Thiếu ngủ sâu liên quan đến tổn thương não

Minh họa: bruce-mars-unsplash

Một nghiên cứu mới cho thấy chứng ngưng thở khi ngủ (apne) không được kiểm soát (người bị ảnh hưởng ngừng thở từ 10 giây trở lên nhiều lần trong đêm) có thể ảnh hưởng đến sức khỏe não bộ trong tương lai.

Một triệu chứng không thể xem thường

Nếu ngưng thở khi ngủ và không được điều trị, nguy cơ tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào cũng sẽ cao gấp ba lần. Ước tính có 936 triệu người trưởng thành trên toàn thế giới trong độ tuổi từ 30-69 có thể bị ngưng thở khi ngủ nhưng không phải ai cũng biết và được chẩn đoán.

Theo nghiên cứu, những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ thì thời gian ngủ sâu (còn được gọi là giấc ngủ sóng chậm-slow-wave sleep) của họ sẽ ít hơn và có nhiều tổn thương đối với chất trắng (white matter-mô hình thành các kết nối giữa các tế bào não và phần còn lại của hệ thần kinh) của não hơn so với những người có thời gian ngủ sâu nhiều.

Giảm thời gian ngủ sâu làm tăng nguy cơ phát triển huyết áp cao, béo phì và khó điều chỉnh lượng đường trong máu. Khi quét não, số đốm trắng nhỏ được gọi là “white matter hyperintensities-WMH” thể hiện mức tổn thương ở người thiếu ngủ sâu kéo dài. Đồng tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Diego Carvalho, nhà thần kinh học tại Mayo Clinic ở Rochester, Minnesota cho biết:

“Cứ giảm 10% thời gian dành cho giấc ngủ sâu, số WMH trong não tăng tương đương với việc già đi 2-3 tuổi. Hiện tượng này chỉ xuất hiện ở các trường hợp ngưng thở khi ngủ nghiêm trọng, còn từ nhẹ đến trung bình, WMH không thay đổi đáng kể. Hiện chưa có phương pháp điều trị nào để giảm số WMH trong não, vì vậy chúng ta cần tìm cách ngăn chặn nó xuất hiện hoặc xuất hiện nhiều hơn”.

Theo các chuyên gia, có nhiều WMH hơn sẽ làm chậm khả năng xử lý thông tin, dẫn đến mất khả năng tập trung và ghi nhớ của não. WMH nhiều cũng liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo lắng, cáu kỉnh. Chuyên gia về giấc ngủ Kristen Knutson, phó giáo sư về thần kinh học và y tế dự phòng tại Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern ở Chicago nhận định: “Phát hiện của nghiên cứu mới phù hợp với tài liệu chỉ ra rằng giấc ngủ, gồm cả giấc ngủ sâu, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe não bộ. Chúng tôi cũng thấy mối tương quan giữa chất lượng giấc ngủ kém và huyết áp cao. Huyết áp cao có thể dẫn đến tổn thương não hoặc đột quỵ”.

Nội dung nghiên cứu mới

Kết quả “Nghiên cứu Lão hóa Mayo Clinic” (Mayo Clinic Study of Aging) được công bố vào ngày 10 Tháng Năm trên tạp chí Neurology với 140 người tham gia có độ tuổi trung bình 72. Tất cả đều không mắc chứng mất trí nhớ và không bị suy giảm nhận thức và được chụp cộng hưởng từ (MRI) hai loại khác nhau. Khoảng 34% người tham gia bị ngưng thở khi ngủ cấp độ nhẹ, 32% bị ngưng thở khi ngủ cấp độ vừa và 34% bị ngưng thở khi ngủ cấp độ nặng. Carvalho giải thích:

“Với chứng ngưng thở khi ngủ, oxy giảm xuống và nồng độ CO2 (carbon dioxide), huyết áp và nhịp tim tăng lên. Tất cả những thay đổi này dẫn đến tăng khả năng bị viêm trong cơ thể và não, kích hoạt các hormone gây căng thẳng làm tăng huyết áp và ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất khiến máu dễ đặc hơn, dẫn đến đột quỵ. Máu cung cấp ít đến não cũng gây chết một số tế bào thần kinh, suy giảm chất trắng dẫn đến suy giảm nhận thức”.

Sau khi loại bỏ các yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự thay đổi của não bộ như tuổi tác, huyết áp cao và cholesterol, nghiên cứu cho thấy mỗi lần giảm 10% thời gian ngủ sâu sẽ bằng ba năm già đi. Kiểm tra WMH cho kết quả tương tự. Não của bệnh nhân chỉ ngủ sâu có 5% trong tổng số thời gian ngủ sâu trông già hơn 4,6 tuổi so với bệnh nhân ngủ sâu 25% thời gian. Một số tổn thương chất trắng ở tuổi trung niên khoảng 45 tuổi là do tiếp xúc nhiều lần với ô nhiễm, căng thẳng và bị bệnh tim mạch. Những tổn thương như thế đều làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức, bị bệnh Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác.

Cần có thêm các nghiên cứu kiểm chứng

“Tuy nhiên, việc chất trắng bị tổn thương không hoàn toàn là nguyên nhân của sự suy giảm tinh thần nghiêm trọng – tiến sĩ Richard Isaacson, nhà thần kinh học dự phòng nghiên cứu bệnh Alzheimer tại Viện các bệnh thoái hóa thần kinh ở Florida, nhấn mạnh – Mắc bệnh chất trắng không hề tốt nhưng nó có ý nghĩa lâm sàng như thế nào thì khó đánh giá và không phải lúc nào cũng chuyển thành triệu chứng lâm sàng”.

Knutson lưu ý thêm: “Ngoài ra, cần có thêm các nghiên cứu nữa để hiểu mối quan hệ giữa ngưng thở khi ngủ và những thay đổi trong não. Có thể tỷ lệ giấc ngủ sâu ít hơn là do giấc ngủ bị phân mảnh vì nghẽn đường thở. Nhưng nghiên cứu đã chứng minh giấc ngủ sâu rất quan trọng đối với sức khỏe tim mạch và não bộ”.

Trong giai đoạn đầu và thứ hai của giấc ngủ, cơ thể bắt đầu giảm nhịp điệu để dẫn đến giai đoạn thứ ba là giấc ngủ sâu để cơ thể tự phục hồi ở cấp độ tế bào, khắc phục thiệt hại do hao tổn trong ngày và củng cố ký ức thành bộ nhớ lâu dài. Nhiều năm nghiên cứu đã chỉ ra rằng giấc ngủ, đặc biệt là giấc ngủ sâu nhất, có tác dụng chữa bệnh rất tốt và giúp tăng cường chức năng miễn dịch.

“Khi ngủ sâu cũng là lúc cơ thể đào thải ‘rác’ trong não, gồm cả beta amyloid, một trong những dấu hiệu đặc trưng của bệnh Alzheimer” – Isaacson nói. Ngủ sâu được xem là giấc ngủ có chất lượng tốt nhất. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), vì mỗi chu kỳ ngủ kéo dài khoảng 90 phút nên hầu hết người trưởng thành cần ngủ từ 7 đến 8 giờ ít bị gián đoạn để giấc ngủ có giá trị phục hồi cho cơ thể.

Tuy nhiên, những người bị ngưng thở khi ngủ thức hàng chục lần trong đêm khi ngáy, khịt mũi hoặc thở hổn hển, khiến giấc ngủ ban đêm bị xé nhỏ. Sự gián đoạn liên tục khiến họ khó ngủ đủ sâu để chuyển sang giai đoạn cuối “chuyển động mắt nhanh” (rapid eye movement-giấc ngủ REM) nơi những giấc mơ xuất hiện. Các nghiên cứu chỉ ra rằng thiếu giấc ngủ REM sẽ dẫn đến suy giảm trí nhớ dẫn đến nhận thức kém, bệnh tim và các bệnh mãn tính khác cũng như tử vong sớm.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: