Suy nghĩ tiêu cực là thói quen của rất nhiều người trong mọi thế hệ và có sức ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tinh thần và sức khỏe tổng thể. Khi các cá nhân liên tục suy nghĩ một cách tiêu cực, họ sẽ gây ra một loạt các vấn đề về cảm xúc, nhận thức và hành vi cho chính mình.
Dưới đây là một số tác động phổ biến của việc suy nghĩ tiêu cực đối với sức khỏe tâm thần:
Tăng căng thẳng và lo lắng: Suy nghĩ tiêu cực thường liên quan đến việc lo lắng quá mức, nghi ngờ bản thân và lo sợ về tương lai. Trạng thái dự đoán tiêu cực kinh niên này thường dẫn đến mức độ căng thẳng và lo lắng tăng cao, khiến các cá nhân khó thư giãn và cảm thấy thoải mái trong cuộc sống.
Trầm cảm: Việc suy nghĩ thiếu tích cực kéo dài góp phần vào sự phát triển hoặc làm trầm trọng thêm chứng trầm cảm. Thường xuyên chìm đắm trong những tư tưởng tiêu cực, cảm giác tuyệt vọng và xúc cảm tiêu cực nói chung sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tâm trạng và mức năng lượng của một người.
Hạ thấp lòng tự trọng và sự tự tin: Những suy nghĩ tiêu cực có xu hướng tập trung vào những sai sót, thất bại hoặc thiếu sót của mỗi cá nhân. Việc liên tục tự phê bình này sẽ làm xói mòn lòng tự trọng và sự tự tin, khiến các cá nhân khó tin vào bản thân và khả năng của mình hơn.
Bóp méo nhận thức: Suy nghĩ không lành mạnh thường liên quan đến biến dạng nhận thức, đó là những kiểu suy nghĩ phi lý củng cố niềm tin tiêu cực. Những biến dạng nhận thức phổ biến bao gồm suy nghĩ trắng đen, khái quát hóa quá mức và vội vàng đưa ra kết luận.
Rời xa xã hội: Những người có suy nghĩ tiêu cực thường có thói quen xa lánh xã hội. Nguyên nhân chủ yếu là do họ sợ bị người khác phán xét hoặc từ chối và dẫn đến việc né tránh các tương tác xã hội, khiến cho họ luôn có cảm giác cô đơn và bị cô lập.
Các vấn đề về sức khỏe thể chất: Suy nghĩ tiêu cực và căng thẳng mãn tính cũng làm ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất. Những thói quen xấu này có khả năng làm suy yếu hệ thống miễn dịch, tăng huyết áp và góp phần gây ra các vấn đề sức khỏe khác liên quan đến căng thẳng.
Tác động xấu đến việc ra quyết định: Suy nghĩ không tích cực còn làm lu mờ quá trình phán đoán và ra quyết định, khiến các cá nhân tập trung vào các tình huống xấu nhất hoặc tránh chấp nhận những rủi ro cần thiết, cản trở sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp.
Chu kỳ của những suy nghĩ tiêu cực: Những suy nghĩ tiêu cực tạo ra một chu kỳ tự tồn tại, trong đó những suy nghĩ tiêu cực dẫn đến những cảm xúc tiêu cực, từ đó củng cố những suy nghĩ tiêu cực. Thoát khỏi chu kỳ này là một thách thức đối với nhiều người nếu không có sự can thiệp hoặc hỗ trợ từ phía bên ngoài.
Điều quan trọng cần lưu ý là việc suy nghĩ tiêu cực là một khía cạnh phổ biến trong nhận thức của con người và mọi người thỉnh thoảng đều trải qua những suy nghĩ không lành mạnh. Tuy nhiên, thói quen này trở thành vấn đề khi các kiểu suy nghĩ tiêu cực chi phối cảnh quan tinh thần của một người và cản trở hoạt động hàng ngày cũng như hạnh phúc tổng thể.
Nếu bạn hoặc ai đó mà bạn biết đang đấu tranh với lối suy nghĩ thiếu tích cực và tác động của việc làm này đối với sức khỏe tâm thần, thì việc tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp từ nhà trị liệu, cố vấn hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần sẽ rất hữu ích.
Liệu pháp nhận thức-hành vi là một trong những phương pháp tiếp cận dựa trên bằng chứng sẽ giúp các cá nhân xác định và sửa đổi các kiểu suy nghĩ không lành mạnh để cải thiện sức khỏe tinh thần.
Ngoài ra, thực hành chánh niệm, tham gia vào các hoạt động tích cực và xây dựng mạng lưới xã hội hỗ trợ cũng góp phần xây dựng khả năng phục hồi chống lại tác động của việc suy nghĩ tiêu cực.
(theo Medium)