Silicon Valley tăng óc sáng tạo bằng… ma túy

(Ảnh: Smith Collection/Gado/Getty Images)

Các loại nấm ma thuật (magic mushroom), LSD, ketamine là các loại thuốc cung cấp năng lượng cho Silicon Valley – Wall Street Journal cho biết.

Từ trợ thủ sáng tạo

Hai doanh nhân Elon Musk của Tesla và Sergey Brin của Google thuộc phong trào dùng các loại thuốc mà những người ủng hộ chúng hy vọng sẽ “khai sáng” tư duy, cải thiện cuộc sống và tạo ra những bước đột phá trong kinh doanh. Elon Musk dùng ketamine. Sergey Brin đôi khi thích nấm ma thuật. Các giám đốc điều hành (CEO) tại công ty đầu tư mạo hiểm Founders Fund đầu tư vào SpaceX, Facebook… cũng thường tổ chức các bữa tiệc có cả thuốc tạo ảo giác.

Việc sử dụng ma túy thường xuyên đã chuyển từ một hoạt động sau giờ làm việc sang “văn hóa doanh nghiệp”, khiến nhiều hội đồng quản trị và các lãnh đạo doanh nghiệp phải lo lắng trước số đông đảo nhân viên xem thuốc tạo ảo giác là “trợ thủ sáng tạo”. Đi tiên phong có một số CEO công nghệ. Họ khuyến khích nhân viên dùng chất gây ảo giác và các chất tương tự như psilocybin, ketamine, LSD để có những bước đột phá tư duy và sáng tạo.

Karl Goldfield, cựu cố vấn tiếp thị và bán hàng ở San Francisco thường tư vấn không chính thức cho bạn bè và đồng nghiệp trong thế giới công nghệ về việc dùng liều lượng nhỏ (microdose) để có được sự tỉnh táo tối đa. Goldfield nói: “Dùng thuốc là con đường nhanh nhất để đạt được mục tiêu này”. Goldfield (không có bằng y khoa) cho biết ông phân định liều lượng khá chuẩn là… nhờ kinh nghiệm! “Số câu hỏi mà tôi nhận được về cách sử dụng microdose đã tăng lên đáng kể trong những tháng gần đây” – ông nói.

Việc sử dụng ketamine của Musk do những người từng chứng kiến ​​ông sử dụng kể lại. Còn thông tin về Brin và các thành viên của Founders Fund đến từ những người quen biết họ. Trong một tweet sau khi bài báo của Wall Street Journal được xuất bản trực tuyến, Musk cho biết ông tin ketamine là cách tốt nhất để đối phó với chứng trầm cảm so với các loại thuốc chống trầm cảm được kê đơn rộng rãi.

Phong trào microdose không phải là một thử nghiệm y tế mà đã trở thành hình thức phổ biến phải có đối với nhiều người. Nó đi kèm với rủi ro nếu lạm dụng. Hầu hết các loại thuốc tạo ảo giác và hưng phấn lưu hành tại Silicon Valley là bất hợp pháp.

Trước khi bị chết vào Tháng Tư tại San Francisco, Bob Lee, người sáng lập CashApp là tín đồ của các bữa tiệc ngầm gọi là “Phong cách sống”, nơi ảo giác được tôn vinh. Khám nghiệm tử thi cho thấy ông đã uống ketamine và vài loại thuốc khác trước khi chết. Từ lâu, Silicon Valley đã chấp nhận việc sử dụng ma túy (nhiều công ty không kiểm tra nhân viên thường xuyên) nhưng hiện tượng này đã lên cao trào khiến các chủ doanh nghiệp lo lắng về trách nhiệm khi xảy ra vấn đề. Các tín đồ thuốc lắc và các chất gây ảo giác mua chúng từ những kẻ buôn bán ma túy, trừ số ít thuê các nhà hóa học tìm giúp cho an toàn.

