Một phân tích mới quan trọng về hơn 50 nghiên cứu, với hơn 411,000 người lớn có độ tuổi trung bình gần 69, cho thấy việc thường xuyên sử dụng công nghệ kỹ thuật số có khả năng bảo vệ chức năng nhận thức khi chúng ta già đi.
Phát hiện này thách thức mối quan tâm rộng rãi về việc sử dụng công nghệ góp phần gây ra “chứng mất trí nhớ kỹ thuật số.”
Các nhà nghiên cứu từ Đại Học Texas tại Austin và Đại Học Baylor, có công trình được công bố trên Nature Human Behaviour, phát hiện ra mối liên hệ giữa việc sử dụng thường xuyên các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính và internet và khả năng giảm suy giảm nhận thức ở những người trên 50 tuổi.
Nghiên cứu này xuất hiện vào thời điểm các thiết bị kỹ thuật số trở nên dễ tiếp cận, với các cuộc khảo sát cho thấy việc sở hữu điện thoại di động gần như trở thành phổ thông và phần lớn sở hữu thiết bị thông minh. Kết luận của nghiên cứu dường như trái ngược với quan niệm phổ biến về việc sử dụng công nghệ thường xuyên làm xói mòn khả năng nhận thức. Thay vào đó, dữ liệu chỉ ra nó lại đóng vai trò trong việc bảo vệ sức khỏe não bộ ở tuổi già.
Bác Sĩ Leah Mursaleen từ Alzheimer’s Research UK nhấn mạnh bản chất toàn diện của nghiên cứu khi nó xem xét nhiều hiểu biết toàn quốc tế để tìm ra mối liên hệ giữa việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số và chức năng nhận thức. Bà nhấn mạnh về việc những phát hiện này thách thức các đề xuất trước đây về suy giảm nhận thức do công nghệ gây ra, thay vào đó đề xuất mối liên hệ tiềm ẩn với tốc độ suy giảm chậm hơn ở người lớn tuổi.
Đáng chú ý, một bộ phận đáng kể dân số người lớn tuổi trải qua một số mức độ suy giảm nhận thức. Nghiên cứu từ năm 2020 chỉ ra những rủi ro đáng kể trong suốt cuộc đời khi mắc chứng mất trí, với độ tuổi khởi phát trung bình khác nhau giữa các giới tính.
Bác Sĩ Mursaleen nêu ra khía cạnh đáng khích lệ của những phát hiện mới này, xét đến sự tích hợp sâu sắc của công nghệ vào cuộc sống hàng ngày, cho thấy các công cụ kỹ thuật số có liên quan đến sức khỏe não bộ được cải thiện trong những năm sau này. Tuy nhiên, bà cũng cho biết những hạn chế của nghiên cứu, như không thể đánh giá những thay đổi về mặt vật lý của não hoặc độ tuổi tiếp xúc với công nghệ ban đầu.
Những người đứng đầu nghiên cứu, Jared Benge và Michael Scullin, tập trung vào nghiên cứu gồm việc chẩn đoán nhận thức hoặc xét nghiệm chính thức. Kết quả của họ vẫn nhất quán ngay cả sau khi tính đến các yếu tố như tuổi tác, trình độ học vấn, thu nhập, tình trạng sức khỏe và lối sống. Hơn nữa, các nghiên cứu theo chiều dọc trong phân tích, theo dõi những người tham gia trung bình trong hơn sáu năm, cũng chỉ ra nguy cơ suy giảm nhận thức thấp ở những người sử dụng công nghệ thường xuyên.
Bác Sĩ Davide Bruno từ Đại Học Liverpool John Moores, mặc dù không tham gia vào nghiên cứu, thừa nhận nó kiểm soát cẩn thận các biến số và mang lại kết quả khả quan. Tuy nhiên, ông cũng nêu ra khả năng các khuynh hướng di truyền ảnh hưởng đến cả sự phục hồi nhận thức và dễ dàng sử dụng công nghệ. Ông khen ngợi các tác giả vì thừa nhận những hạn chế của nghiên cứu và đồng tình với nhu cầu tìm hiểu sâu xa hơn, đặc biệt về các loại hoạt động kỹ thuật số có lợi nhất cho não bộ.
Mặc dù nghiên cứu không giải thích rõ ràng cơ chế bảo vệ của công nghệ kỹ thuật số đối với nhận thức, nhưng các nhà khoa học đề xuất công nghệ này hỗ trợ các chức năng quan trọng như trí nhớ, tổ chức và tương tác xã hội – tất cả đều góp phần duy trì sức khỏe não bộ. Họ nêu lên tầm quan trọng của việc tìm hiểu kỹ càng để hiểu đầy đủ mối quan hệ phức tạp giữa việc sử dụng thiết bị kỹ thuật số và sức khỏe nhận thức lâu dài.
Khi thế hệ đầu tiên lớn lên cùng công nghệ số bước vào tuổi già, nghiên cứu này đưa ra góc nhìn tương phản về nỗi sợ suy giảm nhận thức liên quan đến công nghệ, cho thấy tiềm năng của việc duy trì kết nối kỹ thuật số có lợi cho những bộ não đang bị lão hóa.