Phát bệnh vì phải chờ lịch hẹn gặp bác sĩ

(Hình minh họa: Usman Yousaf/Unsplash)

Mary Phạm không thể đặt lịch hẹn với bác sĩ thần kinh sau cơn đột quỵ cho đến Tháng Năm năm 2026. Cô cũng có một cái hẹn gặp bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, nhưng tận đến Tháng Mười Một. “Không được gặp bác sĩ trong khi sức khỏe của tôi có vấn đề, nhiều khi tôi lo phát… bệnh thêm,” Mary nói.

Khó khăn để được gặp bác sĩ là một trong nhiều vấn đề của hệ thống chăm sóc sức khỏe Hoa Kỳ. Mỹ và một số quốc gia khác như Canada, Úc,… bệnh nhân có khi phải đặt hẹn trước nhiều tháng mới đến lịch khám. Đặc biệt là bác sỹ chuyên khoa như thần kinh, tai mũi họng hay tim mạch.

Mary không phải là cá biệt. Trong một chuỗi bài đăng trên mạng xã hội gần đây, hàng chục người, thậm chí cả những người mắc bệnh nghiêm trọng, đang nói về khoảng thời gian chờ đợi quá dài bất thường để được hẹn khám với bác sĩ chuyên khoa.

Các bác sĩ cho biết có nhiều giả thuyết về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, và đáng buồn rằng nhiều giả thuyết trong số đó là đúng. Dưới đây, các chuyên gia sẽ kể lại mọi diễn biến đằng sau hậu trường và những điều họ khuyên bệnh nhân nên làm cho đến khi có thể thực hiện được những thay đổi mang tính hệ thống hơn.

-Tình trạng thiếu hụt bác sỹ chuyên khoa hiện nay
Lý do đầu tiên có lẽ là rõ ràng nhất: Mọi người phải đợi mãi mới được gặp bác sĩ chuyên khoa vì không có đủ bác sĩ.

Tiến sĩ Ashish Nanda, bác sĩ thần kinh tại Trung tâm Y tế Providence St. Jude, cho biết: “Tôi là chuyên gia về đột quỵ mạch máu và hiện không có đủ bác sĩ chuyên khoa đột quỵ để xử lý khối lượng ca theo dõi đột quỵ cần thiết. Tôi chắc chắn rằng các chuyên khoa khác, như tim mạch, cũng đang phải đối mặt với những thách thức tương tự.”

Tiến sĩ Samuel R. Browd, bác sĩ phẫu thuật thần kinh, giám đốc y khoa và đồng sáng lập Proprio, cũng đã chứng kiến điều này, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và bệnh viện nhỏ hơn.

Ông nói vấn đề sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn: Hiệp hội các trường Cao đẳng Y khoa Hoa Kỳ dự báo Hoa Kỳ sẽ thiếu hụt tới 86.000 bác sĩ vào năm 2036. Hơn nữa, phải mất hàng nghìn giờ (ít nhất 13 năm) đào tạo nghiêm ngặt để trở thành bác sĩ phẫu thuật, điều này càng hạn chế nguồn chuyên gia có thể đáp ứng nhu cầu.

Là bác sĩ nhi khoa và bác sĩ tim mạch can thiệp nhi khoa, Tiến sĩ Alesandro Larrazabal, giám đốc y khoa và đồng sáng lập của Clarity Pediatrics, cũng có thể chứng thực điều này. Ông cho biết ngày càng có ít bác sĩ theo chuyên khoa của ông.

Ông cho biết năm ngoái, 30% chương trình nội trú nhi khoa không tuyển đủ bác sĩ. Những người theo chuyên ngành nhi khoa ít có động lực theo đuổi chuyên ngành phụ này vì mức lương thấp hơn so với hầu hết các chuyên ngành phụ dành cho người lớn. Một lý do nữa khiến các bác sỹ tương lai không mặn mà với ngành nhi khoa vì áp lực quá lớn đến từ phụ huynh trong lúc điều trị.

-Các bác sỹ chuyên khoa không phải lúc nào cũng có mạng lưới với các nhà cung cấp bảo hiểm

Bác sỹ Nanda cho biết lĩnh vực chăm sóc sức khỏe không chỉ thiếu bác sĩ chuyên khoa mà còn thiếu bác sĩ chuyên khoa chấp nhận bảo hiểm – điều này đặc biệt cần thiết khi chi phí chăm sóc chuyên khoa ngày càng cao. Bạn có thể phải chờ lâu hơn nếu bạn muốn gặp bác sĩ chuyên khoa chấp nhận bảo hiểm của bạn vì tất cả mọi người khác cũng vậy.

-Nhiều bệnh nhân cần gặp bác sĩ chuyên khoa hơn sau đại dịch COVID-19.
Tiến sĩ C. Vivek Lal, một bác sĩ am hiểu về nhi khoa, y học sơ sinh và chu sinh, cũng như sinh học phổi và mạch máu, cho biết đã có sự gia tăng đáng kể các bệnh mãn tính và các vấn đề sức khỏe phức tạp đòi hỏi sự chăm sóc chuyên khoa, đặc biệt là sau đại dịch COVID. Đặc biệt, ông đã chứng kiến sự gia tăng số lượng bệnh nhân đến khám với các triệu chứng hô hấp dai dẳng, mệt mỏi và phản ứng viêm đòi hỏi phải được chăm sóc chuyên khoa.

Ngoài ra, nhiều bệnh nhân đã trì hoãn việc điều trị trong thời kỳ đỉnh điểm của dịch COVID để tránh bị bệnh nặng hơn và thật không may, hậu quả của việc đó đang ảnh hưởng đến họ ngay bây giờ.

Lal cho biết những bệnh nhân trì hoãn việc kiểm tra sức khỏe định kỳ và chăm sóc phòng ngừa hiện đang mắc phải những tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn, đòi hỏi sự can thiệp chuyên sâu hơn của bác sĩ chuyên khoa. Điều này đặc biệt đúng đối với các tình trạng ảnh hưởng đến sức khỏe đường ruột và hô hấp, những lĩnh vực mà việc can thiệp sớm là rất quan trọng.

-Ngày càng có nhiều người được chẩn đoán mắc bệnh
Các bác sĩ đang nhận thấy nhiều chẩn đoán sức khỏe không liên quan đến COVID kéo dài nhưng cũng cần được chăm sóc chuyên khoa. Hai ví dụ bao gồm ADHD và hen suyễn. Số ca chẩn đoán mắc ADHD tăng đột biến, có thể do nhiều lý do khác nhau. Những số liệu mới nhất cho thấy hơn 40% trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi đi học đang phải đối mặt với ít nhất một tình trạng bệnh mãn tính.

-Công việc hành chính chiếm rất nhiều thời gian của các bác sỹ chuyên khoa
Bác sỹ Browd giải thích các chính sách của tổ chức hiện nay áp đặt những rào cản nghiêm ngặt hơn đối với việc tiếp cận bác sỹ chuyên khoa, khiến việc lên lịch hẹn trực tiếp trở nên khó khăn hơn. Mặc dù cách tiếp cận này có một số lợi ích, nhưng nó cũng tạo ra các lớp phê duyệt bổ sung làm chậm trễ việc thăm khám. Các bác sĩ chăm sóc chính phải tiến hành đánh giá và phân loại ban đầu rồi mới tới lượt các bác sỹ chuyên khoa khám.

Cụ thể là, trước khi được gặp bác sỹ chuyên khoa, bạn cần phải được bác sĩ chính làm nhiều xét nghiệm và nỗ lực để chứng minh rằng bạn cần được chăm sóc chuyên khoa, điều này cũng mất thời gian.

Công việc phải làm trong và sau cuộc hẹn cũng rất nhiều đối với các chuyên gia. Trên thực tế, khối lượng công việc hành chính và hồ sơ ngày càng tăng có thể chiếm gần 50% thời gian của họ, Kết quả là, họ chỉ có thời gian để khám cho một số lượng bệnh nhân nhất định mỗi ngày.

Các chuyên gia khuyên gì với thời gian chờ đợi dài như vậy?
Với những tin tức đáng thất vọng như vậy, chúng ta phải làm gì tiếp theo? Các chuyên gia chia sẻ lời khuyên hữu ích nhất của họ:

1.Đừng trì hoãn việc tìm kiếm sự giới thiệu.
Việc đi khám bác sĩ chuyên khoa rất tốn kém và mất thời gian trong lịch trình bận rộn. Nếu bác sĩ chăm sóc chính của bạn đề nghị gặp bác sĩ chuyên khoa, hãy bắt đầu quá trình đó ngay lập tức, vì thời gian chờ đợi hiện tại khá dài.

