Một nghiên cứu mới chứng minh mối liên hệ giữa áp huyết cao không được điều trị và nguy cơ mắc bệnh Alzheimer ở người lớn từ 60 tuổi trở lên.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí trực tuyến Neurology, tạp chí y khoa của Viện Hàn Lâm Thần Kinh Học Hoa Kỳ, là bản đánh giá 14 nghiên cứu quốc tế liên quan đến 31,250 người.
Những người tham gia, trung bình 72 tuổi, được theo dõi trong khoảng bốn năm để phát hiện những thay đổi về nhận thức và chẩn đoán chứng mất trí nhớ. Theo phân tích, những người bị áp huyết cao không được điều trị có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn 36% so với những người không bị áp huyết áp, và những người này có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn 42% so với những người có dùng thuốc điều trị cao áp huyết.
Thật không may, nhiều người được chẩn đoán mắc bệnh áp huyết cao không uống thuốc thường xuyên hoặc bị tăng áp huyết kháng thuốc. Trên thực tế, chỉ có khoảng một trong năm người lớn kiểm soát được tình trạng bệnh của mình, theo WHO.
Tiến Sĩ Matthew J. Lennon, tác giả nghiên cứu tại Đại Học New South Wales ở Úc lưu ý, áp huyết cao là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ và bệnh mạch máu não, nhưng có thể kiểm soát bằng thuốc, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh này. Phân tích tổng hợp đã xem xét những người lớn tuổi và phát hiện ra rằng việc không điều trị áp huyết thật sự có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh mất trí nhớ.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng kết quả của họ không chứng minh rằng áp huyết cao không được điều trị gây ra bệnh Alzheimer, mà chỉ cho thấy mối liên quan.
Lennon cho biết: “Phân tích tổng hợp của chúng tôi bao gồm những người từ khắp nơi trên thế giới phát hiện ra rằng việc dùng thuốc điều trị cao áp huyết có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer trong suốt cuộc đời sau này. Những kết quả này cho thấy việc điều trị áp huyết cao khi một người già đi vẫn tiếp tục là một yếu tố quan trọng trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.”
Nhóm nghiên cứu của Lennon lưu ý rằng một hạn chế của nghiên cứu là định nghĩa về áp huyết cao khác nhau tùy theo quốc gia, một sự không nhất quán có thể dẫn đến sự khác biệt trong chẩn đoán.
Tuy nhiên, những phát hiện này vẫn ủng hộ nghiên cứu trước đó cho rằng áp huyết cao ở người lớn tuổi có thể gây tổn thương não. Khám nghiệm tử thi trong nghiên cứu đó cho thấy nhiều dấu hiệu suy thoái và dấu hiệu đặc trưng của bệnh Alzheimer hơn ở não của những người có áp huyết cao hơn so với những người có áp huyết gần bình thường.
(theo New York Post)