Đồng hồ sinh học ảnh hưởng đến giờ uống thuốc

(Hình minh họa: Amanda Jones/Unsplash)

Nghiên cứu mới cho thấy đồng hồ sinh học của mỗi người có ảnh hưởng đến thời điểm mà họ nên uống thuốc.

Cơ thể mỗi người đều chạy theo một chiếc đồng hồ bên trong, được quyết định bởi cả di truyền và môi trường. Do sự kết hợp độc đáo giữa các yếu tố bên trong và bên ngoài, đồng hồ sinh học của chúng ta đều hoạt động hơi khác nhau.

Vì vậy, trong khi một số người có xu hướng cảm thấy tỉnh táo hơn vào buổi sáng thì những người khác lại thích bắt đầu trễ hơn và kết thúc cũng trễ hơn. Có lẽ bạn đã nghe nói đến điều này trong bối cảnh “gà gáy sớm” và “cú đêm.”

Về mặt khoa học, sở thích sinh học này được gọi là kiểu thời gian, và không chỉ giờ đi ngủ bị ảnh hưởng. Chu kỳ sinh học ảnh hưởng đến mọi thứ, từ sức mạnh cơ bắp đến quá trình trao đổi chất.

Các thử nghiệm gần đây cũng phát hiện ra rằng kiểu thời gian của chúng ta ảnh hưởng đến mức độ dao động của huyết áp trong ngày. Vì vậy, điều hợp lý là những người dậy sớm và thức khuya được hưởng lợi từ các lịch trình khác nhau khi dùng thuốc điều trị huyết áp.

Trong một khám phá mới được công bố trên tạp chí eClinicalMedicine, các nhà khoa học từ University of Dundee, Scotland, phối hợp với trung tâm nghiên cứu Helmholtz Munich đã kiểm tra dữ liệu từ hơn 5,000 người tham gia bị huyết áp cao, nêu chi tiết thời điểm họ dùng thuốc hạ huyết áp thường xuyên.

Dữ liệu cũng bao gồm một bảng câu hỏi trực tuyến để đánh giá kiểu thời gian của người tham gia. Những người được phân loại vào nhóm thời gian sớm hơn – hay còn gọi là những người dậy sớm – uống thuốc theo toa vào buổi sáng ít có khả năng bị đau tim hơn những người dùng thuốc vào buổi tối.

Ngược lại, những người thức khuya uống thuốc vào buổi tối ít có khả năng phải nhập viện vì các cơn đau tim không gây tử vong so với những người uống thuốc vào buổi sáng.

Filippo Pigazzani, giảng viên cao cấp lâm sàng và bác sĩ tim mạch tư vấn danh dự thuộc Trường Y của trường đại học, người đã nghĩ ra thử nghiệm, cho biết trong một tuyên bố: “Những kết quả này rất thú vị vì chúng có thể đại diện cho một ‘sự thay đổi mô hình’ trong điều trị bệnh tăng huyết áp. Khám phá của chúng tôi lần đầu tiên cho thấy việc xem xét kiểu thời gian khi quyết định thời gian dùng thuốc hạ huyết áp, liệu pháp thời gian được cá nhân hóa, làm giảm nguy cơ đau tim.”

Theo Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ (American Heart Association), mặc dù những kết quả này hoàn toàn mang tính quan sát, nhưng những phát hiện của họ có thể có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng, vì huyết áp cao ảnh hưởng đến gần một nửa số người Mỹ trưởng thành. Tuy nhiên, Pigazzani cảnh báo không nên thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với lịch dùng thuốc của bạn trước khi hỏi ý kiến bác sĩ.

Kenneth Dyar, nhà sinh học từ Helmholtz Munich, người giúp thiết kế nghiên cứu, cho biết: “Điều quan trọng các bác sĩ phải nhớ, là không phải tất cả bệnh nhân đều giống nhau. Con người thể hiện sự khác biệt lớn giữa các cá nhân về kiểu thời gian của họ và những khác biệt cá nhân này được biết là có ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh.”

Bạn có thể đọc những phát hiện đầy đủ trên tạp chí eClinicalMedicine.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: