Nhà báo John Bowe (*) nói có nhiều người không sợ phát biểu và thuyết trình trước đám đông, nhưng lại thốt không ra lời khi nói chuyện phiếm.
Theo Bowe, việc nói chuyện với người lạ, tại nơi làm việc, trong thang máy, trong các buổi sinh hoạt xã hội, hoặc khi tham dự hội thảo kinh doanh, đòi hỏi một loại ứng biến can đảm mà nhiều người thấy khó khăn. Tuy nhiên, những người chinh phục được nghệ thuật trò chuyện ngẫu hứng sẽ gặt hái được thành quả.
Nghệ thuật… “tám” có lợi về mặt nghề nghiệp và xã hội, lành mạnh về mặt tinh thần, cảm xúc và thể chất, đặc biệt là vào thời điểm mà sự cô lập được xem như một yếu tố nguy cơ gây bệnh tim và đột quỵ. Một khi bạn đã thành thạo việc nói chuyện phiếm, bạn sẽ cảm thấy thú vị.
Những người giao tiếp tài năng thường được coi là bẩm sinh có sự duyên dáng và lôi cuốn, nhưng khả năng tham gia vào các tương tác tự phát là một kỹ năng mà ai cũng học được.
Để phá vỡ sự ngại ngùng với một người lạ có vẻ dễ mến, hãy nhẹ nhàng thực hiện ba bước sau:
Giữ bình tĩnh và hít một hơi thật sâu. Chỉ cần thừa nhận sự hiện diện của một người khác và đưa ra lời mời trò chuyện chẳng có gì phải ràng buộc.
Nếu nỗ lực trò chuyện xã giao không thành công, bạn sẽ nhanh chóng lấy lại tâm trí bình thường, thậm chí mạnh mẽ hơn vì đã nỗ lực.
Đôi khi bạn cảm thấy không thoải mái, khiến cho người trò chuyện với bạn cũng không hứng khởi, thế là cuộc nói chuyện phải thu ngắn lại. Nhưng dù sao, cả hai cảm thấy nhẹ nhõm khi có một người bạn đồng hành.
Khi bạn biết trước rằng cuộc trò chuyện đầu tiên sẽ hời hợt hoặc không chân thực, bạn có thể quyết định không đáng để thử. Đây là lý do tại sao: Mọi tình bạn sâu sắc và bền chặt đều bắt đầu bằng một vài cuộc trò chuyện phiếm.
Nếu bạn không lanh trí hoặc sâu sắc trong những khoảnh khắc tương tác đầu tiên, thì cứ để mọi chuyện xảy ra theo cách của nó. Bạn đang tạo ra sự kết nối, vậy cũng đủ rồi. Nếu bạn phải ép buộc hoặc thậm chí viết kịch bản cho những câu mở đầu của mình, thì cũng chẳng sao. Cách phổ biến và hiệu quả nhất để phá vỡ sự im lặng là bình luận hoặc đặt câu hỏi về môi trường xung quanh hoặc bối cảnh trực tiếp của bạn:
“Không thể tin được hôm nay mọi người có mặt ở đây đông quá nhỉ.”
“Bạn có quen ai ở đây không? Tôi thấy cũng có mấy gương mặt quen quen đó nhe.”
“Bạn thấy vui không?”
“Nghe bài hát này mình nhớ kỷ niệm xưa quá, còn bạn thế nào?”
Hãy nhớ, không có lời mở đầu nào trong số này giúp bạn giành được mọi trái tim, nhưng việc trao đổi với những lời xã giao, không có nghĩa là bạn hời hợt hay giả dối. Bạn đang tự chứng tỏ bản thân, nếu lời bạn nói không hay cho lắm, thì đã sao cơ chứ! Có chết thằng Tây nào đâu!
Những cuộc trò chuyện ban đầu có chủ đề về bất cứ điều gì, như thời tiết, thể thao, sở thích, công việc, thú cưng, gia đình,… hầu như bất kỳ điều gì ngoại trừ tôn giáo, chính trị hoặc những điều thầm kín. Bạn có thể tỏ ra hài hước, ngớ ngẩn, mỉa mai, kín đáo, bất cứ điều gì bạn thích, miễn lịch sự, ngắn gọn và không đòi hỏi.
Thật dễ dàng để bị phân tâm bởi lời bình luận bên trong của bạn: “Trời, tại sao mình lại nói câu đó! Ngốc quá! Chắc cô ấy ghét mình rồi!”
Khi bạn quá chú ý đến bản thân, cơ thể, lời nói của mình hoặc nhận thức của người khác về bạn, bạn sẽ làm giảm khả năng lắng nghe của mình. Bạn yêu cầu người này chú ý; bây giờ hãy dành sự chú ý của bạn cho họ. Tập trung vào những gì họ đang nói và cố gắng trực giác lý do tại sao họ nói như vậy. Mọi thứ khác sẽ đến một cách tự nhiên.
Bạn nên đặt câu hỏi, nhưng đừng thẩm vấn. Hãy cho phép bản thân tiếp thu lời họ nói. Cho phép người khác biết rằng bạn đang chú ý đến họ. Nếu bạn không suy nghĩ quá nhiều về một điều gì đó, bạn có nhiều khả năng nhận thức được môi trường xung quanh và lý do đã đưa bạn đến đây.
Hãy làm cho các bình luận của bạn phù hợp với thời điểm và kết nối với người mà bạn đang nói chuyện. Mọi thứ sẽ ổn thôi, bạn nhé!
(*) Huấn luyện viên diễn thuyết, nhà báo từng đoạt giải thưởng và tác giả của cuốn sách “I Have Something to Say: Mastering the Art of Public Speaking in an Age of Disconnection.”