Khứu giác của kiến rất mạnh, và tinh tế đến nỗi nó có thể đánh hơi được ung thư – theo bài báo mới đây trên The Washington Post.
Phương pháp tầm soát vừa rẻ vừa có thể phổ biến rộng
Một nghiên cứu mới công bố trong tuần này cho thấy, ngày nào đó trong tương lai không xa, chúng ta có thể sử dụng những động vật mũi nhọn (sharp-nosed animal) để phát hiện khối u, vừa nhanh vừa rẻ. Kiến sống trong một thế giới của mùi. Một số loài mù hoàn toàn, số khác phụ thuộc rất nhiều vào mùi đến nỗi những con đi lạc khỏi con đường mùi pheromone chỉ còn biết chạy trong vòng tròn đến khi chết vì kiệt sức!
Phát hiện ra khứu giác tinh tế của kiến, các nhà nghiên cứu đang tìm cách đào tạo chúng để chúng phát hiện mùi đặc trưng của các tế bào ung thư ở người. Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp san Proceedings of the Royal Society B: Biological Sciences đã nêu bật kỹ năng khứu giác tuyệt vời của kiến và tin rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ tìm ra cách sử dụng động vật mũi nhọn, trong trường hợp này là kiến, với phản xạ khứu giác sắc bén của chúng để phát hiện nhanh chóng các khối u ung thư, thay thế cho quy trình tầm soát tốn kém hiện nay.
Thành công là rất quan trọng vì ung thư càng phát hiện sớm, cơ hội phục hồi càng cao. “Triển vọng rất hứa hẹn – Baptiste Piqueret, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Viện sinh học Max Planck Institute for Chemical Ecology ở Đức nói – Tuy nhiên, cũng cần biết là còn lâu chúng ta mới sử dụng được khứu giác của kiến để phát hiện ung thư”.
Kéo dài những sợi khứu giác mỏng (thin sensory appendages) trên đầu, kiến dò tìm và sử dụng các manh mối hóa học nhận được để giải quyết nhiều thứ, từ tìm thức ăn, con mồi, tìm bạn trong đàn và bảo vệ kiến con. Chính khả năng thông tin hóa học ưu việt đã giúp kiến xây dựng một xã hội phức tạp gồm nữ hoàng (kiến chúa) và các kiến thợ “sinh hoạt nhịp nhàng với mùi hương” đến nỗi các nhà khoa học gọi một số đàn kiến là “superorganism”. Trong nghiên cứu của mình, nhóm Baptiste Piqueret đã ghép các mảnh khối u ung thư vú ở người lên chuột và huấn luyện 35 con kiến để chúng phát hiện nước tiểu của chuột có khối u.
Được đặt trong một đĩa petri, những con kiến lụa (silky ant-tên khoa học Formica fusca) đã dành nhiều thời gian hơn đáng kể ở gần các ống chứa nước tiểu của những con chuột mang bệnh ung thư so với nước tiểu của những con khỏe mạnh. “Nghiên cứu được chuẩn bị và thực hiện tốt – đánh giá của Federica Pirrone, giảng sư tại Đại học Milan (người không tham gia vào nghiên cứu mới nhưng từng tiến hành các cuộc điều tra tương tự về khả năng mùi của chó).
Phải có thêm thời gian
Cách chúng ta chẩn đoán ung thư ngày nay (lấy máu, dùng sinh thiết và nội soi) thường tốn kém. Các nhà hành vi động vật đang mường tượng một thế giới tương lai gần, trong đó các bác sĩ tận dụng những loài vật có khứu giác tinh tế để giúp họ phát hiện các khối u nhanh chóng và không tốn kém.
Một nghiên cứu trước đây cho thấy chó có thể đánh hơi ung thư trong mùi cơ thể. Chuột có thể được huấn luyện để phân biệt người khỏe mạnh và người mang khối u. Giun Nematode nhận biết được một số hợp chất hữu cơ liên quan đến ung thư. Ngay cả các tế bào thần kinh của ruồi giấm cũng sáng lên khi nhận ra sự hiện diện của một số tế bào ung thư. “Nhưng kiến có lợi thế so với chó và các động vật khác vì không tốn thời gian huấn luyện chúng” – Piqueret so sánh.
Piqueret đã bị kiến mê hoặc kể từ khi ông chơi với chúng lúc còn nhỏ trong khu vườn của cha mẹ ở vùng nông thôn nước Pháp. “Tôi luôn yêu kiến, thích nhìn và chơi với chúng” – ông nhớ lại. Trong thời gian bị phong toả vì Covid-19, ông mang những con kiến lụa vào căn hộ của mình bên ngoài Paris để tiếp tục thí nghiệm. “Kiến lụa được chọn vì nó có trí nhớ tốt, rất dễ huấn luyện và không cắn; ít nhất là không đau” – ông giải thích.
Nhưng Piqueret và các nhà nghiên cứu còn phải làm nhiều việc hơn nữa trước khi biến kỳ vọng thành hiện thực, cho dù là kiến hay các động vật tiềm năng khác. “Ngoài ra, còn phải xem xét các yếu tố có thể làm lệch kết quả như chế độ ăn uống hoặc tuổi tác của con vật thử nghiệm. Chúng ta cần chờ các bước đi tiếp theo” – Pirrone nói.
Đội Piqueret đã lên kế hoạch thử nghiệm khả năng của kiến để đánh hơi các dấu hiệu ung thư trong nước tiểu bệnh nhân. Ông trấn an: “Nếu kiến được sử dụng trong sàng lọc ung thư, chúng sẽ không cần phải đặt lên người bạn! Sẽ không có tiếp xúc trực tiếp giữa kiến và bệnh nhân. Vì vậy, những người sợ côn trùng không phải lo lắng!”.