Khi những người lừa đảo ngày càng trở nên lộng hành khắp trên mạng và qua tin nhắn văn bản cũng như cuộc gọi điện thoại, một số người quyết định chống trả bằng cách “lấy độc trị độc.”
Năm chuyên gia nói chuyện về việc lừa lại kẻ gian có phải là một ý tưởng tốt hay không và những rủi ro của hành động này.
Trong các video mới lan truyền trực tuyến, những nạn nhân lên tiếng chống lại những người lừa đảo cố gắng đảo ngược tình thế để giải trí.
Người Mỹ mất hàng tỷ đôla mỗi năm vào tay những kẻ gian, với Ủy Ban Thương Mại Liên Bang báo cáo chỉ riêng trong năm 2022, có khoảng $8.8 tỷ bị đánh cắp do tính bất cẩn và nhẹ dạ.
Những vụ lừa đảo diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng trong những tháng gần đây, một số người dùng mạng xã hội chống lại họ theo nhiều cách độc đáo.
Trong một video lan truyền, người dùng TikTok @TheaFryknas nói chuyện với một kẻ lừa đảo qua điện thoại. Khi anh ta hỏi số thẻ và tên của cô ấy, cô này trả lời bằng giọng nói trên sóng và nói: “Ba, hai, một… Chào buổi tối. Chúng tôi đang trực tiếp trên truyền hình để điều tra những kẻ gọi điện lừa đảo. Chúng tôi có FBI trực tuyến. Họ đang theo dõi số điện thoại này khi đôi bên nói chuyện. Thưa ông, tên đầy đủ của ông là gì?”
Khi kẻ gian ngay lập tức cúp máy, người dùng TikTok này có một tràng cười thỏa chí.
Hàng nghìn người bình luận về video, một người viết: “Chị ơi, tôi biết anh chàng này đang căng lắm đó.” Một người khác ghi: “Chắc anh này sẽ mất ngủ trong nhiều ngày.”
Trong một video khác, người dùng TikTok @ZarTheStarComedy nói chuyện với một người lừa đảo khác qua điện thoại. Khi người gọi nói với cô ấy tên của anh ta là “Anderson Parker từ Global Services,” cô khen tên của anh ta đẹp. Anh bảo đây là tên của người Ireland và anh ấy đến từ Ireland. Anh chàng nói mình có $10,000 và muốn tặng cho cô ấy, đòi xin số An Sinh Xã Hội và số thẻ tín dụng của cô để gửi tiền.
Hoàn toàn nhận thức được trò lừa đảo, người tạo nội dung nói: “Ôi trời. $10,000 ư? Người Ireland tốt bụng quá… Tôi không biết mình làm gì để xứng đáng nhận được số tiền này. Cuộc sống của tôi thật khó khăn. Bạn trai cũ của tôi là một gã nghiện ngập. Hắn lừa tôi, trong khi tôi rất xinh mà. Anh có email không? Tôi sẽ cho anh xem ảnh của tôi. Rất hút hồn đó nha.”
Sau đó, tay lừa đảo nói lời “chia buồn” (vì bị người yêu lừa) và tiếp tục hỏi số An Sinh Xã Hội của cô ấy. Nhưng @ZarTheStarComedy “câu giờ,” yêu cầu anh ta hát một bài nhạc thể loại Bollywood, rồi “đánh trống lảng” qua chuyện khác.
Trong khi những clip này đang được ghi lại và tải lên trực tuyến thường xuyên, một số người lo ngại về độ an toàn của chính người post, khi giao dịch với những kẻ lừa đảo.
Một số chuyên gia tài chính cho biết sẽ chẳng mất mát gì nếu bạn lừa một kẻ gian, miễn sao bạn giữ kín mọi thông tin mật của mình, như tên thật, số An Sinh Xã Hội, thông tin thẻ tín dụng hoặc tài khoản ngân hàng, bất kỳ thông tin nào khác liên quan đến tiền bạc hoặc danh tính. Tuy nhiên, nếu bạn nói chuyện với một kẻ lừa đảo, vẫn có khả năng bạn vô tình tiết lộ thông tin về bản thân. Do đó, một số chuyên gia về tội phạm mạng khuyên mọi người nên chặn ngay khi phát hiện ra mình đang bị kẻ khác khai thác để lừa.
Truman Kain, nhà nghiên cứu bảo mật tấn công tại Huntress, chia sẻ với Newsweek việc ”trả thù kẻ lừa đảo” thường do những người có kỹ năng an ninh mạng chuyên nghiệp thực hiện vì rủi ro của hành động này là khá cao.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy bạn đang giao tiếp với kẻ gian qua tin nhắn, gọi điện thoại hay email. Hầu hết các vụ lừa đảo dễ dàng nhận biết được là những tin nhắn đáng ngờ nói nạn nhân cần phải trả một số tiền nhất định ngay lập tức hoặc có nguy cơ bị trừng phạt theo luật định. Trong một số trường hợp, kẻ lừa yêu cầu một số tiền nhỏ để thanh toán một khoản phí cầu đường hoặc đưa ra giải thưởng lớn nếu người dùng chia sẻ số cá nhân hoặc số tài khoản ngân hàng.
Chủ yếu là những người này yêu cầu thông tin của bạn hoặc gửi một liên kết đáng ngờ và cấp bách, muốn bạn chia sẻ thông tin cá nhân của mình ngay lập tức. Gặp những cú điện thoại như vậy, tốt nhất là cúp máy ngay, cho lành!