Theo những người quen thuộc với thế giới ngầm buôn bán thuốc cấm, tại San Francisco có một đại lý ma túy lớn nổi danh trong giới công nghệ gọi là “Costco” vì người cần có thể mua số lượng lớn với giá giảm.

Từ việc lao vào ảo giác để tìm sự minh mẫn biến thành con nghiện các bữa tiệc ma tuý ở Silicon Valley chỉ là thời gian. Lời mời dự tiệc ảo giác được gửi qua ứng dụng nhắn tin mã hóa Signal, thay vì qua email hoặc tin nhắn thường, vì vậy chúng khá kín đáo. Tại một số bữa tiệc tư nhân cao cấp, người tham dự được yêu cầu ký thỏa thuận không “mách lẻo” và lệ phí có khi lên đến cả trăm đôla. Spencer Shulem, Giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp BuildBetter.ai cho biết ông sử dụng LSD khoảng ba tháng một lần vì nó làm tăng sự tập trung và óc sáng tạo. “Khi phải làm việc một mình sau nhiều giờ, đôi khi tôi dùng một liều lượng nhỏ LSD để không ai biết. Có lúc tôi dùng liều lượng lớn hơn kết hợp với đi bộ đường dài”.

Biến thành con nghiện

Chính các bác sĩ và nhà nghiên cứu trong khi tìm kiếm giải pháp mới cho các vấn đề sức khỏe tâm thần đã tạo ra những loại thuốc mà họ không nghĩ là “công cụ cạnh tranh” của thế giới công nghệ. Ketamine từ lâu đã được các bác sĩ sử dụng làm thuốc gây mê, đôi khi được kê đơn điều trị trầm cảm hoặc rối loạn căng thẳng sau chấn thương (thường dạng thuốc viên hoặc tiêm tại các phòng khám).

Sử dụng ảo giác là chủ đề cuốn sách bán chạy “How to Change Your Mind” (Cách thay đổi suy nghĩ) xuất bản năm 2018 của tác giả Michael Pollan. Theo công ty nghiên cứu BrandEssence, giá trị của thị trường ma túy ảo giác dự kiến sẽ đạt $11.8 tỷ vào năm 2029, tăng từ $4.9 tỷ vào năm 2022.

Khi được hỏi tại sao phải cần đến ma tuý, người phát ngôn của Founders Fund giải thích: “Nghiên cứu cho thấy thuốc ảo giác có thể mang lại những lợi ích đáng kể cho sức khỏe tâm thần, miễn là nó an toàn và hợp pháp”. Trong khi một số nhân viên công nghệ nói rằng thuốc ảo giác mang lại lợi ích y tế, hầu hết đều tự mua thuốc dùng mà không có chỉ định của bác sĩ. Edward Sullivan, CEO Velocity Coaching, một doanh nghiệp chuyên huấn luyện các nhà sáng lập công ty khởi nghiệp và CEO công ty, nhận định: “Một vài năm trước, nói về ảo giác ở Thung lũng Silicon là điều tối kỵ. Nay thì khác”.

Ông cho biết khoảng 40% khách hàng của ông quan tâm đến thuốc ảo giác, tăng so với một số ít cách đây năm năm. Velocity Coaching đang giúp các công ty và ban lãnh đạo điều hướng việc sử dụng ma túy với liều lượng vừa đủ để tăng cường sự tập trung, giải toả lo lắng. Sullivan cảnh báo là nếu sử dụng thuốc ảo giác mà không có sự trợ giúp của các chuyên gia được đào tạo bài bản, người dùng có thể có hành vi tự hủy hoại bản thân hơn là phục hồi.

Đó là những gì đã xảy ra với Tony Hsieh, cựu CEO Zappos (thuộc sở hữu của Amazon.com) chết vào cuối năm 2020 sau khi bị thương trong một vụ cháy. Hsieh tin rằng ketamine có thể giúp ông “giải” được những thách thức kinh doanh nhưng càng lúc càng lạm dụng. Dưới áp lực từ Amazon, Hsieh đã từ chức và không lâu sau qua đời.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: