“Nóng muốn điên” không phải là… chuyện đùa!

Một ngày nắng nóng ở New York City (minh họa: Spencer Platt/Getty Images)

Khi nhiệt độ tăng đột biến, tỷ lệ tự tử, tội phạm và bạo lực cũng tăng theo. Twitter nhận thấy các dòng tweet thù hận và hành vi gây hấn đã gia tăng trong các đợt nắng nóng, cùng với các cụm từ mà các nhà nghiên cứu cho là có liên quan đến chứng lo âu và trầm cảm.

Bản thân ngôn ngữ của chúng ta đã thể hiện được sự giao thoa của sức nóng và cảm xúc— khi chúng ta khó chịu, chúng ta cảm thấy “nóng gáy”; khi chúng ta tức giận, chúng ta cảm thấy “sôi máu”; và khi điều gì đó trở nên quá sức, chúng ta phải “xả hơi”. TIME cho biết, giới bác sĩ và khoa học gia đang bắt đầu làm sáng tỏ mối tương tác phức tạp giữa nhiệt độ quá cao và kết quả là sức khỏe tinh thần bị giảm sút. Việc hiểu nhiệt độ cao ảnh hưởng đến não như thế nào và quan trọng hơn là cách chúng ta có thể bảo vệ bản thân và những người khác ngày càng trở nên quan trọng.

“Thật dễ hiểu việc trải qua một trải nghiệm đau thương như một cơn bão có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần như thế nào” – Shabab Wahid, một chuyên gia về sức khỏe tâm thần tại Khoa Sức khỏe Toàn cầu (Department of Global Health) của Đại học Georgetown, cho biết mối liên hệ giữa sức nóng và bệnh tâm thần không đơn giản như ví dụ vừa nêu. Wahid gần đây đã đồng xuất bản một nghiên cứu trên tạp chí The Lancet Planetary Health, cho thấy rằng ngay cả khi nhiệt độ môi trường xung quanh tăng một độ so với mức bình thường cũng góp phần làm tăng khả năng bị trầm cảm và lo lắng.

Trong khi nghiên cứu của ông tập trung vào Bangladesh, những phát hiện nói chung lại có thể áp dụng trên toàn cầu. “Ngày càng có nhiều tài liệu khoa học xác định mối liên hệ này giữa các yếu tố liên quan đến khí hậu và kết quả bất lợi về sức khỏe tâm thần. Và mọi dấu hiệu cho thấy rằng khi tình trạng biến đổi khí hậu tiếp tục trở nên tồi tệ hơn, những mối liên kết này sẽ ngày càng mạnh mẽ.”

Nắng nóng kinh người ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 23 Tháng Năm 2023 (ảnh: Kabir Jhangiani/NurPhoto via Getty Images)

Theo một nghiên cứu năm 2018 của nhà kinh tế Marshall Burke thuộc Đại học Stanford được công bố trên tạp chí Nature Climate Change, nhiệt độ trung bình tăng 1°C ở Mỹ và Mexico có tương quan với mức tăng 1% số vụ tự tử, tương ứng với việc có thêm hàng nghìn vụ tự tử hàng năm. Nghiên cứu của Burke cho thấy, nếu nhiệt độ tiếp tục tăng cao như dự đoán của các nhà khoa học khí hậu, thì sự gia tăng kết quả sẽ đủ để quét sạch những nỗ lực kết hợp của các chương trình ngăn chặn tự sát và chính sách kiểm soát súng ở Mỹ.

Robin Cooper, phó giáo sư lâm sàng tại Đại học California San Francisco và chủ tịch Climate Psychiatry Alliance, cho biết số ngày nắng nóng cực độ đang tăng lên hàng năm do biến đổi khí hậu, làm thay đổi cơ bản các tương tác xã hội và sức khỏe cá nhân, đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định tinh thần. “Chúng ta phải bắt đầu coi biến đổi khí hậu là một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần. Nếu chúng ta bỏ qua biến đổi khí hậu như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng, chúng ta đang từ bỏ vai trò là nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.”

