Khủng hoảng sức khoẻ tâm thần tuổi teen Mỹ

Cuộc khủng hoảng sức khoẻ tâm thần của lứa tuổi teen Mỹ đã nguy kịch đến nỗi các chuyên gia xem đây là “ranh giới giữa sự sống và cái chết”...
Minh họa: a-l-vrqa-unsplash

Câu chuyện của M

Vào một buổi tối Tháng Tư năm ngoái, cô gái 13 tuổi tên M, có tinh thần tự do sống ở ngoại ô Minneapolis bỗng nổi cơn tức giận bật dậy khỏi chiếc ghế trong phòng khách và chạy trốn vào rừng! Lý do, cô phát hiện người mẹ Linda xem trộm điện thoại của mình. Tức tối vì bị xâm nhập đời tư trái phép, M giật mạnh điện thoại từ tay mẹ rồi bỏ chạy. Bà Linda hoảng hốt khi nhìn thấy những bức ảnh trên điện thoại mà một số cho thấy máu trên mắt cá chân tự cắt của M. Những ảnh khác là nỗi ám ảnh của con gái với nhân vật phim hoạt hình Nhật Bản (anime) Genocide Jack, một cô gái tóc nâu với chiếc lưỡi dài màu đỏ, trong loạt video giết bạn học trung học bằng kéo!

Hai năm trước, bà Linda bắt đầu nhận thấy ​​vòng xoáy đi xuống của M khi chứng kiến con gái rơi vào trầm cảm nặng, tự làm hại bản thân và cố gắng tự tử. Nhìn thấy con chạy, Linda đuổi theo vào rừng, hốt hoảng nhắn tin. “Làm ơn cho mẹ biết con đang ở đâu”. Câu trả lời là: “Con không điên!”.

New York Times cho biết, trường hợp của M là ví dụ cho thấy lứa tuổi mới lớn của nước Mỹ đang trải qua một sự thay đổi mạnh mẽ. Ba thập niên trước, bốn mối đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn nhất đối với thanh thiếu niên Mỹ là: Uống rượu say, lái xe trong tình trạng say xỉn, mang thai ở tuổi vị thành niên và hút thuốc.

Tất cả bốn đe dọa trên đã giảm mạnh, thay vào đó là một mối quan tâm mới đến sức khỏe cộng đồng: Tỷ lệ rối loạn sức khỏe tâm thần tăng vọt. Thống kê năm 2019, cho thấy 13% thanh thiếu niên thừa nhận từng trải qua giai đoạn trầm cảm nghiêm trọng, tăng 60% so với năm 2007. Trẻ em và thanh thiếu niên đến phòng cấp cứu cũng tăng mạnh vì mắc chứng lo lắng, rối loạn tâm trạng và tự làm hại bản thân. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), tỷ lệ tự tử ở lứa tuổi từ 10-24 tuổi đang ổn định từ 2000-07, bỗng năm 2018 tăng lên gần 60%! Sự suy giảm sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên do đại dịch COVID-19 là điều ai cũng biết, nhưng suy giảm đã xảy ra trước đó, không phân biệt chủng tộc, dân tộc, khu vực thành thị, nông thôn và phân hoá kinh tế xã hội.

Minh họa: amir-hosseini-unsplash

Những cảnh báo

Nhiều bệnh viện và tổ chức bác sĩ gọi đây là “Tình trạng khẩn cấp quốc gia” dựa vào bốn yếu tố: Tỷ lệ gia tăng của bệnh tâm thần, thiếu hụt nghiêm trọng chuyên viên trị liệu, các phương pháp điều trị không có sẵn và chưa có đủ nghiên cứu để giải thích xu hướng này.

Cuộc khủng hoảng sức khoẻ tinh thần thường được cho là do sự tràn ngập của các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, Instegram, TikTok; nhưng số dữ liệu qui tội cho chúng vẫn còn ít, lại không thống nhất và thường mâu thuẫn. Một số thanh thiếu niên dường như dễ bị tổn thương hơn bạn cùng trang lứa trước tác động của thời gian sử dụng thiết bị di động và mạng xã hội.

Nghiên cứu liên bang cho thấy lạm dụng mạng xã hội dẫn đến ngủ kém, lười tập thể dục thời gian dành cho bạn bè cũng giảm, trong khi tất cả đều rất quan trọng đối với sự phát triển lành mạnh của lứa tuổi teen, nhất là trong giai đoạn tìm tòi và xác định nhân cách. Những thiếu niên bị suy yếu nhận thức thường lo lắng, trầm cảm, có hành vi khó hiểu, tự làm hại bản thân, thậm chí tự tử. Gia tăng tỷ lệ rối loạn tâm thần đã đặt ra một câu hỏi khó trả lời: Vấn nạn này đã có sẵn nhưng nay mới được phát hiện hoặc bị thổi phồng lên? Nhìn lại lịch sử cũng không dễ trả lời, vì dữ liệu về chứng lo âu và trầm cảm của thanh thiếu niên, chỉ mới được thu thập trong hơn chục năm trở lại đây. Số ca cấp cứu vi tự tử ở tuổi vi thành niên tăng cho thấy rối loạn tâm thần đang dẫn đến hành vi nguy hiểm hơn.

Khổ vì con

Khi M bỏ đi, bà Linda và chồng nhận ra họ thuộc số cha mẹ hoang mang và đau khổ vì con cái. Bà đã nói chuyện với cha mẹ của những đứa trẻ rơi vào tình trạng tương tự. Trước đêm M bỏ trốn vào rừng, Linda bị chấn động khi nghe tin một cô gái địa phương tự tử chết. “Bạn không thể kiểm soát được những gì con cái đang nghĩ!” – Linda cảnh báo.

M là một trong số hàng chục thanh thiếu niên được tờ New York Times đưa một dự án kéo dài hàng năm để khám phá bản chất thay đổi của tuổi vị thành niên ở Mỹ. The Times được M và gia đình cho phép nói chuyện với cố vấn trường M học; xem hồ sơ y tế của M. Emily Pluhar, nhà tâm lý học trẻ em và vị thành niên tại Đại học Harvard, nhận định: “M là một bệnh nhân ngoại trú điển hình, một cô bé sống nội tâm”.

Năm nay 14 tuổi, cao, tóc đỏ và mắt xanh, M có một em gái và một anh trai cùng cha khác mẹ. Khi M được bốn tuổi, một nhà tâm lý học tư vấn cho gia đình để em vào mẫu giáo sớm vì “khả năng trí tuệ vượt trội”. Năm 10 tuổi, M được cha mẹ mua cho một chiếc điện thoại thông minh để tiện liên lạc. Lên 11 tuổi, M đã sớm dậy thì.

Trong hơn một thế kỷ qua, tuổi dậy thì của trẻ em gái đã giảm rõ rệt, từ 14 tuổi năm 1990 xuống 12 tuổi ngày nay. Con trai cũng thế. Theo các chuyên gia sự thay đổi này có thể đóng vai trò trong cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở tuổi vị thành niên hiện nay, dù nó chỉ là một trong nhiều yếu tố mà các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm hiểu xong. Khi bước vào tuổi dậy thì, não bộ trở nên quá nhạy cảm với các thông tin xã hội.

Laurence Steinberg, nhà tâm lý học tại Đại học Temple, nói: “Lúc đó những câu hỏi được các em đặt ra: Tôi là ai? Bạn của tôi là ai? Tôi phù hợp với vị trí nào? Tuổi dậy thì thấp đã tạo ra khoảng cách ngày càng rộng giữa luồng thông tin đi vào và khả năng xử lý chúng của não giới trẻ. Chúng bị cơn đại hồng thủy thông tin tấn công sớm hơn thế hệ cha ông!”.

Năm lớp sáu, M bắt đầu gặp rắc rối đầu tiên khi một giáo viên đề nghị nên kiểm tra chứng tăng động giảm chú ý (ADHD) của em. Lúc đó Linda và chồng Tony (đều là nhà khoa học trong lĩnh vực y sinh) không tin con họ bị như thế, dù theo CDC, số ca chẩn đoán ADHD ở Mỹ đã tăng 39% từ năm 2003-2016. Thay vào đó, Linda cố giúp M tập trung hơn bằng một ứng dụng mà phụ huynh và học sinh thường sử dụng để theo dõi bài tập, điểm kiểm tra và điểm số. Lúc đó, M cảm thấy bị cha mẹ đặt dưới kính hiển vi và mất tự do.

Minh họa: foad-roshan-unsplash

Cô đơn là nguyên nhân chính

Mùa Thu năm 2019, năm lớp Bảy, M gặp khó khăn về giao tiếp xã hội. Trong khi bạn bè sống sôi nổi, cô bé chỉ thích từ trường về nhà và lăn ra ngủ. M nói: “Có lúc tôi ngồi một mình trong phòng và khóc”. Nghiên cứu liên bang cho thấy 38% thanh thiếu niên ở độ tuổi trung học thú nhận từng quan hệ tình dục ít nhất một lần, so với khoảng 50% vào năm 1990. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh con ở tuổi teen lại giảm mạnh do chúng đã ý thức được việc ngừa thai.

Vào mùa Xuân năm 2020, M bắt đầu cách ly xa hơn với bạn bè. Hoang mang với lớp học trực tuyến thời Covid, M nói dối vẫn học bình thường, nhưng lại chúi mũi vào YouTube, ngấu nghiến một bộ anime có tên “Danganronpa”. Phim lấy bối cảnh tại một trường trung học, nơi các học sinh học được từ một hiệu trưởng độc ác, một con gấu, rằng cách duy nhất để tốt nghiệp là giết một… bạn học! Cô bé say mê nhân vật, Genocide Jack (đôi khi được gọi là Genocide Jill), người được mô tả trên một trang web của người hâm mộ là “tên sát nhân” dí dỏm, chuyên “giết những đàn ông đẹp trai” bằng… kéo!

Một đêm sau khi ăn tối, M lên trên gác dùng kéo cắt cả… hai mắt cá chân. M giải thích: “Tự giận bản thân mình là không làm bài tập của lớp học trực tuyến nên tôi dùng cảm giác đau đớn để tự trừng phạt. Nói chung, tôi muốn tự gây tổn thương bằng bất cứ thứ gì có sẵn!”. Các chuyên gia cho biết, nỗi ám ảnh về một nhân vật ảo không phải là hiếm. Nick Allen, nhà tâm lý học tại Đại học Oregon, nhận định: “M là một đứa trẻ cô đơn bị cuốn vào những câu chuyện”. Các chuyên gia cho biết, sự gia tăng nỗi cô đơn là một yếu tố chính dẫn đến suy giảm sức khoẻ tinh thần. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng lứa tuổi teen Mỹ và toàn thế giới thú nhận ngày càng cảm thấy cô đơn, ngay cả khi bùng nổ Internet và mạng xã hội.

Bế tắc

Bà Linda bắt đầu trò chuyện với các bậc cha mẹ khác, những người tự hỏi liệu những thách thức mà con cái họ đang đối mặt là hành vi thất thường của tuổi teen hay một căn bệnh tâm thần. Một đồng nghiệp kể với Linda về chứng rối loạn ăn uống của con gái chị. Một người mẹ tên Sarah tâm sự rằng con gái đang học cấp hai của bà cũng đang điều trị chứng lo âu và trầm cảm.

Một ngày vào mùa Thu năm 2020, khi đại dịch bùng phát, Linda thấy con gái nằm khóc nức nở trên giường và thú nhận… muốn chết. Hốt hoảng, người mẹ lên mạng tìm một chuyên viên trị liệu trực tuyến. Một ngày, Tony tìm thấy một con dao bỏ túi và một con dao có hình con mèo trên tay cầm mà M lén lút mua trên Amazon và đang sử dụng để tự làm hại. Tháng Hai, M được đưa vào liệu pháp nhóm. Một bác sĩ tâm thần tại phòng khám thông báo cho gia đình M thừa nhận với ông là không thể bỏ được niềm vui dùng kéo cắt chân tay.

M được chẩn đoán trầm cảm và kê đơn thuốc. Từ năm 2015-2019, số đơn thuốc chống trầm cảm đã tăng 38% ở lứa tuổi teen so với 15% ở người lớn, theo Express Scripts, một hiệu thuốc lớn bán thuốc qua thư. Sau đó, M được chẩn đoán mắc chứng rối loạn thiếu tập trung, không phải ADHD, và được kê đơn methylphenidate, tên chung của các loại thuốc gồm Ritalin và Concerta.

Trong khoảng thời gian đó, Linda nghe nói một cô gái tên là Elaniv Burnett bị chết vì dùng methylphenidate quá liều. Cô qua đời bốn ngày sau khi lạm dụng, ở tuổi 15. Vài tuần sau khi M trốn vào rừng, bà Linda vẫn còn bị ám ảnh bởi thảm kịch này. Khi con gái không đồng ý chỉ chỗ trốn trong rừng, Linda trở về nhà. Tony thay vợ đi tìm con và phát hiện M đi dọc theo một con đường mòn. Họ bước đi bên nhau trong im lặng và về nhà. M có vẻ tiến bộ hơn, lo lắng giảm dần và thường cùng với một người bạn đi bộ gần nhà hoặc đi dạo trong rừng. Nhưng vài tuần sau, một tin nhắn đầy tổn thương từ người bạn khiến M lại rơi vào tuyệt vọng. M lại dùng dao cạo râu cắt cả hai mắt cá chân. “Tôi không biết làm thế nào để ngăn chặn hành vi này” – M nói…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: