Nền kinh tế “shrinkflation” – Khi bạn bị ăn gian từng gói kẹo

Minh họa: the-organic-crave-unsplash

Kích cỡ và trọng lượng sản phẩm bị giảm nhưng giá không đổi – đó là trò ma mãnh quen thuộc của nhiều nhà sản xuất, thuộc về cái mà người ta gọi là “shrinkflation”.

Giá cả tăng là mối quan tâm hàng đầu của cử tri sắp bước vào cuộc bầu cử 2024 và nhiều người trong số họ đổ lỗi cho Tổng thống Joe Biden về lạm phát. Tuy nhiên, một số nhà lập pháp và cả Tổng thống Biden lại đang nhắm vào “shrinkflation”. Biden nói: “Một số công ty đang cố kiếm lợi nhuận nhanh bằng cách thu nhỏ sản phẩm từng chút một và họ hy vọng người tiêu dùng không chú ý… Tôi kêu gọi các công ty chấm dứt việc này.”

Ngày 28 Tháng Hai 2024, Thượng nghị sĩ Bob Casey (Dân chủ, Pennsylvania) đã giới thiệu một dự luật (Shrinkflation Prevention Act) nhằm chống lại tình trạng nhiều mặt hàng gia dụng phổ biến như ngũ cốc, khoai tây chiên, chất tẩy rửa, bánh quy và giấy vệ sinh bị teo tóp nhưng giá không giảm. Dự luật hiện đối mặt một trận chiến khó khăn tại Quốc hội bởi sự phản đối của Đảng Cộng hòa. Dự luật Bob Casey trao cho Ủy ban Thương mại Liên bang và các luật sư tiểu bang quyền hạn chung để xử lý những công ty láu cá “ăn gian” bằng cách rút bớt “ruột” nhưng không giảm giá. Với nhiều người, đó là hành vi lừa đảo.

Cơ quan Thống kê Lao động Hoa Kỳ (The Bureau of Labor Statistics) cho biết, giấy gia dụng (household paper product), đồ ăn nhẹ (snack), cà phê, trà và tã lót là nhóm sản phẩm bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi “shrinkflation”. Cụ thể, gói Double Stuf Oreos dành cho gia đình đã giảm kích thước 6% tính theo trọng lượng, nhưng nhà sản xuất Mondelez vẫn tính mức giá tương tự – theo một ví dụ từ báo cáo vào Tháng Mười Hai 2023 của Bob Casey.

Báo cáo Casey cho thấy các sản phẩm giấy gia dụng như giấy vệ sinh (toilet paper) và khăn giấy (paper towel) đắt hơn 34.9% trên mỗi đơn vị so với Tháng Giêng 2019. Trong thực tế, trò “shrinkflation” không mới. Người bán đã âm thầm “rút ruột” sản phẩm để tránh tăng giá trong nhiều thế kỷ nay. Các chuyên gia cho biết “shrinkflation” bắt đầu trở thành một chiến lược rõ ràng nhất khi vào năm 1988, hãng Chock Full o’Nuts lẳng lặng giảm hộp cà phê nặng 1 pound xuống còn 13 ounce và các đối thủ cạnh tranh bắt đầu thực hiện theo.

Minh họa: franki-chamaki-unsplash

Ngày 11 Tháng Giêng 2024, Bob Casey đã gửi thư tới GAO (Government Accountability Office), kêu gọi kiểm tra “tác động của lòng tham doanh nghiệp đối với người tiêu dùng”. Casey, chủ tịch Tiểu ban Y tế, Giáo dục, Lao động và Lương hưu của Thượng viện, cũng đồng giới thiệu một dự luật vào đầu tháng này do Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren (Dân chủ, Massachusetts) đứng đầu, nhằm tạo ra một lệnh cấm liên bang việc tăng giá quá mức hoặc khoét giá (price gouging).

Dự luật Bob Casey cũng ủy quyền cho FTC và tổng chưởng lý tiểu bang theo đuổi các vụ kiện dân sự nhằm vào các tập đoàn ma mãnh “áp dụng” cái gọi là “shrinkflation”. Dự luật Casey có bảy nhà đồng bảo trợ thuộc Dân chủ: Thượng nghị sĩ Tammy Baldwin ở Wisconsin, Elizabeth Warren ở Massachusetts, Jacky Rosen ở Nevada, Cory Booker ở New Jersey, Sheldon Whitehouse ở Rhode Island, Sherrod Brown ở Ohio, Patty Murray ở Washington và Thượng nghị sĩ (độc lập) Bernie Sanders thuộc Vermont.

Cần nói thêm, năm 2021 và 2022, các công ty đã tăng mạnh giá để bù đắp chi phí do chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 cùng tình trạng thiếu lao động. USA Today ngày 28 Tháng Hai 2024 cho biết, trong khi giá tiêu dùng tăng 14% từ Tháng Bảy 2020 đến Tháng Bảy 2022, lợi nhuận doanh nghiệp tăng 75% trong cùng thời gian. Theo công ty nghiên cứu thị trường FactSet, tỷ suất lợi nhuận ròng của các công ty S&P 500 đạt đỉnh 13% vào mùa Xuân 2022. Đó cũng là thời điểm nhiều công ty tăng giá. Năm 2022, Unilever – hãng sản xuất kem Ben & Jerry, sốt mayonnaise Hellman và các mặt hàng chủ lực khác trong gia đình – đã tăng giá trung bình 13.3% vào năm 2022, theo Associated Press.

Đối mặt phản ứng của người tiêu dùng, năm 2023, Unilever chỉ tăng giá 2.8%; nhờ vậy, doanh số bán hàng tăng 1.8%. Tuy nhiên, cùng lúc, ngày càng có nhiều công ty chuyển sang trò rút bớt “ruột” sản phẩm. Ngoài ra, các công ty cũng không giảm giá ngay cả khi giá nguyên liệu sản xuất giảm. Cụ thể, giá tã lót đã tăng hơn 30% kể từ năm 2019, báo cáo Groundwork cho biết, một phần do giá bột gỗ (nguyên liệu thô sản xuất tã lót) đã tăng 87% trong hai năm. Tuy nhiên, năm 2023, giá bột gỗ giảm 25% và giới nhà sản xuất vẫn giữ giá “ổn định”, giúp họ mở rộng tỷ suất lợi nhuận thay vì giúp người tiêu dùng giảm chi phí sinh hoạt.

Lindsey Owens, giám đốc điều hành Groundwork Collaborative, một nhóm nghiên cứu chính sách kinh tế, cho biết FTC (Federal Trade Commission) có thể yêu cầu các công ty phải ghi rõ trên bao bì khi họ giảm kích thước hoặc trọng lượng sản phẩm nhưng tính giá tương tự. Theo một bài viết từ Cơ quan Thống kê Lao động, người tiêu dùng thường nhận thức rõ hơn về sự thay đổi giá hơn là thay đổi kích thước; và tâm lý chung này đã dẫn đến hiện tượng giới sản xuất “ăn gian”, đặc biệt khi người tiêu dùng thường không so sánh kích cỡ sản phẩm.

Như trong bài viết trên The New York Times ngày 1 Tháng Ba 2024, các hãng sản xuất có nhiều trò láu cá để giảm ruột sản phẩm. Không phải tất cả thay đổi về kích thước đều được tạo ra như nhau. Một số được thực hiện bằng trò “đánh lừa thị giác”, chẳng hạn tăng kích thước vết lõm ở đáy lọ hoặc cạo các góc của thanh xà phòng.

Nailya Ordabayeva, phó giáo sư tại (trường Kinh thương) Tuck School of Business thuộc Đại học Dartmouth, cho biết người tiêu dùng khó nhận ra thay đổi kích thước khi sản phẩm được “bóp” theo ba chiều. Bà giải thích, bộ não chúng ta được lập trình để quan sát sự vật theo cách đơn giản hơn. Ngoài ra, bà lưu ý, người tiêu dùng đôi khi xuề xòa sẵn sàng chấp nhận số lượng nhỏ hơn hoặc thậm chí thích ít hơn trong một số trường hợp; chẳng hạn các sản phẩm đồ ăn vặt đôi khi được thu nhỏ để giảm lượng calo.

Dù thế nào, khi các công ty chỉ quan tâm lợi nhuận chứ không phải người tiêu dùng, một số chuyên gia định giá tin rằng tình trạng “shrinkflation” kéo dài có thể khiến người mua hàng tẩy chay sản phẩm vì họ nhận thức rằng mình bị lừa. Khi chi phí nguyên liệu thô tăng và lạm phát là vấn đề nóng thì người tiêu dùng có thể “thông cảm” với nhà sản xuất khi họ mua một gói snack bị rút ruột mà giá không đổi. Tuy nhiên, khi lạm phát nhìn chung đã hạ nhiệt, như hiện tại, thì người ta không còn dễ dàng chấp nhận trò láu cá vặt như vậy. Cần nhắc lại, sau khi đạt đỉnh 9.1% vào Tháng Bảy 2022, lạm phát đã giảm xuống còn 3.1% tính đến Tháng Giêng 2024.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Matcha
Trong những năm gần đây, một loại trà xanh đặc biệt, được gọi là matcha trở nên phổ biến, một phần vì loại trà rất có lợi cho sức khỏe.…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: