Hội chứng lo âu mùa Thu

Khi ánh nắng mau tắt, mặt trời thức trễ, là khi bạn cảm thấy lo lắng, mệt mỏi, hay cáu gắt, khó tập trung. (minh họa: Unsplash)

Khi ánh nắng mau tắt, mặt trời thức trễ, là khi bạn cảm thấy lo lắng, mệt mỏi, hay cáu gắt, khó tập trung,… Đó là hội chứng lo âu mùa Thu. (Autumn Anxiety).

Tiến sĩ Clare Morrison, cố vấn y tế tại MedExpress, nói với Healthline: “Không giống như những lo lắng khác, nỗi lo lắng vào mùa Thu thường không có yếu tố kích hoạt bên ngoài rõ ràng và nó có xu hướng tái diễn hàng năm.”

Bà Morrison cũng cho biết có nhiều người không nhận ra nỗi lo lắng khá phổ biến của mùa Thu. Nhưng vì nó tái diễn, cứ đúng vào mùa Thu, nên nó càng trở nên rõ ràng và người ta cũng tìm được những biện pháp để ngăn chặn.

Morrison chỉ ra các triệu chứng của chứng lo âu mùa Thu, như trầm cảm, lo lắng và lo lắng quá mức, hay cáu gắt, thờ ơ, mệt mỏi, mất hứng thú với các hoạt động hàng ngày.

“Một trong những nguyên nhân là do thiếu ánh sáng mặt trời, dẫn đến lượng serotonin giảm xuống. Hormone quan trọng này ảnh hưởng đến tâm trạng, sự thèm ăn và cách ngủ. Ngoài ra còn có sự gia tăng hormone melatonin, có xu hướng khiến người ta cảm thấy buồn ngủ và chán nản,” Morrison giải thích.

Thiếu vitamin D là tác động khác của việc ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Theo Morrison, thiếu vitamine D cũng liên quan đến chứng trầm cảm. Các yếu tố khác bao gồm thay đổi hành vi, bởi vì khi thời tiết xấu đi, chúng ta dành ít thời gian ở ngoài trời hơn và ít tập thể dục hơn.

Thiếu vitamin D là tác động khác của việc ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. (minh họa: Unsplash)

Patricia Thornton, tiến sĩ, nhà tâm lý học hoạt động tại thành phố New York, đồng ý rằng việc đổi mùa có thể dẫn đến thay đổi tâm trạng và lo lắng, tuy nhiên, bà cho biết lo lắng vào mùa Thu không được công nhận. “Chúng tôi thường nói về SAD – chứng rối loạn cảm xúc theo mùa (seasonal affective disorder). Ngày ngắn hơn, đêm dài hơn, thời tiết ngày càng lạnh,” Thornton nói với Healthline. “Lo lắng mùa Thu có thể là SAD.”

Bà Thornton cũng cho rằng quá trình chuyển đổi cũng có thể gây ra lo lắng. “Những người phải vật lộn với quá trình chuyển đổi hoặc bất kỳ loại thay đổi nào trong hoàn cảnh sống, chẳng hạn như thay đổi lịch trình đi học lại, có thể lo lắng vì bây giờ họ phải dậy sớm hơn và có thể ngủ ít hơn. Thornton cho biết điều này có thể gây ra lo lắng, đặc biệt tình trạng này kéo dài do ngủ ít.

Tuy nhiên, bà lưu ý rằng nhiều khách hàng của bà bị rối loạn lo âu, cảm thấy tốt hơn khi họ trở lại trường học hoặc nơi làm việc và có một thói quen. Thornton nói nếu ai đó nhàn rỗi trong mùa Hè, họ sẽ háo hức quay trở lại trường học vì có nhiều điều để tập trung, giúp họ giảm bớt những suy nghĩ, lo lắng.

Một lời giải thích khác cho những cảm giác tiêu cực trong mùa Thu.Ví dụ, khi bạn bước vào những tháng lạnh và nhận được ít ánh sáng mặt trời hơn, bạn nhớ lại rằng mùa Đông là quãng thời gian rất khó khăn. “Đôi khi chúng gợi những sự kiện đau buồn, chẳng hạn như cái chết của người thân hoặc biến cố gì đó trong cuộc đời, nhưng đôi khi những điều ấy cũng chỉ kỷ niệm gợi lên cảm xúc và bạn có thể không biết tại sao mình lại lo lắng,” Thornton nói. Nếu bạn đã trải qua một mùa Hè tuyệt vời, bạn sẽ đón nhận mùa Thu bằng nỗi chán nản vô cùng.”

Vậy bạn có thể làm gì để đối phó với nỗi lo âu khi thay đổi mùa này?

Morrison và Thornton gợi ý sáu điều sau đây:

Nhận nhiều ánh sáng hơn

Morrison khuyên bạn dành nhiều thời gian bên ngoài để tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời. Morrison khuyên bạn nên dậy sớm để đón ánh nắng ban mai. Nếu cần, hãy đi ngủ sớm hơn để giúp chống lại sự mệt mỏi và buồn ngủ vào ban ngày. Tuy nhiên, dù sớm nhưng trời có thể chưa sáng, nên từ tháng sau, khi mặt trời thức trễ hơn bạn, bạn hãy dùng hộp đèn, loại đèn có thể được sử dụng trong 30 phút mỗi ngày hoặc hơn, để giúp mắt tiếp xúc với ánh sáng nhiều hơn.

Thornton đồng ý, nói rằng có nhiều loại hộp trị liệu bằng ánh sáng. Bà cho rằng thậm chí có một số còn tăng dần cường độ khi bạn thức dậy, vì vậy chúng mô phỏng mặt trời mọc ngay cả khi bên ngoài trời còn tối đen như mực.

Morrison khuyên bạn dành nhiều thời gian bên ngoài để tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời. (minh họa. Unsplash)

Tập thể dục mỗi ngày

Morrison gợi ý nên tập thể dục hàng ngày ít nhất 30 phút. Khi thời tiết nóng nực của mùa Hè đã giảm bớt, mùa Thu là thời điểm tuyệt vời để tận hưởng không gian ngoài trời, vì vậy hãy tận dụng tối đa nó bằng cách đi bộ đường dài hoặc đạp xe. Ngoài ra, hãy bắt đầu một môn thể thao mới hoặc tới phòng gym.

Thornton đồng ý. Bà cho rằng tập thể dục là chìa khóa cho các rối loạn sức khỏe tâm thần. Mọi nghiên cứu đều cho thấy tâm trạng được cải thiện sau khi tập thể dục.

Thay đổi cách ăn uống

Morrison cho biết: Mùa Thu là thời điểm tuyệt vời để suy nghĩ về những thực đơn hàng ngày. Thornton cũng đồng ý, nói rằng cái mát lạnh của mùa Thu là lý do hợp lý nhất để bạn nấu những món súp theo mùa yêu thích của bạn và những món “phải ăn nóng mới ngon” mà bạn không thể ăn trong mùa Hè.

Bắt đầu một điều mới

Vì mùa Thu là thời điểm của những khởi đầu mới mẻ, một nhiệm kỳ mới và một mùa mới, Morrison nói rằng hãy nghĩ đây là thời điểm để dọn dẹp nhà cửa, sân vườn và sắp xếp lại những thứ trong nhà. Ghi danh học một cái gì đó, cũng sẽ khiến tâm trí của bạn thoải mái và hứng khởi hơn là ru rú trong nhà vào mỗi buổi tối.

Nhìn điều tiêu cực theo cách khác

Thay vì liên tưởng mùa Thu với những điều tiêu cực, Thornton nói rằng hãy cố gắng nhìn nó khác đi. “Con người rất chú trọng đến sự mất mát. Trong trường hợp này, hãy nghĩ là chỉ có sự mất đi ánh sáng mặt trời ở bên ngoài, vì vậy hãy thử nghĩ xem bạn có thể làm gì ở bên trong,” bà nói. “Thay vì nghĩ, ‘trời lạnh quá, chắc chết dí trong nhà thôi” thì nghĩ lạc quan hơn ‘chỉ có trong nhà mình mới cảm giác ấm cúng như thế này mà thôi’”.

Thornton nói: “Bây giờ bạn đang chấp nhận những gì giống như một sự mất mát và đang nghĩ về nó theo một cách khác.”

Tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp

Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) đã được chứng minh trong nghiên cứu rằng đó chính là nguồn tin cậy để điều trị hiệu quả chứng lo âu và rối loạn cảm xúc theo mùa. Ngoài ra, thuốc chống trầm cảm, chẳng hạn như SSRI, thường được kê đơn cho SAD.

“Điều này là do SAD thiên về trầm cảm. Tuy nhiên, nó có xu hướng bắt đầu vào mùa Thu vì sự lo lắng chờ đợi và bởi vì thời gian ngày càng ngắn lại, ”Thornton nói.

Nếu bạn cảm thấy không thể chịu đựng nổi, Morrison nói hãy đến gặp bác sĩ. “Đừng đợi cho đến khi mọi thứ trở nên thực sự tồi tệ,” bà nói. “Nếu bạn bắt đầu cảm thấy lo lắng và chán nản, hãy hành động ngay lập tức để cải thiện tâm trạng của mình sớm nhất có thể”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: