Vào Tháng Tư năm 2020, Domonique Brown, một phụ nữ ở California bắt đầu thương hiệu phong cách sống DomoINK của mình như một công việc phụ để theo đuổi niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật.
Giờ đây, bốn năm sau, công ty này đã phát triển thành một doanh nghiệp thành công, mang lại cho cô khoảng $27,000/tháng từ thu nhập thụ động ở tuổi 30.
Thương hiệu này cung cấp các sản phẩm nghệ thuật, đồ trang trí nhà cửa, quần áo và quà tặng để tôn vinh sự đa dạng và gần đây đã ra mắt dòng phụ kiện tóc hợp tác với Goody Tru tại Walmart. DomoINK được giới thiệu tại các cửa hàng, kể cả trực tuyến, tại Target, HomeGoods, Macy’s và Urban Outfitters.
Mặc dù Brown kiếm được một khoản tiền rất khá từ thu nhập thụ động, nhưng cô vẫn luôn giữ thói quen tiết kiệm, cô luôn tìm kiếm các ưu đãi, giảm giá và cơ hội để không chi xài nhiều.
Dưới đây là năm thứ mà Domonique Brown không bao giờ phí tiền vào:
1.Rượu
Trong khi nhiều người dùng rượu để giải tỏa niềm vui và nỗi buồn, thì Brown lại không. Kết quả là cô không bao giờ cảm thấy cần phải uống rượu để thư giãn, điều này giúp Brown tiết kiệm tiền khi đi chơi cùng bạn bè, vì nhậu nhẹt thường khá tốn kém.
2.Mua đồ hiệu xa xỉ
Mặc dù Brown đủ khả năng mua quần áo hiệu, nhưng cô chọn không mua, Brown chia sẻ.
Với công việc hiện tại của mình – khi cô không phải đi đến công sở – thì quần áo lịch sự gần như không cần thiết. Hơn nữa, cô lại thích trang phục thoải mái, chẳng hạn như quần nỉ, có thể mặc được vào hầu hết các ngày.
Cô cho biết: “Thật lạ là tôi hiếm khi mặc những món đồ hiệu mà mình mua. Khi nhìn thấy những bộ quần áo vẫn còn gắn mác giá trong tủ quần áo, tôi hiểu rằng mua đồ hiệu sẽ không phải là giải pháp tài chính thông minh.”
3.Đánh bài
Từ nhà Brown lái xe tới Las Vegas chỉ mất vài tiếng. Nếu muốn, cuối tuần là cô có thể lái cái vèo lên sòng bạc, nhưng đó không phải là thứ cô quan tâm. Cô kể: “Khi lớn lên, tôi đã chứng kiến nhiều bạn bè và thành viên gia đình mất nhiều tiền hơn là kiếm được ở sòng bạc, vì vậy khi tôi đến tuổi hợp pháp, tôi chẳng có hứng thú gì với cờ bạc.”
Thay vào đó, cô thích đầu tư tiền của mình vào thị trường chứng khoán, nơi trước đây đã mang lại lợi nhuận vững chắc.
4.Tăng thời gian bảo hành
Tăng thời gian bảo hành cho sản phẩm thường không mang lại nhiều giá trị về lâu dài vì điều này đi kèm với nhiều điều khoản nhỏ, loại trừ và hạn chế có thể khiến việc sử dụng thực tế trở nên khó khăn khi cần thiết. “Một bài học mà tôi rút ra được từ kinh nghiệm,” cô thổ lộ.
Brown chia sẻ: “Tôi đã mua bảo hành mở rộng cho đồ nội thất của mình khi chuyển đến nhà mới. Tuy nhiên, khi ghế sofa trong nhà bắt đầu rách và khi tôi nộp đơn yêu cầu bồi thường, thì việc sửa chữa không được bảo hành. Bây giờ tôi dành ra một khoản tiền mỗi tháng để khi đồ đạc bị hỏng thì cứ lấy để sửa hoặc mua cái mới.”
5.Làm móng
Có lẽ hầu hết các chị em phụ nữ đều biết, làm móng tay và móng chân tại tiệm cực kỳ tốn kém. “Trước đại dịch, tôi thường làm móng hai tuần một lần và chi hơn $150 một tháng,” Brown nhớ lại.
Trong thời gian đại dịch, cô đã học cách tự cắt, giũa, đánh bóng và trang trí móng tay với chi phí thấp hơn nhiều. Cô không bước vào tiệm làm móng kể từ đó.
Để bắt đầu, Brown mua các vật dụng trị giá $60, bao gồm đèn LED UV và bộ sơn móng tay dạng gel. Sau khi luyện tập trong vài tháng, cô trở nên tự tin khi làm móng tay và móng chân cho chính mình.