2.Đặt lịch hẹn khám bệnh từ xa khi cần thiết.
Y học từ xa không có tác dụng với mọi tình trạng bệnh và chắc chắn không phải là lựa chọn được nhiều người trong chúng ta ưa chuộng. Nhưng Bác sỹ Lal cho biết đây có thể là một lựa chọn cho một số buổi tư vấn chuyên khoa có thể rút ngắn thời gian chờ đợi. Mặc dù có thể không phải là tất cả những gì bạn cần để giải quyết vấn đề sức khỏe của mình, nhưng nó có thể cung cấp cho bạn một số câu trả lời giúp ngăn ngừa tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.

3.Giữ liên lạc chặt chẽ với bác sĩ chăm sóc chính của bạn.
Mặc dù bác sĩ chăm sóc chính không thể thực hiện một số công việc mà bác sĩ chuyên khoa có thể làm, nhưng họ có thể hỗ trợ theo những cách khác. Bạn nên giữ liên lạc với họ để họ có thể giúp bạn kiểm soát tình trạng bệnh và đề xuất các cuộc hẹn khám nhanh hơn nếu tình trạng bệnh của bạn trở nên trầm trọng hơn.

4.Hãy cân nhắc việc chăm sóc theo nhóm.
Đây là một điều có thể hiệu quả. Hãy trao đổi với phòng khám bác sĩ hoặc bệnh viện địa phương về vấn đề này. Các buổi họp nhóm cho phép các nhà cung cấp hỗ trợ nhiều gia đình cùng lúc, giảm thời gian chờ đợi đồng thời tạo ra mạng lưới hỗ trợ có giá trị. Các bác sĩ nhi khoa chứng kiến các bậc cha mẹ thường cảm thấy bị cô lập khi phải giải quyết các vấn đề sức khỏe của con mình. Việc chăm sóc theo nhóm giúp họ nhận ra rằng họ không đơn độc và những trải nghiệm chung này có thể vô cùng bổ ích.

Ông nói thêm rằng các buổi học này có thể được cung cấp trực tuyến, cho phép người chăm sóc nhận được sự hỗ trợ mà không nhất thiết phải sắp xếp việc trông trẻ hoặc nghỉ làm.

5.Hãy chủ động cung cấp thông tin
Thực tế là các bác sĩ có thể bỏ qua mối lo ngại của bệnh nhân vì nhiều lý do, điều đòi hỏi phải thay đổi toàn diện. Nhưng đôi khi, việc chủ động cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt có thể giúp bạn tránh được điều đó. Bác sỹ Browd cho biết thông thường, sự chậm trễ không phải do bác sĩ không lắng nghe mà là do họ cần thêm thông tin để đưa ra lời giới thiệu phù hợp. Đó là lý do tại sao bác sỹ khuyến khích bệnh nhân đặt câu hỏi và tự mình bảo vệ quyền lợi của mình.

Một số mẹo có thể giúp bạn tự bảo vệ mình bao gồm ghi nhật ký về các triệu chứng, nhờ người hỗ trợ, đặt câu hỏi chi tiết và tận dụng việc giới thiệu từ các bác sỹ ban đầu.

6.Cố gắng đừng mất hy vọng.
Các chuyên gia nhận thức được những rào cản mà bạn gặp phải và họ đang cố gắng giải quyết. Bác sỹ Browd cho biết các bác sĩ thực sự quan tâm đến bệnh nhân và nhận ra rằng mọi khoảnh khắc đều đáng giá. Mặc dù các bác sỹ đang nỗ lực giảm thời gian chờ đợi và cải thiện dịch vụ chăm sóc, việc thay đổi mang tính hệ thống cần có thời gian.

Trí tuệ nhân tạo đang tạo ra sự khác biệt. Nó có thể tự động hóa các nhiệm vụ thường lệ và cải thiện khả năng ra quyết định, giúp các bác sĩ lâm sàng có thêm thời gian dành cho bệnh nhân.

(theo Huffpost)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo