Một câu hỏi quan trọng không kém là quy trình nuôi trồng và chế biến hải sản có thực sự đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn cho sức khỏe người dùng hay không?
Thế nhưng, bất chấp những lo lắng đó, tôm vẫn có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe của bạn, chẳng hạn như cung cấp nguồn protein lành mạnh, lại chứa rất nhiều selenium và vitamin B12, là những hoạt chất cần thiết cho quá trình chuyển hóa và trao đổi chất trong cơ thể.
Có thể bạn không tin, nhưng tôm là hải sản được tiêu thụ nhiều nhất ở Mỹ, theo Viện Nghiên Cứu Về Hải Sản và Vùng Biển Hoa Kỳ.
Dưới đây là những thông tin liên quan đến rủi ro thường gặp khi ăn tôm, lợi ích của tôm, và cách chọn tôm như thế nào cho tươi ngon, theo trang mạng Livestrong.
ĂN TÔM NHIỀU SẼ GẶP RỦI RO GÌ?
Như những loại thực phẩm khác, luôn có những lưu ý về sức khỏe khi ăn loại hải sản này.
1. Hàm lượng cholesterol trong tôm cao
Tôm có hàm lượng cholesterol cao; trong 85 gram tôm có lượng cholesterol tương đương một quả trứng gà.
Tuy nhiên, có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng loại cholesterol trong tôm không ảnh hưởng đến lượng cholesterol có sẵn trong cơ thể. Trong khi đó, các thực phẩm nào có chứa nhiều chất béo bão hòa và chuyển hóa mới ảnh hưởng xấu đến mức cholesterol trong cơ thể.
Do đó, trong khi 85 gram tôm có 180 miligam cholesterol, tức là nhiều hơn gấp đôi khẩu phần tương đương nhưng hàm lượng chất béo bão hòa của tôm lại ít hơn hẳn, chỉ có 0.4 gram.
2. Tôm có thể bị nhiễm tạp chất và kim loại nặng
Như những loại hải sản khác, tôm có thể được nuôi hoặc đánh bắt trong tự nhiên. Nhưng dù từ nguồn nào, tôm cũng tiềm ẩn các rủi ro cho sức khỏe và môi trường.
Theo một báo cáo phát hành trên tạp chí Food Science and Nutrition đăng hồi Tháng Bảy, 2020, thủy ngân là một chất hóa học có thể gây ra ngộ độc nguy hiểm đến tính mạng được tìm thấy ở cả tôm nuôi và tôm tự nhiên.
Thực phẩm nhiễm thủy ngân có thể làm trẻ em chậm phát triển nhận thức, suy giảm chức năng não bộ và cả khả năng sinh sản. Mặc dù cả hai loại đều có chứa thủy ngân, nhưng số lượng rất thấp và không có sự khác biệt đáng kể giữa tôm nuôi trồng và tôm đánh bắt ngoài tự nhiên.
Một tạp chất tiềm ẩn khác trong tôm là thuốc kháng sinh, thường được sử dụng để giúp tôm nuôi được phát triển khỏe mạnh.
Theo các tiêu chuẩn công nghiệp hiện nay, thuốc kháng sinh phải được dừng một hạn nhất định trước ngày thu hoạch tôm. Trên lý thuyết, luật này bảo đảm tất cả dư lượng kháng sinh trong tôm được đào thải trước khi chúng trở thành bữa ăn của chúng ta.
Thế nhưng thực tế không phải lúc nào cũng vậy. Hằng năm, Cơ Quan Quản Trị Thực Phẩm và Dược Phẩm (FDA) từ chối trung bình 29% lượng tôm nhập khẩu vào Mỹ vì dư lượng kháng sinh cao.
Các nghiên cứu trước đây cũng từng phát hiện ra có đến 68 mẫu tôm đông lạnh vẫn còn lượng kháng sinh cao tại các cửa hàng bán lẻ trên khắp nước Mỹ, dù trước đó các mẫu này đã vượt qua đợt kiểm tra dư lượng kháng sinh.
3. Tôm là nguyên nhân gây dị ứng thường gặp
Tôm, cùng với cua hay tôm hùm được biết đến là loài giáp xác. Hiện tại, ước tính có khoảng bảy triệu người ở Mỹ bị dị ứng với các loài giáp xác, theo Viện Miễn Dịch, Hen Suyễn và Dị Ứng Hoa Kỳ.
Các triệu chứng của loại dị ứng này bao gồm đau bao tử, nổi mề đay, thở khò khè, khó thở, hoa mắt, chóng mặt, hay môi và lưỡi sưng tấy.
LỢI ÍCH CỦA TÔM ĐEM LẠI CHO SỨC KHỎE
1. Hàm lượng thủy ngân thấp
Dù tôm thực sự có chứa một lượng thủy ngân nhất định, nhưng hàm lượng này thực ra sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Theo FDA, bạn chỉ cần giữ lượng thủy ngân hấp thụ thấp nhất có thể để tránh tổn thương hệ thần kinh, thận và hệ miễn dịch, đặc biệt là trẻ em.
Tôm cũng an toàn với phụ nữ có thai vì lượng thủy ngân trong tôm cực thấp, theo Hiệp Hội Thai Kỳ Hoa Kỳ. Uớc tính lượng thủy ngân đưa vào cơ thể từ việc ăn tôm ba lần một tuần thấp hơn 6% so với lượng thủy ngân cơ thể được phép dung nạp hằng tuần.
2. Lượng protein cao nhưng calories rất thấp
Tôm là một lựa chọn tốt cho sức khỏe vì nó là nguồn cung cấp protein cực cao trong khi lượng calories cực kỳ thấp. Với khẩu phần 85 gram tôm, bạn sẽ nhận được gần 20 gram protein và chỉ khoảng 100 calories.
3. Hàm lượng chất chống oxy hóa cao
Tôm không chỉ có omega-3 tốt cho sức khỏe tim mạch mà còn là một nguồn cung cấp chất chống oxy hóa astaxanthin dồi dào, chính là chất tạo nên màu hồng cam của tôm khi chín.
Tiêu thụ thực phẩm có hàm lượng astaxanthin cao có thể giúp giảm rủi ro các bệnh tim mạch vì đây là hoạt chất có khả năng chống oxy cao.
Astaxanthin trong tôm thậm chí còn có thể giúp bảo vệ làn da của bạn khỏi các tác hại của môi trường, thậm chí còn giúp ngăn ngừa làn da khô và các nếp nhăn.
4. Cung cấp omega-3 dồi dào
Tôm cũng chứa rất nhiều acid béo omega-3 tốt cho não bộ nhưng lượng omega-3 của tôm không nhiều bằng như các loại cá như cá hồi và cá mòi.
85 gram tôm có chứa 0.25 gram omega-3. Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ khuyên mọi người nên ăn 3 gram omega-3 mỗi ngày giúp hạ huyết áp cao và giảm các rủi ro bệnh tim mạch.