Các nhà nghiên cứu tại UCLA đưa ra cảnh báo về nguy cơ kẹo cao su thải ra một lượng lớn vi nhựa vào miệng, có khả năng bị nuốt vào.
Nghiên cứu của họ điều tra việc giải phóng vi nhựa, nhỏ hơn 5mm, từ kẹo cao su tự nhiên và tổng hợp. Những hạt nhựa nhỏ này trở nên phổ biến trong môi trường và được tìm thấy trong nhiều cơ quan nội tạng của con người, gây nên mối lo ngại về tác động tiềm ẩn đối với sức khỏe.
Các nhà khoa học, do Giáo Sư Sanjay Mohanty đứng đầu, nói nghiên cứu của họ nhằm mục đích kiểm tra mức độ tiếp xúc hàng ngày với cao su, không phải để gây báo động. Mặc dù vẫn chưa biết rõ về tác động lâu dài của vi nhựa đối với sức khỏe, nhưng các nghiên cứu trên động vật và tế bào người cho thấy tác hại tiềm ẩn.
Nhóm nghiên cứu tiến hành các thí nghiệm sử dụng mười nhãn hiệu kẹo cao su thương mại, năm nhãn hiệu tự nhiên và năm loại tổng hợp. Kẹo cao su tự nhiên sử dụng polyme có nguồn gốc thực vật, trong khi kẹo cao su tổng hợp sử dụng polyme có nguồn gốc từ dầu mỏ.
Trong các thí nghiệm, những người tham gia nhai từng loại kẹo cao su trong bốn phút, với các mẫu nước bọt được thu thập theo từng khoảng thời gian. Một thí nghiệm thứ hai phân tích các mẫu nước bọt trong hơn 20 phút để xác định tốc độ thải ra của vi nhựa. Các nhà nghiên cứu nhuộm các hạt màu đỏ và đếm những hạt đó dưới kính hiển vi, đồng thời phân tích thành phần hóa học của các hạt. Họ thừa nhận phương pháp này chỉ phát hiện ra các hạt lớn hơn 20 micromet, có khả năng đánh giá thấp tổng số hạt vi nhựa.
Nghiên cứu cho thấy một gam kẹo cao su tiết ra trung bình 100 hạt vi nhựa, một số mảnh phóng thích tới 600 hạt trên một gram. Với một số mảnh kẹo cao su nặng tới sáu gram, một mảnh có nguy cơ thải tới 3,000 hạt nhựa. Có một điều đáng ngạc nhiên, cả kẹo cao su tự nhiên và tổng hợp đều tiết ra một lượng vi nhựa tương tự, chủ yếu là polyolefin, như polyethylene và polypropylene.
Phần lớn vi nhựa bị thải ra trong vòng hai phút đầu tiên sau khi nhai, với 94% được tiết ra trong vòng tám phút, do tác động cơ học chứ không phải do đặc tính enzyme của nước bọt. Dựa trên những phát hiện này, các nhà nghiên cứu cho biết việc nhai lâu một miếng kẹo cao su có thể làm giảm tiếp xúc với vi nhựa so với việc nhai nhiều miếng.
Nghiên cứu cũng nhấn mạnh đến tác động môi trường của kẹo cao su bị vứt bỏ, khi nhựa được tiết vào nước bọt chỉ là một phần nhỏ trong tổng hàm lượng nhựa của kẹo cao su. Họ kêu gọi xử lý có trách nhiệm để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Trong khi nghiên cứu phát hiện ra một lượng lớn vi nhựa được thải ra, giáo sư Oliver Jones từ RMIT University lưu ý lượng này tương đối nhỏ và niêm mạc ruột có khả năng ngăn chặn sự hấp thụ đáng kể. Những phát hiện này được trình bày tại cuộc họp mùa xuân của Hiệp Hội Hóa Học Hoa Kỳ (American Chemical Society).
Theo các chuyên gia, mối lo ngại về vi nhựa trong kẹo cao su không ở mức phải báo động. Một nghiên cứu thí điểm gần đây, mặc dù nhấn mạnh đến sự hiện diện của các hạt này, nhưng không nhất thiết phải bỏ việc tiêu thụ kẹo cao su.
Hiệp Hội Bánh Kẹo Quốc Gia (The National Confectioners Association-NCA) nhấn mạnh tính an toàn lâu đời của kẹo cao su, khẳng định rằng kẹo cao su được dùng trong hơn một thế kỷ mà không gây ra rủi ro đáng kể cho sức khỏe. Họ trấn an người tiêu dùng về việc các công ty bánh kẹo của Hoa Kỳ luôn ưu tiên vấn đề an toàn thực phẩm, tuân thủ các thành phần được Cục Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm cho phép.
“Tóm lại, trong khi vi nhựa là thứ chúng ta chắc chắn nên để mắt đến, tôi nghĩ bạn phải bỏ nhai kẹo cao su liền,” Giáo Sư Mohanty kết luận.