Theo một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Annals of Internal Medicine (dẫn lại từ CNN), uống cà phê dù có đường vừa phải hay không đường đều có thể kéo giảm nguy cơ tử vong so với không uống đồ uống này. Cà phê hòa tan hoặc cà phê pha bằng lọc chứa ít chất diterpenes gây bệnh tim mạch nhất
Các nhà nghiên cứu đã hỏi 171,616 người tham gia cuộc khảo sát ở Vương quốc Anh năm lần trong một năm về lối sống của họ, bao gồm cả thói quen uống cà phê. Họ độ tuổi từ 37 đến 73 và không mắc bệnh tim mạch hoặc ung thư tại thời điểm khảo sát. Sau nhiều năm khảo sát, nhóm nghiên cứu tìm đọc giấy chứng tử để xem ai trong số này đã qua đời trung bình sau bảy năm tham gia nghiên cứu.
Kết quả cho thấy đối với những người uống một lượng cà phê vừa phải, từ 1.5 đến 3.5 tách mỗi ngày và những người uống cà phê ngọt vừa phải có nguy cơ tử vong thấp hơn khoảng 30% so với những người hoàn toàn không uống cà phê. Những người uống cà phê không đường có nguy cơ tử vong thấp hơn từ 16% đến 29% so với những người không uống cà phê. Kết quả đối với những người sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo (đường giả) trong cà phê kém rõ ràng hơn, vì vậy các nhà nghiên cứu không thể đưa ra bất kỳ kết luận nào đối với những người dùng đường thay thế.
Tiến sĩ Christina Wee, giáo sư y khoa tại Trường Y Harvard, Phó tổng biên tập Annals of Internal Medicine, người không tham gia nghiên cứu cho biết như thế. Kết quả nghiên cứu đã được điều chỉnh cho các yếu tố xã hội, lối sống và lâm sàng để loại bỏ ảnh hưởng của chúng đến kết quả. Ví dụ, nhóm nghiên cứu đã đặt câu hỏi về mức độ nghiện thuốc lá, cường độ hoạt động thể chất, trình độ học vấn và thói quen ăn uống.
Wee nói: “Nhưng nghiên cứu cũng có hạn chế nhỏ vì các nhà nghiên cứu không hỏi về các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến kết quả như mức thu nhập và nghề nghiệp”. Uống cà phê giúp sống lâu, nhưng nếu bạn uống cà phê quá nhiều đường, bạn sẽ hết may mắn. Theo nghiên cứu, những người uống cà phê trung bình cho biết họ chỉ làm ngọt tách cà phê bằng một muỗng nhỏ đường. “Một muỗng đường cho vào cà phê sẽ không làm mất đi những lợi ích của cà phê. Nhưng nhiều hơn là không tốt” – Wee nói. Dựa trên nghiên cứu này, các bác sĩ lâm sàng có thể an tâm nói với những bệnh nhân có thói quen uống cà phê (trừ một số trường hợp đặc biệt) là không cần loại bỏ đồ uống này khỏi chế độ ăn kiêng mà chỉ cần thận trọng với các loại cà phê có nhiều đường và hàm lượng calo cao.
Cà phê ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?
Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng uống cà phê có thể bảo vệ tim mạch và hỗ trợ điều trị các bệnh khác. Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy cà phê cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề về gan. Theo Gunter Kuhnle, giáo sư dinh dưỡng và khoa học thực phẩm tại Đại học Reading ở Vương quốc Anh, cà phê cũng có những ảnh hưởng sức khỏe khác nhau, tùy thuộc vào cách nó được sản xuất. “Một số loại có chứa các hợp chất phenolic, được cho là có lợi. Những hợp chất hóa học này ảnh hưởng đến mùi vị và hương thơm của cà phê và có thể hoạt động như chất chống oxy hóa với đặc tính chống viêm và chống lão hóa” – ông nói.
Hai loại cà phê phổ biến nhất là arabica và robusta. Nghiên cứu cho thấy cà phê robusta có hàm lượng phenolic cao hơn cà phê arabica. Hạt cà phê xanh chưa rang có chứa hàm lượng cao các hợp chất phenolic, nhưng mùi thơm kém đi khi ủ khiến người ta phải rang chúng. Tuỳ mức độ rang, một số hợp chất phenol sẽ bị phá vỡ. Cách pha cà phê cũng có thể làm tăng hàm lượng diterpenes. Đây là một hợp chất hóa học có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Theo một nghiên cứu năm 2016, cà phê đun sôi trực tiếp và cà phê ép kiểu Pháp chứa một lượng diterpenes cao nhất. Cà phê pha phin hay đổ nước sôi vào là tốt nhất. Ngoài ra, cà phê mocha và cà phê espresso chứa lượng diterpenes vừa phải trong khi cà phê hòa tan hoặc cà phê pha bằng lọc chứa ít diterpenes nhất.