Giảm thính lực sớm do tích tụ ráy tai thừa hoặc tổn thương tai là hậu quả của những thói quen dùng ngón tay ngoáy lỗ tai, chọc ngoáy sâu, massage quá mạnh.
Ráy tai được tạo ra trong ống tai để bảo vệ tai khỏi bụi bẩn, vi sinh vật và các yếu tố lạ từ môi trường bên ngoài, giúp da ở ống tai không bị kích ứng khi gặp nước. Nhưng nếu các tuyến tạo ra nhiều ráy tai hơn mức cần thiết, chúng có thể trở nên rắn lại và tích tụ trong tai. Tích tụ nhiều ráy tai sẽ gây khó chịu, đau tai, ù tai và ảnh hưởng tạm thời đến thính lực. Vệ sinh tai quá nhiều hoặc quá ít đều không tốt cho tai. Làm sạch tai không đúng cách còn có thể gây tổn thương và khiến ống tai dễ bị nhiễm trùng hơn.
Vì vậy, bạn nên lưu ý thay đổi một số thói quen làm sạch mà gây hại cho tai sau đây:
Ngoáy sâu trong ống tai bằng tăm bông
Có một điều ít ai biết, đó là tai có khả năng tự làm sạch. Khi ráy tai khô đi, việc nhai hay nói sẽ giúp ráy tai tự rơi khỏi lỗ tai. Do vậy, việc lấy ráy tai là động tác thừa, nhưng nhiều người thường có thói quen này. Nếu cảm thấy ngứa tai, mọi người chỉ nên dùng tăm bông vệ sinh vùng ngoài vành và vùng nông của lỗ tai. Ngoáy sâu bằng tăm bông vô tình đẩy ráy tai sát hơn vào khu vực màng nhĩ, lâu dài tích tụ mảng bám gây nhiễm trùng cho lỗ tai. Ráy tai không được loại bỏ còn có thể bị tăm bông đẩy lên màng nhĩ gây giảm thính lực, nhiễm trùng tai.
Nếu muốn, bạn có thể lau sạch tai nhẹ nhàng bằng nước muối sinh lý vùng ngoài tai, nếu gặp phải vấn đề tai bị bít, nghẽn tai thì nên sớm gặp bác sĩ.
Tăm bông chỉ nên dùng ở vùng ngoài tai và tránh chọc ngoáy sâu trong ống tai. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, ba mẹ chỉ nên dùng tăm bông làm sạch tai khi bé trên ba tuổi vì lỗ tai của trẻ sơ sinh rất nhỏ và mong manh. Ba mẹ có thể dùng bông gòn hoặc khăn giấy mềm lau nhẹ ống tai ngoài cho bé, ráy tai ướt và nước có thể tự thấm vào bông gòn hoặc khăn giấy mềm.
Lấy ráy tai bằng dụng cụ cứng
Nhiều người thích lấy ráy tai bằng tăm gỗ hay cây kim loại bán ngoài thị trường. Tuy nhiên, do cấu trúc ống tai có độ cong nhất định và chiều dài ống tai mỗi cá nhân là khác nhau, lấy ráy tai bằng que cứng kim loại không an toàn. Thói quen này gây nguy cơ tổn thương cho tai, dễ gây trầy xước nhiễm trùng hoặc rách tai không mong muốn.
Ngoáy tai bằng ngón tay lúc đang tắm
Móng tay vốn chứa nhiều vi khuẩn, có thể gây nhiễm trùng. Thói quen cho cả ngón tay vào và ngoáy vùng ống tai lúc tắm có thể gây nhiễm khuẩn cho tai hoặc trầy xước ống tai. Bệnh nhân mắc đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường thực hiện thói quen này cũng có thể gây biến chứng viêm tai, tạo vết thương khó lành.
Trên nguyên tắc, ống tai có cơ chế tự làm sạch nên chúng ta không cần thiết phải làm sạch định kỳ. Trong trường hợp có quá nhiều ráy tai được tạo thành gây ra cảm giác khó chịu, bạn nên đến gặp bác sĩ để được khám và làm sạch ống tai khi có chỉ định. Khi triệu chứng của bạn không quá nghiêm trọng, bạn có thể nhẹ nhàng lấy phần ráy tai nằm nông ngoài cửa tai bằng khăn giấy mềm hoặc bông gòn.
Sau khi bơi hoặc tắm, vi khuẩn thường sẽ sinh sôi bên trong ống tai nếu tai bị ẩm ướt và không được lau khô. Bạn có thể giữ tai sạch, khô bằng cách nghiêng đầu sang một bên, chặn khăn mềm ở vị trí ngoài ống tai hút nước ra, thực hiện tương tự với bên tai còn lại. Đeo nút tai khi bơi cũng là cách hiệu quả tránh nước tràn vào ống tai, giúp giữ tai luôn sạch.
(theo Health/Prevention)