Thế giới đầy biến động nhưng các thương hiệu xa xỉ vẫn thanh thản hốt bạc! LVMH và Hermès đều đánh bại kỳ vọng cao về doanh thu trong quý đầu tiên của năm 2023.
Mạnh nhất tại thị trường Trung Quốc
Trong một thế giới đang phải đối mặt với lạm phát, chiến tranh và nỗi lo rút tiền tại các ngân hàng, lại có một điều nghịch lý: Nhu cầu về hàng xa xỉ vẫn tăng cao! Cụ thể, hai thương hiệu thiết kế thời trang xa xỉ lớn vừa công bố báo cáo bội thu quý đầu tiên của năm 2023.
Hermès cho biết doanh thu tăng 23% so với năm trước đó trong ba tháng tính đến Tháng Ba, vượt xa kỳ vọng 13% của các nhà phân tích. LVMH (thuộc sở hữu của tỷ phú Bernard Arnault, người giàu nhất nhì thế giới) cũng báo cáo doanh thu 21.04 tỷ euro (tương đương $23.1 tỷ), trong Quý đầu, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với dự báo nhờ phục hồi doanh thu ở Trung Quốc (TQ) và nhu cầu mạnh mẽ đối với quần áo, túi xách và đồ trang sức của hãng ở châu Âu và Nhật Bản.
Đây là dấu hiệu cho thấy những người mua sắm cao cấp ở TQ một lần nữa đang quay trở lại với hàng xa xỉ sau khi Bắc Kinh nới lỏng các hạn chế Covid-19. Giám đốc tài chính Jean-Jacques Guiony bộc bạch với các nhà phân tích: “LVMH đã đạt được một số tăng trưởng khá tốt ở TQ và sẽ tiếp tục tốt cho thời gian còn lại của năm. Sau giai đoạn khó khăn năm 2022, người tiêu dùng đã quay trở lại các cửa hàng của LVMH và hoạt động kinh doanh trên internet của công ty cũng khởi sắc. Năm nay, chúng tôi kỳ vọng doanh số bán hàng thời trang và trang sức tại TQ đại lục vẫn mạnh mẽ nhưng khu vực mỹ phẩm sẽ cần thêm thời gian để phục hồi. Chúng tôi không nói về sự lạc quan và tăng trưởng điên cuồng hoặc thái quá mà chỉ nói về bình thường hóa ở mức cao”.
Luca Solca, một nhà phân tích tại Bernstein, cho biết số liệu Quý I cho thấy LVMH biết tận dụng nhu cầu bền vững ở châu Âu, châu Mỹ và cơ hội phục hồi từ chi tiêu bùng nổ trở lại ở TQ. LVMH đã tăng ngoạn mục nhu cầu hàng xa xỉ trong những năm gần đây, tăng doanh số bán hàng của hàng chục thương hiệu, từ rượu hảo hạng đến nhãn hiệu trang sức và thời trang dành cho các khách sạn cao cấp. Sự tăng trưởng đã củng cố vị trí của “công ty niêm yết có giá trị nhất ở châu Âu” của LVMH. Chiến lược tăng trưởng cũng đã giúp Giám đốc điều hành và cổ đông kiểm soát Bernard Arnault cạnh tranh với Elon Musk danh hiệu “người giàu nhất thế giới”.
Sự gián đoạn liên tục ở TQ là một vấn đề đau đầu trong những năm gần đây đối với ngành công nghiệp hàng xa xỉ, vốn phụ thuộc vào chi tiêu của những người mua TQ trong và ngoài nước suốt hai thập niên qua. Ngay cả trước khi có tin “vui” doanh thu Quý I, cổ phiếu hàng xa xỉ của châu Âu đã tăng vọt, tăng trung bình 23% trong năm nay so với mức tăng 14% của chỉ số MSCI châu Âu.
Nhiều cổ đông xem các thương hiệu xa xỉ của châu Âu là “phương cách tốt để đo lường cách người tiêu dùng TQ giàu có muốn mua sắm trở lại sau gần ba năm gián đoạn vì đại dịch không. LVMH cho biết doanh số bán hàng tại TQ của các thương hiệu thời trang Louis Vuitton, Christian Dior và Celine cũng tăng hơn 30% trong Quý I so với năm trước đó. Người tiêu dùng TQ đã tích lũy được tiền mặt trong đại dịch nên sẽ giúp thúc đẩy doanh số bán hàng trong thời gian còn lại của năm.
Nhưng yếu tại Mỹ và châu Âu
Theo ước tính của Bank of America, năm 2022, tiền gửi hộ gia đình ở TQ đã tăng 7.9 ngàn tỷ nhân dân tệ, tương đương $1.15 ngàn tỷ theo tỷ giá hối đoái hiện nay, cao hơn nhiều so với mức trung bình hàng năm là khoảng 2 ngàn tỷ nhân dân tệ.
Ngoài TQ, những người tiêu dùng siêu giàu trên thế giới hiện vẫn ủng hộ ngành hàng xa xỉ dù có những dấu hiệu suy yếu ở các nấc thang thu nhập thấp. Theo phân tích của Bernstein, những người chỉ chi khoảng 1,000 euro cho hàng hiệu trong năm 2019 đã cắt giảm phân nửa số tiền này trong năm 2022. Trong khi đó, chi tiêu ở nấc thang giàu nhất lại bùng nổ ngoạn mục.
Ví dụ, một người mua sắm giàu có bỏ ra 50, 000 euro cho hàng xa xỉ vào năm 2019 nhưng năm 2022 đã chi đến 135,000 euro! Việc ngành công nghiệp tiêu dùng xa xỉ phục hồi ngoạn mục là đáng ngạc nhiên trong tình hình lo sợ suy thoái kinh tế, khác với trước đây.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, công nghiệp tiêu dùng xa xỉ có hai quý doanh thu giảm mạnh trước khi tăng trở lại, trong khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu giảm bốn quý liền. Nhưng theo các nhà phân tích, xu hướng hiện tại không phù hợp với mức trung bình dài hạn và có thể không bền vững.
Trong thập niên trước đại dịch, ngành hàng xa xỉ thường tăng trưởng với tốc độ gấp đôi GDP toàn cầu. Năm nay, các nhà phân tích lạc quan kỳ vọng doanh thu của ngành sẽ tăng từ 8% đến 10% so với dự báo 2.8% của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về tăng trưởng GDP toàn cầu.
Trong số ngành khác có nhu cầu cao bất thường được thấy trong thời kỳ đại dịch có nhà cho thuê ở Mỹ nhưng đang bắt đầu giảm bớt. Các thương hiệu xa xỉ sẽ khó tăng doanh thu bằng cách tăng giá vì đã tăng giá mạnh trong năm 2021 và 2022. Chi hào phóng bất thường cho quảng cáo (các công ty hàng xa xỉ châu Âu đã chi nhiều hơn 33% cho hoạt động tiếp thị vào năm 2022 so với năm trước đó) cũng khó kéo dài.
Nhu cầu hàng xa xỉ cũng không đồng đều giữa các thương hiệu. Đó là lý do các nhà đầu tư vào cổ phiếu ngành hàng xa xí nên kén chọn. Theo phân tích của Bank of America, năm ngoái, ba ông lớn LVMH, Hermès và Richemont đã đóng góp đến 75% tăng doanh thu của ngành.
Khi các đối thủ Kering, chủ sở hữu của Burberry và Gucci, báo cáo kết quả doanh thu Quý I trong vài tuần tới, việc ông lớn nào giành được hay mất thị phần sẽ rõ ràng hơn. Dù xa xỉ vẫn tỏa sáng trong một thế giới biến động, nhưng có thể sẽ không còn nhiều thương hiệu để người mua chọn lựa trong tương lai.
Ngoài ra, TQ, thị trường xa xỉ lớn nhất thế giới, không hề ổn định trước khi có Covid.
Công ty tư vấn Bain & Co ước tính người tiêu dùng TQ chiếm từ 17% đến 19% chi tiêu xa xỉ toàn cầu trong năm ngoái, thấp so với 1/3 của năm 2018. Nhưng LVMH, công ty cũng sở hữu các thương hiệu Dior và Celine khẳng định “dù cảnh giác nhưng vẫn tự tin bất chấp bối cảnh kinh tế và địa chính trị không chắc chắn”. Thời trang và đồ da, bộ phận lớn nhất của công ty, đã ghi nhận doanh thu hàng quý tăng 18%, đạt 10.73 tỷ euro.
Louis Vuitton, thương hiệu lớn nhất của công ty, đã có khởi đầu tuyệt vời trong năm, trong khi Dior “tiếp tục thể hiện rất tốt trên tất cả các sản phẩm của mình”. Các nhãn hiệu đồng hồ và trang sức cũng ấn tượng, với doanh số bán tăng 11%. Tiffany & Co có một khởi đầu thuận lợi với việc cải tạo cửa hàng chủ lực trên Đại lộ số 5 ở New York (dự kiến hoàn thành trong Quý II).
LVMH cho biết hoạt động kinh doanh bán lẻ du lịch DFS cũng được hưởng lợi từ sự phục hồi của du lịch quốc tế, đặc biệt là từ sự quay trở lại dần của du khách đến Hong Kong và Macao. “Người tiêu dùng TQ chọn ưu tiên du lịch đến Ma Cao, Hong Kong và các nước láng giềng như Hàn Quốc và Nhật Bản. Dòng người đại lục đổ vào châu Âu sẽ theo sau” – Guiony nói và tin rằng người mua TQ sẽ sớm quay lại châu Âu với số lượng lớn.
Ngoài TQ, các nhà đầu tư vào ngành hàng xa xí đang đặt câu hỏi liệu người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu có tiếp tục vung tiền mua hàng xa xỉ trong bối cảnh kinh tế bất ổn hay không. Doanh số của LVMH tại Mỹ tăng 8% trong quý đầu tiên, thấp hơn 24% ở châu Âu và 34% ở Nhật Bản. Phần còn lại của châu Á, gồm cả TQ tăng 14%.
Tham khảo: