‘Giận cá chém thớt’ chỉ vì… đói bụng

(minh họa: Unsplash)

Một nghiên cứu phát hiện rằng khi bạn đang đói bụng, cảm giác “cồn cào” không chỉ nằm trong đầu mà còn bộc lộ ra thái độ tức giận, cáu kỉnh vô cớ.

Nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí PLOS One thuộc thư viện Public Library of Science.

“Phải chi tôi ăn hết cái bánh sandwich dành cho buổi sáng, nhưng cái đầu cứ quyết định không ăn, nên bây giờ tôi đang cảm thấy bực bội, cáu kỉnh ghê, vì…đói!” vận động viên trượt tuyết người Mỹ Chloe Kim than như thế trên Twitter trong Thế vận hội Mùa Đông gần đây.

Có thể xem đây là một minh hoạ cho nguyên nhân của một cảm xúc tiêu cực. “Nhiều người trong chúng ta nhận thức được rằng đói có thể ảnh hưởng đến cảm xúc cá nhân, nhưng đáng ngạc nhiên là rất ít nghiên cứu khoa học tập trung vào việc này,” tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Viren Swami, giáo sư tâm lý xã hội tại Đại học Anglia Ruskin, Vương quốc Anh, nhận định trong thông cáo báo chí về kết quả nghiên cứu mới.

Tức giận vô cớ đôi khi là do bạn đang đói bụng. (minh họa: Unsplash)

“Với nghiên cứu lâm sàng này, chúng tôi phát hiện ra đói có liên quan đến mức độ tức giận và khó chịu bằng cách theo dấu những người tham gia trong cuộc sống hàng ngày của họ. Đây là nghiên cứu đầu tiên về ảnh hưởng của cái đói bên ngoài phòng thí nghiệm, trong cuộc sống thực.”

Các nhà nghiên cứu từ Vương quốc Anh và Áo tuyển chọn 121 người lớn từ 18 đến 60 tuổi sống tại Trung Âu. Khoảng 81% là phụ nữ. Nghiên cứu sử dụng một phương pháp đánh giá gọi là “experience sampling method” (phương pháp lấy mẫu trải nghiệm) để hiểu rõ hơn về mức độ ảnh hưởng của cái đói đến cảm xúc của con người trong cuộc sống thực.

Theo giải thích của Swami, phương pháp này không cần đến nhóm kiểm soát đối chứng, vì tất cả đối tượng đều phù hợp đầy đủ với các yêu cầu của nghiên cứu. Những người tham gia cho biết cảm xúc và cấp độ đói của họ bằng cách trả lời tất cả các câu hỏi trên ứng dụng điện thoại trong các cuộc khảo sát ngắn gọn gửi đến họ năm lần một ngày không ấn định thời gian trong khoảng ba tuần.

Các nhà nghiên cứu tin rằng đây là lần đầu tiên họ chứng minh được mối liên hệ giữa những cảm xúc tiêu cực với các cấp độ đói. Nghiên cứu cho thấy đói có liên quan đến 37% thay đổi về tính cáu kỉnh, 34% về sự tức giận và 38% về sự sảng khoái (đã điều chỉnh theo các biến số có thể ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu gồm tuổi, giới tính, chỉ số cơ thể và hành vi ăn uống).

“Nghiên cứu loại trừ sức khỏe tâm thần hoặc các tác nhân có thể tạo ra cảm xúc tiêu cực,” trang tin y học Medical News Today lưu ý. “Tuỳ môi trường bạn đang sống, cái đói sẽ dẫn đến mức độ tức giận và cáu kỉnh khác nhau; chẳng hạn như phải ở một mình so với được ở trong một nhóm hoặc phải làm việc so với được vui đùa”.

Phát hiện đáng chú ý nhất của nghiên cứu là “đói thường xuyên và thời gian đói kéo dài cũng liên quan đến cấp độ cáu kỉnh, tức giận và khó chịu”. Báo cáo nghiên cứu nhấn mạnh, mối liên hệ giữa các cảm xúc tiêu cực và cái đói là khá mạnh mẽ.

Chẳng ai làm gì mà anh la lối trong phone thế! Kiếm gì bỏ bụng đi anh ơi! (minh họa: Unsplash)

Các nhà nghiên cứu cũng đo lường niềm vui và sự hưng phấn bằng cách hỏi những người tham gia: “Bạn có thấy thoải mái không?” và “Bạn đánh giá sự hưng phấn hiện nay của bạn là bao nhiêu?”. Hiểu rõ tâm trạng của mình sẽ làm giảm nguy cơ cái đói dẫn đến các cảm xúc và hành vi tiêu cực.

Các phản hồi về sự thoải mái của những người tham gia dao động từ 0 đến 100, với 0 (rất khó chịu) đến 100 (rất dễ chịu), trong khi các phản hồi hưng phấn dao động từ 0 (buồn ngủ) đến 100 (hưng phấn cao).

Swami giải thích: “Hưng phấn ở đây liên quan đến cả sinh lý chứ không chỉ đơn thuần là hạnh phúc. Dựa trên kết quả nghiên cứu, chúng tôi tin cấp độ tiêu cực của cảm xúc, từ tức giận đến cáu kỉnh, đều có liên quan đến mức độ đói ít hay nhiều. Nói rõ hơn, các cảm xúc càng tiêu cực thì đói càng nhiều. Ăn no hay thoả mãn được thèm muốn, cảm giác tiêu cực sẽ hết”.

Các nhà nghiên cứu không đo các dấu hiệu sinh lý của cái đói, như mức đường huyết, nhưng lưu ý những thay đổi đó cũng ảnh hưởng đến cảm xúc tiêu cực. Do kích thước mẫu nhỏ, nghiên cứu chưa thể nhân rộng ra cả dân số. Swami kết luận: “Chúng tôi không đưa ra những phương pháp để giảm thiểu cảm xúc tiêu cực do đói gây ra, nhưng nghiên cứu cho thấy việc ý thức được cảm xúc tiêu cực là do đói có thể giúp chúng ta điều chỉnh nó. Chẳng hạn khi biết nguyên nhân tức giận vô cớ là do đói, thì cách giải quyết nhanh nhất là hãy tìm ngay thứ gì để… bỏ bụng.”

Đọc thêm:

-Đậu mùa khỉ không nguy hiểm bằng ‘Cô-Vy’, đừng quá lo!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: