Các bác sĩ phẫu thuật tại NYU Langone Health đã thực hiện ca đầu tiên trên thế giới với việc ghép toàn bộ một con mắt, kết hợp với ghép một phần khuôn mặt.
Tháng Năm 2023, một nhóm gồm hơn 140 bác sĩ-y tá đã thực hiện ca phẫu thuật kéo dài 21 giờ cho Aaron James, 46 tuổi ở Arkansas, bị thương nặng trong một vụ tai nạn tại nơi làm việc vào năm 2021. James, công nhân đường dây điện cao thế và là một cựu quân nhân, bị điện giật nặng khi mặt vô tình chạm vào dây điện. Nạn nhân may mắn sống sót nhưng bị mất mắt trái. Gần như toàn bộ khuôn mặt bị biến dạng.
TIME ngày 9 Tháng Mười Một 2023 cho biết, chưa rõ liệu James có thể nhìn được từ con mắt hiến tặng hay không nhưng ca cấy ghép thành công đã mang lại cho James những lợi ích lớn về mặt thẩm mỹ cũng như cải thiện khả năng nói và ăn thức ăn đặc. Lần đầu tiên kể từ sau tai nạn, Aaron James có thể thưởng thức bữa ăn Lễ Tạ ơn cùng gia đình.
Cấy ghép giác mạc hiện được thực hiện khá thường xuyên để phục hồi thị lực và chức năng cho đôi mắt bị tổn thương, và khoảng 50 ca ghép mặt đã được thực hiện trên toàn thế giới, trong đó có một số ca được thực hiện bởi Tiến sĩ Eduardo Rodriguez, bác sĩ phẫu thuật của NYU, người đứng đầu nhóm thực hiện phẫu thuật của James.
Tuy nhiên, cho đến nay, ca ghép toàn bộ mắt được thực hiện thành công là điều chưa từng được ghi nhận. Việc cấy ghép luôn đối mặt khả năng cơ thể từ chối cơ quan được cấy ghép. Và cấy ghép nguyên một con mắt còn phức tạp hơn vạn lần, vì mắt kết nối với não, gây ra những rủi ro nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong.
Nhóm bác sĩ Eduardo Rodriguez quyết định thử thực hiện ca phẫu thuật ghép mắt cho Aaron James với sự đồng ý và ủng hộ của James lẫn gia đình. Mặt và mắt được lấy từ một người hiến tặng ở độ tuổi 30. Nhóm Eduardo Rodriguez đã phải tập đi tập lại hơn 10 lần trước khi thực hiện tiến hành ca ghép mắt.
CNN thuật, ca phẫu thuật phức tạp được thực hiện cùng lúc trong hai phòng phẫu thuật. Aaron ở trong một phòng, nơi các bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ nhiều phần trên khuôn mặt để thay thế bằng mô của người hiến tặng. Bác sĩ Rodriguez ở phòng khác, mổ tách khuôn mặt và nhãn cầu của người hiến tặng. Chỉ riêng phần này, Rodriguez cho biết ông đã mất khoảng 12 giờ. Sau đó, “chúng tôi cắt mạch máu để tách mắt khỏi cơ thể người hiến. Tại thời điểm này, mặt và mắt không nhận bất kỳ nguồn cung cấp máu nào”.
Tiếp đó, Rodriguez và đồng nghiệp bắt đầu ghép khuôn mặt và nhãn cầu của người hiến vào Aaron. Để ghép mắt, nhóm nghiên cứu kết hợp mắt của người hiến với tế bào gốc trưởng thành có nguồn gốc từ tủy xương của Aaron James, bằng cách tiêm tế bào gốc trưởng thành vào dây thần kinh thị giác trong quá trình cấy ghép. Những tế bào gốc này có thể giúp tăng cường tái tạo thần kinh. Rodriguez cho biết:
“Chúng tôi có thể xác định một tế bào cụ thể, CD34, là tế bào gốc trưởng thành có một số lợi ích tiềm năng – không chỉ trong điều chế miễn dịch, vì đây là tế bào cấy ghép – mà còn trong tái tạo thần kinh. Khi kết nối dây thần kinh thị giác từ người cho đến người nhận, chúng tôi tiêm những tế bào gốc CD34 vào.”
Các bác sĩ hy vọng việc truyền tế bào gốc vào dây thần kinh thị giác sẽ làm tăng khả năng tái tạo dây thần kinh và chức năng của mắt. Vẫn còn quá sớm để nói liệu con mắt ghép cho giúp Aaron James nhìn thấy được hay không, nhưng đến nay, con mắt mới của James có dấu hiệu tiến triển kể từ khi phẫu thuật. Bây giờ máu chảy trực tiếp đến võng mạc – phần của mắt cảm nhận ánh sáng và truyền những tín hiệu đó đến não để tạo ra hình ảnh. Trước đó, một số chuyên gia từng lo ngại con mắt ghép của Aaron James sẽ nhanh chóng teo lại như nho khô.
AP cho biết, hiện các nhà nghiên cứu bắt đầu phân tích các bản quét não của James. Tiến sĩ Jeffrey Goldberg, chủ tịch nhãn khoa tại Đại học Stanford, nói rằng ca phẫu thuật ghép mắt cho Aaron James thật sự là một kỳ tích đáng kinh ngạc. Điều khó khăn nhất và là rào cản lớn nhất là làm thế nào để tái tạo dây thần kinh thị giác, mặc dù các nghiên cứu trên động vật đã có những bước tiến đáng kể.
Tiến sĩ José-Alain Sahel, người phát ngôn của Học viện Nhãn khoa Hoa Kỳ cho biết, một bước quan trọng trong ca phẫu thuật ghép toàn bộ mắt là kết nối lại dây thần kinh thị giác của Aaron với mắt của người hiến. Tiến sĩ Oren Tepper, bác sĩ phẫu thuật tạo hình và tái tạo, đồng thời là giám đốc Chương trình Phẫu thuật Sọ mặt tại Hệ thống Y tế Montefiore, nhấn mạnh rằng ca phẫu thuật ghép mắt cho Aaron James thật sự đánh dấu một bước quan trọng trong lĩnh vực y học cấy ghép.