Điều đó có nghĩa là phải đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu. Mặc dù nhiệt ảnh hưởng đến chức năng não đã được chứng minh rõ ràng, nhưng các cơ chế chính xác vẫn chưa được hiểu rõ. Các nhà khoa học chỉ ra vô số yếu tố tâm lý, xã hội và sinh học có liên quan lẫn nhau, từ giấc ngủ bị gián đoạn đến chức năng suy giảm nhiệt của các chất dẫn truyền thần kinh và hormone quan trọng.

Theo Josh Wortzel, người nghiên cứu về sự giao thoa giữa biến đổi khí hậu, sóng nhiệt và sức khỏe tâm thần tại Đại học Brown, các vụ tự tử và các sự kiện liên quan đến chứng hưng cảm và rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) có xu hướng xảy ra vào cuối mùa Xuân và đầu mùa Hè, khi nhiệt độ dễ biến động hơn. Ông nói: “Không nhất thiết là những ngày nóng nhất trong năm có liên quan đến số vụ tự tử và ý định tự tử nhiều nhất, mà chúng xảy ra khi mức thay đổi của nhiệt độ là đáng kể.”

Sinh viên UCLA, Los Angeles, California, trong một ngày nóng bức vào Tháng Tư 2023 (ảnh: Jay L. Clendenin / Los Angeles Times via Getty Images)

Phần lớn vụ việc liên quan có thể bắt nguồn từ giấc ngủ. Bất cứ ai từng trải qua đợt nắng nóng mà không có máy lạnh đều biết bạn sẽ khó có được giấc ngủ ngon. Theo thời gian, các hiệu ứng tích lũy có thể dẫn đến mất trí nhớ, thiếu tập trung và tăng tình trạng cáu kỉnh. “Giấc ngủ là một chức năng vô cùng phức tạp và việc thiếu ngủ để phục hồi sức khỏe tinh thần có rất nhiều tác động khác nhau.” Giấc ngủ bị suy giảm thường là nguyên nhân gây ra các cơn hưng cảm ở những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực, một dấu hiệu cho thấy nó đóng một chức năng quan trọng trong việc điều chỉnh tâm trạng.

Nhiệt độ cao cũng tác động đến chất dẫn truyền thần kinh serotonin, một trong những chất điều chỉnh tâm trạng quan trọng nhất của chúng ta. Serotonin có liên quan chặt chẽ đến việc kiểm soát sự hung hăng. Serotonin giúp truyền thông tin về nhiệt độ da đến vùng dưới đồi của não, vùng này sẽ kiểm soát các phản ứng run rẩy và đổ mồ hôi khi cần thiết. Bệnh nhân trầm cảm thường gặp khó khăn với quá trình điều nhiệt này; thực tế là những vấn đề này có thể được cải thiện khi bệnh nhân dùng thuốc chống trầm cảm ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc. Chúng cho thấy mối quan hệ giữa tiếp xúc với nhiệt và việc sản xuất serotonin của cơ thể.

Brit Wray, giám đốc chương trình biến đổi khí hậu và sức khỏe tâm thần của Trường Y Stanford, cho biết chấn thương khí hậu (climate trauma) đóng một vai trò quan trọng đáng kể. Những căng thẳng phức tạp đối với hệ thần kinh làm hao mòn khả năng phục hồi. Các cơ chế đối phó không thích ứng khác, chẳng hạn lạm dụng chất kích thích, bạo lực gia đình, ý định tự tử, sẽ dần dần bắt rễ. Nhìn chung, vài năm qua, các bác sĩ tâm thần ngày càng quan tâm đến việc nhiệt độ và biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần như thế nào.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Phú Quốc
Là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, Phú Quốc mang đến sự kết hợp giữa vẻ đẹp thiên nhiên, bãi biển và các điểm tham quan tuyệt vời. SCMP…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: