Các nhà bán lẻ Hoa Kỳ tiếp tục nhức đầu với nạn trộm cắp như rươi. Rachel Michelin, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ California, rầu rĩ: “Mức độ bạo lực trong các vụ trộm cướp đã đạt một cấp độ hoàn toàn mới. Chưa ai nhìn thấy điều này trước đây cả!”. Trộm cướp tấn công siêu thị đang lộng hành xảy ra nhiều nơi ở Mỹ và trở thành vấn đề nhức nhối đối với các nhà bán lẻ. Chỉ trong 40 giây, đúng vậy, chưa đến một phút, một bọn cướp năm thằng đã khoắng nhanh như điện xẹt số hàng hóa trị giá $20,000 từ một cửa hàng Ulta Beauty ở Pennsylvania. Dịch cướp cạn không chỉ xảy ra gần đây. Năm 2019, theo New York Times (3-12-2021), tổng giá trị hàng hóa bị trộm cướp toàn nước Mỹ lên đến $68.9 tỷ!
Ăn cắp vặt không còn là chuyện vặt
Nhiều cửa hàng thời trang cao cấp ở Union Square (San Francisco), nơi chứng kiến loạt vụ cướp mới đây, đã hối hả “gia cố” cửa nẻo những ngày cuối năm. Thất thoát của các nhà buôn lẻ không chỉ bởi những cướp táo tợn mà còn từ các vụ trộm lẻ tẻ. Tuần trước, Best Buy lên tiếng rằng trộm cắp đang làm giảm lợi nhuận; và cho biết họ phải sử dụng mã QR để dò hàng bị chôm. Trong khi đó, Home Depot cũng gia cố nhiều cửa hàng; đồng thời đặt dụng cụ điện và các vật dụng có giá trị khác ngoài tầm với. Home Depot khuyến cáo nhân viên không quay phim các vụ cướp bằng điện thoại vì điều này không làm giảm tình trạng ăn cắp mà còn có thể khiến tình hình trở nên xấu hơn vì có thể dẫn đến nguy cơ xung đột bạo lực.
Ngay cả những người có kinh nghiệm lâu năm và từng theo dõi vụ việc cũng sửng sốt trước phương pháp thiên biến vạn hóa và đầu óc tinh ma của đám trộm chuyên nghiệp. Một trong những nguyên nhân đầu tiên khiến nạn trộm cắp gia tăng là mức phạt được giảm. Kể từ năm 2005, có đến 30 tiểu bang áp dụng luật tăng mức giá trị món hàng bị đánh cắp; có nghĩa sẽ có ít người hơn phải vào tù vì các vụ trộm nhỏ. Hơn ½ các tiểu bang Hoa Kỳ hiện áp dụng luật rằng chỉ khi nào trộm $1,000 trở lên mới được xem là trọng tội.
Một số chuyên gia cho rằng vấn đề chính yếu ở đây không phải là chuyện luật phạt bao nhiêu và phạt như thế nào mà là sự thiếu thực thi của cảnh sát và công tố viên. Vấn đề “trộm vặt”, dù thế nào, đã không còn là “chuyện vặt” của các địa phương. Nó đã lọt vào tận phòng họp báo Tòa Bạch Ốc. Hôm thứ Sáu ngày 3 Tháng Mười Một, Jen Psaki, thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc, cho biết giới chức thực thi pháp luật liên bang đã “liên lạc với các bộ phận thực thi pháp luật địa phương”, và rằng FBI đang làm việc với một lực lượng đặc trách do Sở Cảnh sát Los Angeles dẫn đầu; trong khi Bộ Tư pháp đang xuất tiền để thuê thêm 50 cảnh sát ở San Francisco. Đó là hai nơi mà bọn trộm cướp chuyên nghiệp gần đây đã tỏ ra rất thích “giỡn mặt” với giới chức trách.
Nguyên nhân thứ hai là việc tiêu thụ hàng gian ngày càng dễ dàng. Thời “tiền kỷ nguyên internet”, hàng chôm thường được tiêu thụ chợ trời và hiệu cầm đồ, nhưng thời nay, hàng ăn cắp có thể bán dễ dàng online, đặc biệt trên Amazon và Facebook. Khổ nỗi, xã hội “bên ngoài” lại ham mua đồ rẻ, dù có thể biết đó là đồ ăn cắp. Trong một số vụ, bọn trộm thường được đám đầu nậu trả $500 cho một phi vụ – tính trọn gói như vậy. Sau khi gom hàng và phân loại, bọn đầu nậu bắt đầu rao bán online. Trong một vụ điển hình gần đây, một anh già thuộc thành phần “đối tượng xấu”, 70 tuổi, đã trả tiền cho một nhóm con nghiện ma túy (đang trong giai đoạn hồi phục) để họ ăn cắp dao cạo và sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ các cửa hàng Target, CVS và Publix. “Anh già” này, tên là Robert Whitley, sau đó rao bán online thông qua hai “công ty” Closeout Express và Essential Daily Discounts.
Theo công tố viên liên bang, đầu nậu Robert Whitley đã bán được hơn 140,000 mặt hàng trên Amazon, với tổng trị giá $3.5 triệu! Ấy vậy mà tay luật sư bào chữa cho đương sự biện bạch rằng chẳng vụ nào trong các vụ trộm trên có liên quan bạo lực, rằng thân chủ Robert Whitley của mình là người từng vật lộn chống lại chứng nghiện, từng đứng ra điều hành các nhóm hỗ trợ giúp đỡ những nạn nhân khác thoát nghiện, trong đó có việc cung cấp nơi ăn ở cho con nghiện. Cũng tử tế ra phết. Tuy nhiên, tòa không thấy vậy. Tháng Mười 2021, đương sự bị xử gần sáu năm tù. Con gái đương sự, Noni Whitley, được xem là đồng phạm, bị kết án năm năm.
Hàng ăn cắp bán online – đối phó như thế nào?
Amazon, eBay, Facebook Marketplace, OfferUp, Etsy…, tất cả “sân chơi” này đều được sử dụng để tiêu thụ hàng gian, nơi người bán không cần khai tên thật, địa chỉ thật hoặc thông tin ngân hàng thật. Người tiêu dùng thì thường không biết hoặc không đủ khả năng để truy xuất xứ món hàng định mua. Nếu bán một món cho tiệm cầm đồ, người bán phải cam kết tài sản đó là của mình, không phải hàng ăn cắp. Tiệm cầm đồ cũng ghi rõ món hàng đó vào mẫu đơn do nhà nước quy định. Trong khi đó, việc bán hàng online dễ hơn bội lần và chẳng ai yêu cầu phải khai khiếc gì cả.
Nhiều nhà bán lẻ, trong đó có CVS, Home Depot và Ulta Beauty… đang muốn Đạo luật Người tiêu dùng INFORM (INFORM Consumers Act) sớm ra đời. Dự luật, được lưỡng đảng ủng hộ, yêu cầu các thị trường trực tuyến xác thực danh tính của “người bán bên thứ ba với số lượng lớn” (“high-volume third-party sellers”), trong đó có thông tin tài khoản ngân hàng và mã số thuế, đồng thời cho phép người tiêu dùng xem thông tin nhận dạng và thông tin liên lạc của những người bán đó.
Luật sẽ áp dụng cho các nhà cung cấp nào có khả năng thực hiện 200 thương vụ trở lên trong một năm, với số tiền từ $5,000 trở lên. Amazon, Etsy, OfferUp và eBay cho biết họ ủng hộ đạo luật này. Trong khi đó, Meta – chủ của Facebook – thì không muốn cam kết gì cả, đúng với “bản chất vốn dĩ trời sinh” của họ lâu nay. Tập đoàn Meta (Facebook) nói rằng người dùng Facebook Marketplace có thể báo cáo mặt hàng mà họ cho là hàng ăn cắp để cơ quan thực thi pháp luật làm việc, chứ họ thì chẳng liên can gì đến việc giúp tiêu thụ hàng gian, cho dù là gián tiếp.