Lơ mơ, đễnh đãng, bạn đang bị gì vậy?

Khó tập trung tư tưởng là tình huống mà nhiều người gặp trong cuộc sống bận rộn ngày nay. (minh họa: Unsplash)

Lơ mơ là trạng thái khó tập trung tư tưởng, đễnh đãng – tình huống mà nhiều người gặp trong cuộc sống bận rộn ngày nay.

“Ông chồng tôi chưa già mà sao dạo này đễnh đãng kinh khủng, để đâu quên đó, đang nói chuyện này ổng nhảy qua chuyện khác, trước ngồi trên máy cả tiếng đồng hồ không sao, giờ ngồi chút xíu là đứng lên, kêu không tập trung tư tưởng được,” bà Tina Trần, ở Tustin, California, than thở với bạn bè về ông chồng mới ngoài 60 của mình.

Khả năng “tập trung tư tưởng” không chỉ người có tuổi, người mắc bệnh về tâm thần, mới gặp phải. Marcy Caldwell, nhà tâm lý học tại Rittenhouse Psychological Services, nói rằng có những lý do cơ bản gây ra, như thiếu ngủ, đa đoan công việc, bị phân tâm,…

Tình trạng thiếu ngủ ảnh hưởng tiêu cực đến sự chú ý, trí nhớ và khả năng duy trì một công việc kéo dài. (minh họa: Unsplash)

Giấc ngủ rất quan trọng. Một nghiên cứu do Đại học Turku, Phần Lan thực hiện, cho thấy tình trạng thiếu ngủ ảnh hưởng tiêu cực đến sự chú ý, trí nhớ và khả năng duy trì một công việc kéo dài. Do vậy, giấc ngủ và chất lượng giấc ngủ có tác động lớn đến khả năng tập trung của bạn.

Cũng có khi vì nhiều công việc dồn dập một lúc, khiến bạn khó duy trì sự tập trung, vì phải hết nghĩ cái này tới cái khác, mà cái nào cũng chưa đâu vào đâu. “Khi bạn bị kéo theo các hướng khác nhau, bộ não trở nên khó phân vùng và không thể tập trung chú ý ở mức độ sâu hơn,” Caldwell giải thích.

Bạn có bị xúc động mạnh không? Cảm xúc mạnh ở đây có thể tích cực như quá vui sướng, hào hứng, phấn chấn, hoặc tiêu cực như đau khổ, buồn bã,… Tất cả đều gây ra sự mất tập trung. Nhà trị liệu tâm lý Michelle Hunt ở Empower Your Mind Therapy, cho biết chính những cảm xúc mạnh đó kéo sự chú ý của bạn ra khỏi các nhiệm vụ, khiến bạn có cảm giác lơ tơ mơ, không tập trung được.

Thỉnh thoảng đang làm việc, bạn nhận được tin nhắn của ai đó gửi link Facebook, Twitter, hay Instagram,… Bạn cho trí não nghỉ giải lao một chút, để xem bạn mình gửi cái gì, coi như cách để tìm sự thoải mái. Thực ra, sự phân tâm tưởng chừng như rất bình thường này đang cung cấp cho não bộ của bạn một lượng nhỏ dopamine tăng cường, khiến bạn cảm thấy việc dứt khỏi màn hình điện thoại thật khó khăn, và khi trở lại công việc càng khó khăn hơn.

Caldwell cũng nêu ra các nguyên nhân khác, với người có vấn đề tiềm ẩn như trầm cảm, lo lắng, chấn thương… đều liên quan đến khả năng tập trung tư tưởng.

Trầm cảm, lo lắng, chấn thương… đều liên quan đến khả năng tập trung tư tưởng. (minh họa: Unsplash)

Giải quyết bằng cách nào?

Ai cũng biết nếu không tập trung tư tưởng sẽ gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng không những đến công việc, mà cả chất lượng cuộc sống. Vậy, có cách nào để giải quyết tình trạng này? Caldwell đưa ra những cách dưới đây:

Ngủ nhiều hơn, nếu bạn thiếu ngủ: Giấc ngủ chất lượng là chiến lược hiệu quả nhất để bạn cải thiện khả năng tập trung. Caldwell nói bạn nên cố gắng đi ngủ sớm hơn một giờ hoặc nửa giờ, loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực khỏi đầu trước khi leo lên giường, và duy trì một lịch trình ngủ nhất quán, kể cả vào cuối tuần hoặc trong thời gian vacation.

Tập thể dục cũng là cách tuyệt vời để bổ sung nguồn năng lượng tinh thần. Không có nghĩa bạn buồn buồn thì đi bộ, rảnh thì vô phòng gym ngâm nước nóng,… Bạn cần một chương trình tập luyện đều dặn, có thế mới giúp bạn cải thiện khả năng chú ý, tập trung.

Ăn uống cân bằng dinh dưỡng và nghỉ giải lao hợp lý: Theo Caldwell, việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng mới duy trì cân bằng năng lượng, giúp não bộ đủ năng lượng để làm việc. Bên cạnh đó, bạn nên kết hợp làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Đừng ngồi với computer suốt mấy tiếng đồng hồ, để khi não bộ bị… cứng đơ, khó kéo nó về trạng thái bình thường.

Thiền là một giải pháp lâu dài để giúp cải thiện khả năng tập trung. Ban đầu, bạn có thể thử một bài thiền ngắn nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc tập trung.

Cuối cùng, bạn cần lên lịch làm việc phù hợp với mình nhất. Caldwell cho rằng buổi sáng là thời gian tốt nhất để tập trung cho công việc. Buổi trưa và chiều bạn có thể nghỉ ngơi, làm một số nhiệm vụ nhẹ nhàng, vừa phải, không cần phải quá tập trung. Thực tế, có người làm việc hiệu quả vào buổi sáng, người khác phải đến chiều mới bắt tay vào làm việc trí óc được. Tóm lại, bạn cần nghĩ về thời điểm bạn làm việc hiệu quả nhất và loại nhiệm vụ nào bạn hoàn thành tốt nhất lúc đó, thì áp dụng thời gian biểu này.

Chúc bạn thành công!

Đọc thêm:

-Tập thư giãn để có giấc ngủ ngon

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: