Công ty Hyundai đang chuyển sang kiếm thêm tiền từ dịch vụ download phần mềm cập nhật trên mẫu xe hơi điện (EV) Ioniq 6 mới. Động thái này đánh dấu bước ngoặt về mô hình kinh doanh của nhà sản xuất xe hơi Hàn Quốc trong cuộc bám đuổi người khổng lồ Tesla của Mỹ.
Hyundai Motor vừa tiết lộ một mẫu xe điện siêu tiết kiệm có cả tính năng tải (download) các công nghệ tự động mới nhất trực tiếp từ internet, một bước tiến nhằm thiết lập một mô hình kinh doanh mới cho phép công ty tiếp tục kiếm tiền từ những chiếc xe đã bán ra của mình. Buổi ra mắt Ioniq 6 của Hyundai là điểm sáng của Triển lãm Xe hơi Quốc tế Busan (Busan International Motor Show) năm nay, lần đầu tiên sau bốn năm tạm ngưng.
Mẫu xe hơi điện rất được mong đợi này là kế thừa của mẫu xe Ioniq 5, giành được giải thưởng World Car of the Year (Xe thế giới của năm) với doanh số ấn tượng ở Mỹ và châu Âu. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Chang Jae-hoon của Hyundai tuyên bố lạc quan: “Ioniq 6 là bước tiến đầy tham vọng trong chiến lược của Hyundai Motor nhằm đẩy nhanh quá trình điện hóa xe hơi và vươn lên vị trí dẫn đầu toàn cầu về xe hơi điện”.
Ioniq 6 có thể đi được 6.2 km cho mỗi kilowatt-giờ điện tiêu thụ, tăng khoảng 20% so với Ioniq 5 nhờ động cơ và pin có hiệu suất cao hơn. “Phạm vi hoạt động của xe cũng tăng 22%, đạt 524 km cho một lần sạc đầy pin theo tiêu chuẩn Hàn Quốc, khiến Ioniq 6 trở thành một trong những xe hơi điện hiệu năng cao nhất thế giới” – thông báo của Hyundai nêu rõ.
Với giá khởi điểm từ 55 triệu won ($41,800), Ioniq 6 rẻ hơn Tesla Model Y từ 30% đến 50% tại thị trường Hàn Quốc. Tháng này, Hyundai sẽ bắt đầu nhận đơn đặt hàng trong nước, và xe sẽ được giao từ Tháng Chín. Ioniq 6 sẽ được bán ở châu Âu vào cuối năm nay, còn Mỹ phải chờ đến đầu năm 2023.
Hyundai đã thắng lớn với Ioniq 5 (ảnh: Hyundai)
__________
Ngoài việc có tầm hoạt động xa hơn cho mỗi lần sạc, Ioniq 6 là mẫu xe đầu tiên của Hyundai có khả năng cập nhật hệ thống qua mạng (over-the-air-OTA). Chủ xe có thể truy cập và tải về các phần mềm cần thiết để cập nhật công nghệ tự lái và công nghệ đỗ xe tự động mới nhất qua mạng internet. Giám đốc điều hành Chang Jae-hoon cho biết kể từ bây giờ Hyundai sẽ bán cả xe hơi và “giải pháp trong tương lai”. Ông dự đoán số đăng ký cập nhật phần mềm hàng tháng sẽ sớm trở thành một nguồn doanh thu lớn cho công ty. Mục tiêu doanh thu chúng tôi đặt ra cho các mảng kinh doanh liên quan đến phần mềm, gồm cả giải trí, là 30% tổng doanh số bán hàng vào năm 2030” – ông nói.
Ioniq 6 – át chủ bài mới nhất của Hyundai (ảnh: Hyundai)
__________
Ở thời điểm này, Tesla vẫn dẫn đầu cả về doanh số lẫn cập nhật phần mềm trực tuyến. Hãng đã tung ra một gói đăng ký hàng tháng vào năm ngoái bao gồm quyền truy cập vào công nghệ đậu xe và chuyển làn đường tự động. Mercedes-Benz và Toyota Motor cũng đang tìm kiếm cơ hội tăng doanh thu trong các dịch vụ dựa vào internet cho xe hơi điện của họ.
Hyundai đã ký thoả thuận liên doanh với Aptiv (tên cũ là Delphi Automotive) để hợp tác phát triển công nghệ phần mềm tự lái. Công ty cũng thiết lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển phần mềm cho xe hơi điện tại Hàn Quốc, Singapore và Hoa Kỳ. Với xe hơi điện, các phần mềm có thể kiểm soát và điều khiển nhiều hơn so với xe chạy bằng xăng dầu.
Hyundai đã lên kế hoạch trang bị OTA cho tất cả các mẫu xe điện trong tương lai với hy vọng thu được nhiều lợi nhuận bù đắp vào biến động của lượng xe bán ra. Hyundai, cùng với công ty con Kia đặt mục tiêu mở rộng các dòng xe EV lên 31 mẫu xe vào năm 2030 và đạt doanh số 3.07 triệu xe một năm, tăng gấp 13 lần doanh số bán của năm 2021. Công ty đã công bố kế hoạch xây dựng hai nhà máy sản xuất xe hơi điện mới ở Hàn Quốc và một nhà máy tại Mỹ để thị phần toàn cầu có thể tăng từ 6% lên 12% vào năm 2021.
Việc Hyundai lấn sân sang OTA một phần cũng bắt nguồn từ những khó khăn tại thị trường Trung Quốc. Doanh số bán xe Hyundai đã giảm 2/3 trong 5 năm qua kể từ đỉnh cao năm 2016. Doanh số bán toàn cầu cũng giảm chỉ còn 6.66 triệu xe vào năm 2021 so với 8.01 triệu xe vào năm 2015.
Vẫn chưa rõ khi nào Hyundai có thể khởi động lại sản xuất và kinh doanh tại Nga, nơi công ty là “tay chơi” lớn thứ hai trên thị trường xe hơi vì lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ kéo giảm sức cầu xe hơi. Trong tình hình kinh doanh khó khăn, việc thay đổi chiến lược kinh doanh được xem là cần thiết đối với Hyundai khi công ty chuyển từ quá tập trung vào sản lượng xe bán được sang lợi nhuận thu từ cập nhật phần mềm.
Tham khảo: Nikkei Asia