Lô hội (nha đam) chữa ung thư?

Lô hội hay còn gọi là nha đam được cho là chữa được ung thư, và làm da mịn màng, trắng đẹp. Ở Đà Lạt, tôi trồng vài cây lô hội aloe vera, nhưng cũng có người buồn tay ngắt trộm một hai lá. Chỉ ngắt vài lá thì tôi ngờ rằng người hái trộm mang về làm đẹp.  Lô hội có làm đẹp được hay không thì tôi không biết, vì chưa thấy bằng chứng khoa học nào nói thế.

Còn về lá lô hội chữa được ung thư thì tin đồn tràn lan trên mạng. Tôi đã đọc nguyên quyển Cancer can be cured của tu sĩ Romano Zago, đọc ngọt xớt như đọc tiểu thuyết, chứ không khô khan như sách báo khoa học mà tôi thường đọc. Tôi tin vị tu sĩ này nói thật (theo cảm tính của ông), nhưng tôi không tin “cảm tính” của ông cho rằng, lô hội có thể chữa được ung thư. Sách của ông viết như một bút ký chứ không phải là sách khoa học với nhưng phương pháp nghiên cứu, cách làm, thống kê, biểu đồ, trích dẫn… nên không thuyết phục được tôi. Mặc dù, tôi nghĩ tu sĩ Romano chẳng có động cơ vụ lợi gì ở đây cả. Vụ lợi chăng là mấy tay làm thực phẩm chức năng mượn tên tuổi ông để múa máy.

Quyển “Có thể trị được ung thư” của tu sĩ Romano Zago (hình lô hội trên bìa sách là aloe arborescens)

Có cả muôn vàn tin đồn, quảng cáo nói chắc như… bắp, các chế độ ăn uống này nọ, hay thực phẩm chức năng chữa được tứ chứng nan y, tiểu đường, ung thư… Họ chỉ đưa ra vài trường hợp khỏi bệnh, còn những case thất bại không bao giờ đề cập tới. Thuốc chữa bệnh theo y học hiện đại phải đưa ra được chứng cớ, rất nhiêu khê, thành công bao nhiêu phần trăm, thất bại bao nhiêu, phản ứng phụ thế nào, dược động học… của thuốc, chứ không phát biểu và đăng vô tư như nhiều tờ báo.

Romano Zago là một tu sĩ dòng “Anh em hèn mọn” (Friars Minor), người Brazil. Ngoài triết học và thần học, ông còn có bằng cấp về văn học và ngoại ngữ Latin, Bồ Đào Nha, Pháp và Tây Ban Nha tại Giáo Hoàng Học Viện Rio Grande do Sul. Khi thi hành sứ vụ linh mục tại những khu ổ chuột ở Brazil, ông học được từ người dân ở đây cách dùng lá cây lô hội để trị ung thư, những người mà theo ông, họ không có tiền để đeo đuổi việc chữa bệnh theo y học hiện đại, đành phải quay về với “nhà thuốc của Chúa” (God’s pharmacy), dùng cây cỏ thảo dược thiên nhiên.

Sau này ông được bề trên điều sang Jerusalem và Ý để dạy tiếng Latin và triết học. Tại đây ông có nhiều cơ hội phổ biến bài thuốc lô hội, trao đổi kinh nghiệm với nhiều nơi áp dụng lô hội, và nhất là gặp gỡ các nhà khoa học để tìm hiểu thêm về cây lô hội một cách bài bản hơn. Năm 2002, ông xuất bản quyển Cancer can be cured. Vài năm sau ông xuất bản thêm quyển Aloe isn’t medicine and yet it… cures (Lô hội không phải là thuốc, nhưng chữa được bệnh), bản Anh ngữ. Trong quyển sau, ông giải thích thêm về các thành phần, và các bệnh khác mà lô hội có thể trị được.

Về quyển sách “Có thể trị được ung thư”

Điều có thể thấy ngay, đây không phải sách khảo cứu có tính khoa học về lá lô hội trong trị bệnh, hay ít ra cũng được viết một cách bài bản (cho người ngoài ngành), với thống kê, biểu đồ…, như quyển The China Study của Colin Campell nói về thực phẩm ảnh hưởng đến các bệnh thời đại (béo phì, tiểu đường, tim mạch…).

Sách được viết như quyển hồi ký, khoảng 260 trang, 12 chương. Phần phụ lục có lẽ là phần đáng chú ý nhất với những người có chuyên môn, trong đó thành phần hóa, đặc tính và công dụng của lá lô hội được trình bày ngắn gọn, có tính khoa học hơn, và có thêm mục lục tham khảo để có thể tìm hiểu sâu thêm, nếu muốn. Theo tác giả, lô hội có thể chữa nhiều loại ung thư: ung thư gan, tiền liệt tuyến, ung thư vú, bàng quang, bao tử, ung thư phổi, não, họng, ruột già… Ung thư phổi hơi khó, phải uống lâu hơn. Ung thư bạch huyết (lymphoma) là khó nhất. Ngoài ra, lô hội cũng chữa được các bệnh ngoài da, thấp khớp, viêm khớp…

Tu sĩ Romano Zago không phải là người nghĩ ra công thức lô hội+mật ong+rượu để trị ung thư. Trước ông đã có nhiều người làm, nhất là trong thế giới người nghèo. Nhưng ông là người có công quảng bá nó khi Châu Âu theo dõi và tìm hiểu thêm đặc tính và công dụng của lá lô hội. Nhiều người tin ông và làm theo, vì đó là lời nói của một tu sĩ thuộc dòng khổ tu, và nhất là việc làm của ông hoàn toàn không có động cơ thương mại. Lô hội, mật ong và rượu là những thứ rẻ tiền, dễ kiếm, và ông chỉ hướng dẫn người ta chế biến tại nhà.

Rải rác đôi chỗ trong sách, ông nói đến niềm tin siêu nhiên, vào Thượng đế, như thường thấy ở các tu sĩ, nhưng rồi ông khẳng định, niềm tin chỉ có giá trị nâng đỡ tinh thần, còn khỏi bệnh là do uống syrup lô hội đúng liều đúng cách. Các phương pháp thống kê, cũng như những chuẩn mực khác của một khảo cứu khoa học hoàn toàn không có trong quyển sách này.

Công thức syrup lô hội của Romano Zago

Nguyên liệu để làm syrup lô hội chỉ gồm lá lô hội, mật ong, và rượu. Nhưng bài thuốc lan truyền trong dân gian thì công thức mỗi nơi mỗi kiểu, liều lượng và cách dùng mỗi nơi mỗi khác, và nhất là người bệnh khi đó xem lô hội như chiếc phao cứu sinh cuối cùng, họ gia giảm đủ cách. Tác giả cũng thu thập và ghi chép lại trong sách, kèm hậu quả tốt hoặc xấu. Vì những ghi chép này khá dông dài, và cũng vì lý do… bản quyền, nên tôi không thể nêu hết ra đây.

Dưới đây là công thức chính thức mà tác giả khuyên dùng, và tóm tắt những gì ông hướng dẫn và giải thích.

– Lá lô hội tươi: 350 g

– Mật ong: 500 g

– Rượu: 40 – 50 ml

Ba thứ trên được đưa vào máy xay sinh tố, xay trộn trong vài phút. Đựng vào chai, đậy kín, tránh ánh sáng, và trữ trong ngăn mát tủ lạnh. Công thức này đủ dùng cho một đợt trị liệu, khoảng trên 10 ngày. Mỗi ngày uống ba lần (sáng, trưa, chiều), mỗi lần một muỗng canh. Uống khi bụng đói, khoảng 30 phút trước khi ăn. Lắc chai trước khi sử dụng.

Lá lô hội được xem là chứa các hoạt chất chính. Nên dùng lá từ cây trên dưới 5 tuổi. Lá từ cây non quá thì hiệu quả sẽ thấp. Hái lá vào sáng sớm, hoặc chiều tối, khi ánh nắng chưa đến hoặc đã dịu lại, và tốt nhất là hái sau cơn mưa một vài ngày. Rửa sạch lá, cạo hoặc gọt bớt răng cưa ở mép lá (để dễ xay), và cắt thành khúc nhỏ trước khi cho vào máy xay.

Mật ong được xem là phương tiện vận chuyển các hoạt chất trong lô hội tới khắp các bộ phận trong cơ thể. Nên dùng mật ong rừng hoặc mật ong nuôi. Rượu được dùng để hòa tan các hoạt chất trong lô hội, cơ thể mới hấp thu được. Có thể dùng các loại rượu qua chưng cất như whisky, cognac, tequilla hoặc rượu đế (thứ thiệt). Không dùng các loại rượu nhẹ lên men như bia, rượu vang, rượu mùi, rượu trái cây, nếp cẩm…

Sau khi dùng syrup lô hội đợt thứ nhất (khoảng hơn 10 ngày), tạm ngưng 7-10 ngày, đến bệnh viện để kiểm tra xem tình trạng bệnh có cải thiện hay không, ngưng phát triển hoặc tiếp tục xấu. Sau đó dùng lô hội thêm đợt thứ hai, cũng khoảng 10 ngày, rồi lại ngưng 7-10 ngày. Lá lô hội mà Romano Zago sử dụng là loại aloe arborescens. Còn cây lô hội phổ biến ở Việt Nam hiện nay là loại aloe vera. Trong số hơn 300 loài lô hội, tu sĩ Romano chỉ đề cập đến hai loại vera và arborescens cho mục đích chữa ung thư. Ông xem dùng lô hội vera là chấp nhận được.

Hiệu quả của “liệu pháp” Romano Zago thế nào?

Tu sĩ Romano đề cập đến ba tình huống xảy ra sau khi áp dụng bài thuốc syrup lô hội:

– Trường hợp 1, bệnh khỏi sau đợt uống đầu tiên. Dùng tiếp đợt hai để tăng cường điều trị và ngăn ngừa. Sau đó ngưng vài tháng và lại dùng tiếp thêm đợt nữa.

– Trường hợp 2, bệnh được chặn lại, nghĩa là không phát triển thêm. Uống tiếp thêm đợt hai, đợt ba, đợt bốn cách quãng như nêu trên.

– Trường hợp 3, bệnh tiếp tục diễn biến xấu hơn, tiếp tục đợt hai, đợt ba… Tới đợt năm thì tăng liều uống gấp đôi (hai muỗng).

Những giải thích của ông cho trường hợp 2 và 3 có tính khích lệ tinh thần nhiều hơn. Rất tiếc, ông không cho biết bao nhiêu phần trăm khỏi bệnh do uống syrup lô hội, nên hiệu quả vẫn chỉ là hư hư thực thực. Ông không yêu cầu người bệnh ngưng các phương pháp điều trị ung thư truyền thống (xạ trị, hóa trị…) khi dùng syrup lô hội, thậm chí ông còn cho rằng, lô hội làm giảm đi các tác dụng phụ do xạ trị, hóa trị đem lại. Những phát biểu của ông liên quan đến sức khỏe trong sách chưa được Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Hoa kỳ (FDA) đánh giá. Điều này ghi ở trang đầu quyển sách.

Đôi lời của người viết

Khoa học không phủ nhận đặc tính trị bệnh của lá lô hội. Khả năng chống ung thư, hay ức chế, ngăn chặn các mô tăng sinh bất thường (antineoplastic) nhờ vào các hoạt chất anthraquinone, kích thích miễn nhiễm do các phức polysaccharide như acemannan, chống ôxít hóa, enzyme, kháng khuẩn, kháng virus, kháng viêm… và phải kể thêm cả các chất dinh dinh dưỡng vitamin, khoáng, nguyên tố vi lượng… Những chất này nằm ở chất nhầy sệt (gel) và chất nhựa (latex) của lá lô hội.

Nhưng từ những nghiên cứu in vitro (trong phòng thí nghiệm), để ra được những phương thức điều trị hiệu quả có tính sòng phẳng như kháng sinh diệt vi khuẩn thì còn xa diệu vợi lắm. Với ung thư, dù là ung thư thứ gì đi nữa, vẫn còn là điều nhức nhối của nhân loại, nếu không phát hiện sớm. Giả dụ lô hội có chữa được ung thư thì cũng cần những thử nghiệm lâm sàng với quy mô nào đó mới đánh giá được. Rất tiếc, sách lại không đề cập đến vấn đề này.

Với khảo cứu đầy cảm tính trong Cancer can be cured thật khó lòng thuyết phục về mặt khoa học. Trong thâm tâm, tôi xem syrup lô hội của tu sĩ Romano Zago có tính hỗ trợ điều trị, chứ không có khả năng trị được ung thư. Nên nhớ rằng, tu sĩ Romano Zago khuyên nên dùng lá lô hội tươi, hái xong là đem làm thuốc liền, chứ không phải những chai lô hội thực phẩm chức năng chế biến sẵn. Từ sữa chua nha đam cho đến giấy vệ sinh lô hội, thế giới này lạm dụng nha đam lô hội cho mục tiêu thương mại nhiều lắm rồi.

Tôi cũng có người thân bị ung thư, và khi y học bó tay, tôi cũng “vái tứ phương”, từ máu rắn hổ đất cho đến lá đu đủ, và cả lô hội… Cũng được đôi ba ngày hy vọng, và rồi cũng phải kết thúc theo số mệnh. Tôi không có cơ hội chứng kiến lô hội trị được ung thư, nên rất tiếc, tôi không tin. Lợi ích của lô hội, nếu có, chỉ là hỗ trợ điều trị mà thôi. Khoa học cũng không khẳng định lô hội trị được ung thư, kể cả những bệnh khác như tiểu đường, HIV, xơ gan… mà nhiều quảng cáo gán cho lô hội chế ngự được. Tuyệt vọng thì cũng nên mua hy vọng, nhưng nên mua đúng cách, đúng tiền, chứ không phải mua lời ngon ngọt từ những người bán thực phẩm chức năng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: