới nuôi heo cảnh báo rằng điều này có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe và sự an toàn của heo nái, vì dịch bệnh có thể dễ dàng lây lan hơn trong chuồng trại nhốt chung. Những con lợn nái hung dữ cũng có thể tấn công đồng loại. Ngoài ra, có rất ít bằng chứng cho thấy quy định về không gian như vậy có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh truyền qua thực phẩm.
California chiếm khoảng 13% lượng thịt lợn tiêu thụ toàn quốc nhưng chỉ có khoảng 0.1% lợn cả nước được “sinh ra, lớn lên và chết đi” ở tiểu bang này. Những người chăn nuôi lợn than van rằng việc tuân thủ Proposition 12 sẽ làm đội chi phí. Hậu quả người tiêu dùng trong nước phải gánh chịu giá thịt tăng theo. Theo quy trình sản xuất thịt, lợn con sau khi cai sữa sẽ nhanh chóng được chuyển đến trại chăm sóc (nursery farm). Đây là một điều cần thiết nhằm bảo vệ đàn khỏi dịch bệnh. Sau đó, chúng được nuôi từ sáu đến tám tuần cho đến khi trở thành “lợn cho ăn”, sau đó được chuyển đến các trang trại riêng biệt trong 16 đến 17 tuần nữa. Sau khi đạt từ 240 đến 280 pound, lợn được bán cho lò giết mổ và nhà đóng gói, nơi xả thịt và đóng gói để tiện vận chuyển ra khắp nước Mỹ cũng như nước ngoài.
Hiện chỉ có khoảng 4% cơ sở chăn nuôi heo hơi trên toàn quốc đủ điều kiện đáp ứng luật Proposition 12 của California. Hội đồng các nhà sản xuất thịt lợn quốc gia (National Pork Producers Council) tính rằng việc tuân thủ sẽ làm tăng chi phí sản xuất lên 9.2% ở cấp trang trại, tương đương khoảng $13 một con lợn. Proposition 12 sẽ áp dụng các hệ thống “truy vết” (tracking system) phức tạp để có thể chứng nhận rằng thịt lợn bán ở California có nguồn gốc từ lợn nái được nuôi “tử tế” ở một trang trại nghiêm chỉnh tuân thủ luật California. Tuy nhiên, ở thời điểm này, hệ thống theo dõi như vậy vẫn chưa được phát triển và California vẫn chưa hoàn thiện các quy tắc chi tiết về cách mà các doanh nghiệp phải tuân thủ.
Chính quyền California cho biết, thịt lợn được bảo quản lạnh có thể tiếp tục được bán sau ngày 31 Tháng Mười Hai 2021. Tuy nhiên, Seaboard Foods, một trong những nhà sản xuất và chế biến thịt lợn lớn nhất nước Mỹ, cho biết họ ngừng vận chuyển một số sản phẩm thịt lợn đến California. Michael Formica thuộc Hội đồng các nhà sản xuất thịt lợn quốc gia nói rằng nhiều nhà chế biến thịt khác cũng cân nhắc tương tự. Một nghiên cứu từ các nhà tư vấn thuộc Hatamiya Group cho biết, nếu một nửa nguồn cung thịt lợn bị gián đoạn đột ngột ở California, giá thịt xông khói sẽ tăng 60%.
Tuy nhiên, California là thị trường lớn đến mức chẳng nhà đóng gói thịt nào có thể dễ dàng hát bài “chia tay nhau từ đây” với California về lâu về dài. Do đó, họ sẽ yêu cầu những nhà cung cấp phải tuân thủ. Dù vậy, những nông dân nhỏ không đủ sức theo nổi Proposition 12 sẽ có khả năng dẹp tiệm hoặc bán lại cơ sở của mình cho các nhà sản xuất hoặc đóng gói lớn hơn.
Ấm ức, giới sản xuất và bán lẻ thịt lợn đã nộp đơn kiện để chặn Proposition 12. Họ nói rằng một quy định áp dụng ngoài lãnh thổ tiểu bang đã vi phạm nguyên tắc Điều khoản Thương mại (Commerce Clause) của Tối Cao Pháp Viện, nơi từng nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng một tiểu bang không được trực tiếp điều chỉnh hoạt động thương mại vốn đang được thực thi hoàn toàn ở một tiểu bang khác, kể cả khi nó có “tác động” (“effects”) xuyên biên giới. Tòa án Tối cao sẽ xem xét đơn kiện của Hội đồng Sản xuất Thịt lợn Quốc gia và Liên đoàn Trang trại Hoa Kỳ vào thứ Sáu, ngày 7 Tháng Một 2022.