Làm thế nào để ngừng la mắng con cái và tại sao phải làm như thế. La hét khiến cả hai bên đều cảm thấy khó chịu. Vì vậy nên có phương pháp giao tiếp khác nhẹ nhàng hơn mà vẫn mang lại kết quả mong muốn.
Hiểu khoa học của hành vi la mắng
The Washington Post kể: Một ngày của Gwenna Laithland không thể tệ hơn được nữa. Xe bị hỏng. Công việc không suôn sẻ. Khi về đến nhà, thấy con gà định nấu cho bữa tối bị hỏng do để ngoài tủ lạnh cả ngày, chị đã thấy “nóng” trong người. Giữa lúc đó, đứa con gái sáu tuổi thốt lên câu gì đó hoặc làm điều gì đó khiến chị nổi điên, hét lên một tiếng. Đến bây giờ Laithland vẫn không hiểu lý do tại sao chị lại làm như thế! Phản ứng của đứa con là điều khiến chị ân hận, buồn bã nhiều ngày và không thể nào quên.
Nhiều nhà nghiên cứu đã tìm hiểu lý do khiến động vật (gồm cả con người) phát ra những âm thanh “thô ráp” có âm vực cao hơn được gọi là la hét để đáp lại những kích thích nhất định. Một nghiên cứu từ một nhóm các nhà thần kinh học tại Đại học New York cho thấy tiếng hét là loại âm thanh riêng biệt kích thích hạch hạnh nhân và vùng não phản ứng với sự sợ hãi.
Trong khi giọng nói bình thường có tần số khoảng 4-5 Hertz (Hz, đơn vị tần số đo âm thanh) thì tiếng la hét lên đến 30-150 Hz! Khi phát các mẫu âm thanh từ nhiều nguồn khác nhau (lời nói bình thường, nhạc cụ, báo thức, tiếng la hét), báo động và tiếng hét được ghi có tần số cao hơn. Sau đó, nhóm nghiên cứu theo dõi hoạt động não của các đối tượng khi họ nghe từng âm thanh để xem hạch hạnh nhân có phản ứng mạnh hơn với tiếng la hét và báo động.
Nhìn từ góc độ tiến hóa, tiếng hét được xem là để cảnh báo con người về mối nguy hiểm hoặc mối đe dọa sắp xảy ra. Một nghiên cứu khác của các nhà nghiên cứu tại Đại học Geneva ở Thụy Sĩ cũng có kết quả tương tự, trong đó những người tham gia phản ứng nhanh hơn với những giọng nói được xem là đe dọa hoặc hung hăng. Việc bố mẹ la mắng con cái không hẳn đã liên quan đến sự an toàn của trẻ (như trẻ chạy ra đường xe cộ hoặc gần chạm vào bếp lò nóng), nhưng phản ứng của não bộ lại khá giống nhau.
Vì vậy, la hét thường xuyên có thể gây hại và có các nghiên cứu chỉ ra, trẻ em thường xuyên nghe những lời nói khắc nghiệt hay la mắng có nguy cơ bị trầm cảm và các vấn đề tiêu cực khác về hành vi. Laithland (đã có hai con sống tại Norman, Oklahoma) nhớ lại: “Tôi bị mất bình tĩnh. Con bé cắn môi để không phát ra tiếng khóc. Nó xử lý cảm xúc tốt hơn tôi nhiều dù tôi là người lớn. Bài học tôi học được là: Cao giọng không phải là giải pháp!”.
Ngay cả những bậc cha mẹ thâm trầm hay biết tiết chế cảm xúc cũng không tránh khỏi có lúc la mắng con cái, đặc biệt khi nhìn thấy những hành vi không thể được chấp nhận hoặc làm không đúng chỉ dẫn của con mình. Lisa Weed Phifer, chuyên gia về phản ứng cảm xúc tại Fairfax County Public Schools ở Virginia và là đồng tác giả cuốn “Parenting Toolbox: 125 Activities Therapists Use to Reduce Meltdowns, Increase Positive Behaviors & Manage Emotions” giải thích:
“Khi nhận ra la hét là phản ứng không tốt với hành vi của trẻ, cha mẹ sẽ sửa đổi, đặc biệt là trong những lúc căng thẳng. Điều quan trọng là phải tìm ra nguyên nhân quát mắng. Có phải là do cách giao tiếp mẹ con? Hay do căng thẳng trong công việc? Chúng ta la hét như một phản ứng cảm xúc trước sự căng thẳng. Tìm xem những gì đã dẫn đến căng thẳng tại nơi làm việc hoặc sinh hoạt sẽ giúp chúng ta làm chủ nó. Nếu bạn bảo con cái nhặt thứ gì đó lên nhiều lần mà chúng không nghe khiến bạn phải cao giọng thì chưa hẳn cách này sẽ mang lại kết quả tốt hơn. Khi ở trong trạng thái cảm xúc và căng thẳng, chúng ta khó lòng giải quyết được vấn đề hay nhận được điều mình muốn”.
