Lá mơ – một loại cây dây leo được sử dụng phổ biến với vai trò là thực phẩm và cũng là vị thuốc chữa bệnh tốt cho sức khỏe.
Ngày trước, ông cha ta sử dụng lá mơ để điều chế thuốc, trị một số thể bệnh thường gặp trong cuộc sống. Công dụng của lá mơ ngày càng được chứng minh và ứng dụng rộng rãi.
Theo Đông y, lá mơ ngoài những tính vị như hôi, đắng, chát thì nó còn có tính sát trùng rất cao. Chính vì vậy, người ta thường sử dụng lá mơ như một vị thuốc tự nhiên có công dụng giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, đồng thời giảm hẳn các triệu chứng của bệnh viêm đại tràng như khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng, bụng hay sôi, đau bụng, đi ngoài…
Cách dùng, bạn lấy một nắm lá mơ, ăn sống hoặc giã nát vắt lấy nước cốt uống liên tục. Bạn sẽ cảm thấy đỡ hẳn các triệu chứng nói trên chỉ sau vài ngày.
Dân gian cũng dùng lá mơ trị bệnh kiết lị. Bệnh kiết lị là thể bệnh có biểu hiện đi ngoài phân dính máu, thậm chí có thêm cả chất nhầy nữa. Cách dùng, lấy một nắm lá mơ rửa sạch, thái nhỏ, trộn với trứng gà rồi áp chảo để ăn liên tục nhiều ngày, mỗi ngày ba lần là có thể cải thiện rõ rệt tình trạng bệnh.
Lá mơ cũng giúp tẩy giun hiệu quả, như giun đũa, giun kim. Bạn chỉ cần ăn lá mơ thường xuyên như ăn rau sống, hoặc dùng 30g lá mơ lông rửa sạch, giã lấy nước cốt và thêm muối vào để uống trước bữa sáng lúc bụng còn rỗng là được.
Lá mơ còn có công dụng lợi tiểu. Rất đơn giản, mỗi ngày bạn dùng một lần là sẽ có kết quả mỹ mãn. Cách dùng: lấy 15 – 60g lá mơ tươi, rửa sạch rồi sắc lấy nước uống.
Ngoài những công dụng hiệu quả trên đây, lá mơ còn có rất nhiều tác dụng khác nữa như điều trị tình trạng phong tê thấp, giảm các triệu chứng đau nhức xương khớp khó chịu; giúp chữa các vết thương mau lành; đánh bay cảm lạnh; kháng viêm, chống sưng; làm xẹp mụn nước, chữa các bệnh về da như giời leo, chàm; giúp cầm máu nhanh chóng; điều trị viêm tai giữa; chữa ho gà; giúp chắc khỏe xương khớp; hạn chế tình trạng co giật; cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ;…
Bạn cũng có thể dùng lá mơ để bổ sung hoạt chất kháng sinh tự nhiên và các dưỡng chất có lợi trong việc trong việc tiêu diệt vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, tái lập hệ vi sinh vật có lợi cho đại tràng cũng như đường ruột.
Bên cạnh đó, lá mơ còn cung cấp một lượng lớn chất xơ, alkaloid, paederin, carbohydrate cùng nhiều loại vitamin và khoáng tố thiết yếu. Chúng có tác dụng đào thải độc tố, ức chế phản ứng viêm trong đại tràng, đẩy nhanh tốc độ chữa lành các mô bị tổn thương và khôi phục chức năng cho đại tràng.
Tùy triệu chứng của mỗi người, bạn có thể dùng lá mơ bằng nhiều cách như ăn lá mơ tươi, như ăn rau sống; xay nhuyễn lá mơ, lấy nước ướng; dùng kết hợp với lá phèn đen; hầm với lóng heo;…
Công dụng thì nhiều, nhưng ăn lá mơ nhiều có tốt không? Ngoài những tác dụng tốt của lá mơ, các nhà khoa học cũng tìm thấy rất nhiều chủng vi khuẩn gây hại sức khỏe có trên lá mơ. Trong hàng triệu vi khuẩn đường ruột đó thì có đến 90% là không thể được làm sạch bằng cách rửa lá mơ bằng nước thông thường. Điều đó có nghĩa là, nếu bạn ăn lá mơ sống hoặc ăn quá nhiều lá mơ sẽ khiến cơ thể dung nạp một lượng lớn vi khuẩn gây hại.
Nghiên cứu của các chuyên gia sức khỏe cho thấy trong lá mơ có chứa khá nhiều chất tiêu hủy protein. Chính bởi vậy, loại lá này thường được sử dụng để ăn kèm với những thực phẩm giàu đạm để tiêu hủy bớt hàm lượng protein dung nạp vào cơ thể. Tuy nhiên, nếu trong các bữa ăn bình thường không có những loại thực phẩm quá giàu chất đạm thì việc ăn lá mơ nhiều đương nhiên là không tốt. Lá mơ lúc này sẽ làm giảm đáng kể hàm lượng protein mà cơ thể bạn có thể dung nạp cho các hoạt động sống.
Tuy có nhiều công dụng trị bệnh, bạn không nên tự ý ngừng uống thuốc hay các phương pháp điều trị do bác sĩ chỉ định.
Khi dùng lá mơ, bạn nên cẩn thận rửa sạch và ngâm trong nước muối trước khi ăn vì mặt lá mơ có nhiều lông nên thu hút sự phát triển của các vi sinh vật có hại. Nếu lần đầu sử dụng, bạn nên xoa một ít nước cốt lá mơ ra cổ tay và chờ xem có phản ứng gì lạ không, vì một số người có thể bị dị ứng với thành phần của lá mơ.
(tổng hợp)