Nhiều người rất sợ khi nghĩ rằng ai đó không thích mình, và để tránh điều này, họ luôn cố gắng hết sức để chứng tỏ mình là người đáng yêu.
Tuy nhiên, suy nghĩ đó đang dần phai mờ, nhờ một cuốn sách bán chạy nhất ở Á châu và cũng đang rất thịnh hành trên mạng xã hội. Cuốn sách mang tựa đề là “The Courage to Be Disliked” (Không sợ bị ghét).
Được viết dưới dạng là cuộc trò chuyện giả định giữa một người trẻ và một triết gia, Ichiro Kishimi và Fumitake Koga, các tác giả của quyển sách này khám phá sự quan trọng của việc hiểu và chấp nhận, nếu không được ai đó thích mình, để luôn sống trong niềm vui.
Nhập đề của cuốn sách xoay quanh lý thuyết mang tên Adlerian, một môn tâm lý học có tuổi đời hàng chục năm do Alfred Alder – một nhà trị liệu tâm lý người Austria, đặt ra.
Adler đặt ra vấn đề, ai đó sẽ tìm thấy “tự do khi không lo về việc bị người khác ghét,” và nhấn mạnh, khi bạn đi theo hướng mà cuộc sống dẫn dắt mình, không phải ai cũng đồng tình với những gì bạn làm.
Việc bị ai đó không ưa “là bằng chứng cho thấy bạn đang thực hiện quyền tự do của bản thân và sống theo ý muốn cũng như nguyên tắc của chính mình.”
Mặt khác, khi bạn thay đổi tính cách và sở thích của bản thân theo ý người khác để tránh bị ghét, thì bạn đang sống một cuộc sống không tự do. Tất nhiên là bạn không nên cố gắng để bị ghét, nhưng bạn cũng đừng sợ bị người khác không thích, vì “bị ghét” là điều không thể tránh khỏi.
Để thực sự sống cuộc sống theo cách riêng của mình, các tác giả khuyên mọi người: Đừng quan tâm đến những đánh giá của người khác; Không sợ bị người khác ghét; Chấp nhận dù bạn có làm gì thì cũng sẽ có người không đồng ý; Được công nhận là tốt, nhưng cũng không cần thiết.
Tuy nhiên, đối với những người luôn khao khát được mọi người công nhận, được mọi người yêu thương, sẽ không đồng ý với nhận định này. Tuy nhiên, việc có được hạnh phúc và niềm vui nhờ sự công nhận của người khác không phải là vấn đề, mà theo Kishimi và Koga, nếu bạn cứ mang nỗi sầu muộn khi không được người khác thích, mới là điều đáng lo ngại và cần được giải quyết.
“Được người khác thích thì thật đáng mừng, nhưng nói rằng điều này hoàn toàn cần thiết là không đúng,” các tác giả viết. “Mong muốn để được mọi người thích sẽ dẫn đến một cuộc sống chỉ tuân theo những mong đợi của những người khác, theo ý muốn của họ. Nói cách khác, bạn đang vứt bỏ con người thật của mình và đóng vai vào một người xa lạ, không phải là bạn. Điều này dẫn đến một trong những bài học lớn nhất mà cuốn sách đề cập đến: ‘hạnh phúc là cảm giác được cống hiến’”.
Theo Kishimi và Koga, miễn là bạn cảm thấy những đóng góp của mình cho thế giới là hữu ích, thì bạn sẽ không cần ai phải khẳng định điều đó. Những đóng góp của bạn có thể nhỏ hoặc thậm chí không được người khác nhìn thấy, miễn là bạn cảm thấy mình đã tạo ra sự khác biệt cho cuộc đời mình hoặc bất kỳ ai, thì bạn đang nắm giữ chìa khoá mở cửa hạnh phúc.
Chỉ cần bạn nghĩ “mình cũng có ích đấy chứ!” hoặc “làm như thế là đóng góp được phần nào cho tập thể rồi”, cũng đủ khiến bạn sung sướng, cho dù chỉ trong phút chốc.