Hãy tiết chế âm lượng
Jazmine McCoy, nhà tâm lý học lâm sàng và là mẹ hai con ở Sacramento, California nêu ý kiến:
“Ngoài việc giải quyết tâm trạng của chính mình, cha mẹ nên đưa ra những thông điệp rõ ràng và trực tiếp cho con cái để giảm thiểu việc phải la hét. Thay vì cao giọng ‘tại sao con không đi đổ rác?’, hãy đặt ra mốc thời gian rất rõ ràng, như bảo con nên đổ rác trước khi đi chơi. Tôi luôn khuyên cha mẹ nên chú ý đến sự hướng dẫn và tránh làm cho trẻ bị phân tâm vì tiếng hét. Giao tiếp bằng mắt và hạ thấp âm vực (đặc biệt là trẻ nhỏ) trước khi đưa ra hướng dẫn rõ ràng. Khả năng trẻ làm theo bạn là rất cao. Hãy nhớ, con bạn không cố tình tảng lờ mà có thể chúng đang quá tập trung vào đồ chơi, trò chơi, tivi hoặc bài tập về nhà”.
McCoy gợi ý các bậc cha mẹ nên tự tìm nguyên nhân gây ra tiếng hét của (do căn phòng bừa bộn, giận dữ, trẻ kén ăn hay chỉ là không chịu lắng nghe). “Đôi khi chúng ta cảm thấy la hét là cách duy nhất thu hút sự chú ý của con cái. La hét có thể có tác dụng trong thời gian ngắn nhưng nếu tái diễn mãi sẽ làm xói mòn mối quan hệ, niềm tin giữa hai mẹ con”.
Đó là hệ quả mà Christi Rammel, một bà mẹ ở Centerville, Ohio, muốn tránh. Giống như nhiều bậc cha mẹ thuộc thế hệ Millennial và Thế hệ X, chị lớn lên với việc bị đánh đòn và la hét như một quy chuẩn trong gia đình nên đã quen. Nhưng lúc có con thì khác. “Khi tôi nhìn thấy con bé thu mình trong góc vì bị mẹ mắng, tôi đã tự hỏi: Cha mẹ kiểu gì thế này? Và tôi quyết định không bao giờ giống cha mẹ tôi nữa” – chị nói. Những câu chuyện buồn từ những đứa trẻ bị lạm dụng khi Rammel còn là y tá tại một bệnh viện nhi cũng được chị liên hệ với phản ứng của chính con mình mỗi khi bị la mắng.
Đã là mẹ của bốn con, mục tiêu của Rammel là biến ngôi nhà gia đình thành một nơi an toàn để các con bày tỏ cảm xúc. “Trẻ em cũng có những ngày tồi tệ giống người lớn. Tôi nhắc nhở bản thân hàng ngày con cái cũng là con người và chúng vẫn đang học hỏi” – chị bộc bạch. Người mẹ một con Yolanda Williams sống ở Sherwood, Arkansas đưa ra lời khuyên: “Nếu bạn thấy mình sắp hét lên, hãy hít một hơi thật sâu và nhủ thầm: Được rồi, có lẽ chúng đang bận! Nếu bạn đang gọi tên con mình và chúng không trả lời, hãy tự đi đến và bắt chuyện với chúng. Hãy thay đổi cách giao tiếp”.
Williams lớn lên trong một ngôi nhà có bố mẹ thường xuyên la mắng con cái nên chị nghĩ mình sẽ nuôi dạy con theo cách tương tự cho đến khi mang thai và nghiên cứu sự phát triển trí não của trẻ và cách nuôi con. Phương pháp nhẹ nhàng hoặc nuôi dạy con tích cực đã đến với chị và chị muốn giúp các bậc cha mẹ khác khám phá cách tiếp cận như mình.
Williams nói: “Chúng ta không còn ở thập niên 1980 nữa. Hãy đối xử tôn trọng với con”. Laithland có lời khuyên cuối cùng: “Không có cha mẹ hoàn hảo và không có chuyên gia nuôi dạy con cái nào. Bạn chính là chuyên gia giỏi nhất về những đứa con mình. Đôi khi khả năng lắng nghe và phản ứng của con có thể nhờ việc lên giọng của bạn nhưng nó sẽ khiến chúng sợ hãi và xa lánh. Không có bậc cha mẹ nào mong như thế”.