Ăn sáng thôi mà cũng… ‘rối não’!

Minh họa: Palacioerick/Pixabay

Có buổi sáng nào bạn đứng trước một câu hỏi: “Ăn gì đây ta?” không?

Để trả lời câu hỏi đó cũng dễ, mà đôi khi cũng rất khó.

Dễ khi bạn nghĩ “ăn gì cũng được”, rồi lục tìm trong tủ lạnh xem có cái gì còn dư ngày hôm qua ra hâm lại rồi “quất” cho lẹ còn đi làm.

Mà tủ lạnh thì có nhiều thứ lắm. Nếu siêng thì làm 2 trứng gà ốp-la, nướng 2 lát bánh mì, thêm một ly sữa nữa là xong.

Còn không siêng thì lấy ly mì tôm, bỏ vô đó một trái trứng gà, cho nước sôi vào, chờ ít phút rồi “sực” lẹ cho kịp giờ.

Bạn tôi nói mì tôm có nhiều chất béo, tinh bột, lại nhiều muối nên không tốt cho sức khỏe. Thì biết thế, nhưng tại sao các công ty sản xuất mì tôm vẫn sống hùng sống mạnh từ mấy chục năm nay.

Thực tế, đâu thấy chuyên gia nào khuyến cáo người dân hạn chế ăn mì tôm vào buổi sáng đâu? Bạn hoàn toàn có thể ăn ly (gói, tô) mì tôm với nhiều cách chế biến. Ví dụ, mì tôm nấu với thịt băm, trứng, cá, tôm, mực để bổ sung protein; chần thêm rau cải, rau ngót, giá, cà chua để tăng vitamin và khoáng chất.

Tô mì tôm với trứng – Ảnh: Lao Động

Bữa sáng như vậy được coi là “hoàn hảo”!

Nói vậy chứ không nên ngày nào cũng ăn mì tôm, khuyến nghị là 2-3 bữa/tuần, xen kẽ cơm, xôi, phở, bún, bánh mì…

Nói đến xôi, tự dưng thèm. Nhưng mà đâu phải ai cũng ăn xôi được đâu, nhất là mấy bà sợ lên cân.

Thật đấy! Trung bình một gói xôi có thể cung cấp khoảng 600 calo, trong khi một bát cơm chỉ có khoảng 130 calo mà thôi. Một tô phở ngon lành thế mà cũng chỉ cung cấp cho bạn từ 400 đến 450 calo. Chưa kể, nếu bạn ăn xôi mặn, cùng thịt, chả, trứng kho… có thể chứa calo nhiều hơn nữa.

Vì vậy, thường xuyên ăn xôi dễ gây thừa cân, béo phì. Nếu bạn đang cố giảm cân, tốt nhất đừng nghĩ đến xôi, nhất là vào buổi sáng sớm.

Người ta nói “ăn xôi dễ nổi mụn” là có lý do của nó, người có cơ địa nóng không chỉ bị nổi mụn trên mặt mà còn nổi mụn luôn trong miệng, nói thì cứ “ú a ú ớ”. Đôi khi có một cái mụn “mọc” ở mông thì thốn lắm, nhất là những lúc chạy xe máy đi qua những con đường nhiều ổ gà, ổ voi.

Người bị bệnh tiểu đường cũng nên né xôi, vì nó chứa nhiều amylopectin, một carbonhydrate không hòa tan khiến lượng đường trong máu tăng cao, đặc biệt những loại xôi có nhiều mỡ gà, mỡ heo như xôi vò, ngô, xéo.

Ăn xôi buổi sáng tiện lợi, no lâu song chỉ nên ăn không quá hai lần/tuần. Ảnh: Bùi Thủy/VNExpress

Xôi được nấu bằng nếp, nên có tính nóng, dẻo, dễ gây sưng và mưng mủ cho vết mổ. Do đó mấy bà đẻ mổ, hay mới mổ ruột dư, ruột thừa thì chớ ăn vào. Ngoài ra, người già, người mới ốm dậy và trẻ nhỏ cũng đừng ăn.

Hồi xưa nhà nghèo nên mấy bà mẹ cứ chọn xôi cho con ăn sáng, bà nói “ăn xôi cho chắc bụng”. Mà chắc bụng thiệt, học từ sáng tới trưa mà vẫn không thấy đói. Nó chỉ được thế thôi, chứ thực ra trong thứ xôi không chay nhưng chẳng có thịt đó, thiếu nhiều chất dinh dưỡng lắm.

Giờ ăn chút xôi để nhớ về ngày xưa thôi, chứ ăn hoài không tốt đâu. Muốn ăn thì nên ăn chung với các loại thực phẩm khác như thịt, đậu, trứng, rau cải để cung cấp đầy đủ các dưỡng chất.

Khi ăn, bạn cần nhai kỹ để xôi được tiêu hóa dễ dàng hơn, giúp tránh tình trạng nghẹn và không bị… táo bón. Dặn vậy thôi chứ giờ nuốt vội còn không có, lấy đâu mà nhai kỹ. Bởi thế nhiều người chọn ăn mì gói, chỉ bởi vì nó dễ nuốt hơn xôi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: