Theo Bác Sĩ Mark Travers – một nhà tâm lý học về mối quan hệ với nền tảng học thuật xuất sắc từ Cornell University và University of Colorado Boulder, nhà tâm lý học hàng đầu tại Awake Therapy, một nền tảng chăm sóc sức khỏe từ xa, đưa ra những hiểu biết sâu sắc về thực tế của hôn nhân – mặc dù hôn nhân thường được lý tưởng hóa, nhưng thành công của nó phụ thuộc vào việc giải quyết những thách thức sau khi cưới bằng những kỳ vọng thực tế.
Travers, rút ra từ kinh nghiệm sâu rộng của mình trong việc tư vấn cho các cặp đôi, nêu bật năm sự thật quan trọng thường chỉ trở nên rõ ràng sau những biến động đáng kể trong các mối quan hệ. Ông nói việc hiểu và chấp nhận những sự thật này ngay từ đầu sẽ cải thiện đáng kể độ bền của một cuộc hôn nhân.
Đầu tiên, ông bác bỏ quan niệm hai người yêu nhau là đủ. Mặc dù tình yêu cung cấp nền tảng, nhưng nó không tự động giải quyết được những khác biệt cơ bản trong giao tiếp, giá trị hoặc mục tiêu sống. Ông lập luận rằng cam kết bền vững, nỗ lực nhất quán và sẵn sàng thích nghi cũng rất quan trọng. Những lựa chọn hàng ngày mà các cặp đôi đưa ra, chẳng hạn như cách họ xử lý xung đột và hỗ trợ sự phát triển lẫn nhau, thể hiện rõ sức mạnh của hôn nhân hơn chỉ riêng cảm xúc lãng mạn.
Travers cũng đề cập đến tính tất yếu của xung đột. Ông thách thức quan niệm sai lầm về việc nếu các cặp đôi hợp nhau thì không cãi nhau, nhấn mạnh rằng xung đột không chỉ bình thường, mà còn cần thiết để “tháo gỡ” các khúc mắc tiềm ẩn. Xung đột mang tính xây dựng, đặc trưng bởi sự giao tiếp cởi mở và tôn trọng lẫn nhau, thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc và giải quyết các vấn đề. Ông khuyên không nên đổ lỗi, cản trở nhau, mà hãy nên tạo ra một không gian an toàn nơi đôi bên có thể bày tỏ nhu cầu và mối quan tâm của mỗi người một cách trung thực.
Ngoài ra, ông cảnh báo không nên mong đợi cho người kia đáp ứng mọi nhu cầu. Ý tưởng chỉ có một người hỗ trợ về mọi thứ là không thực tế và có nguy cơ dẫn đến sự oán giận. Theo ông, việc duy trì bản sắc cá nhân, sở thích và tình bạn bên ngoài hôn nhân cũng rất mật thiết. Điều này thúc đẩy cảm giác hoàn thiện bản thân và ngăn chặn mối quan hệ trở nên “ngột ngạt.” Một cuộc hôn nhân lành mạnh được xây dựng trên nền tảng của hai người hoàn thiện.
Travers cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì một mối quan hệ tình cảm. Ông so sánh hôn nhân với “một phương tiện cần bảo dưỡng thường xuyên,” vì những đòi hỏi của cuộc sống có thể dễ dàng đẩy mối quan hệ xuống hàng thứ yếu. Ông ủng hộ việc thường xuyên theo dõi và kiểm tra để bảo đảm mối quan hệ vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Cuối cùng, ông đề cập đến tính tất yếu của sự thay đổi cá nhân. Ông giải thích rằng mỗi cá nhân phát triển theo thời gian và việc nghĩ người kia vẫn không thay đổi là điều không thực tế. Những đôi thành công nhất chấp nhận những điều mới mẻ này, coi đó như những cơ hội để cùng nhau phát triển. Họ tìm ra những cách mới để kết nối và hỗ trợ nhau khi cuộc sống và các ưu tiên của họ không còn như xưa nữa. Điều này liên quan đến việc cởi mở với những trải nghiệm mới và cho nhau không gian để phát triển mà không cảm thấy bị kìm nén. Theo Travers, khả năng thích nghi và cùng nhau phát triển góp phần tạo ra một cuộc hôn nhân thịnh vượng và lâu dài.