SAN FRANCISCO, California (SGN) – Trầm cảm là một chứng rối loạn tâm trạng ảnh hưởng đến hơn 17 triệu người trưởng thành chỉ riêng ở Mỹ.
Tuy nhiên, con số thực tế được cho là cao hơn nhiều,vì nhiều người bị trầm cảm không tìm cách điều trị vì nhiều lý do khác nhau. Rối loạn trầm cảm được điều trị bằng thuốc, liệu pháp tâm lý, thay đổi lối sống, bao gồm cả việc ăn uống.
Các nghiên cứu cho thấy rằng vitamin, khoáng chất, thảo mộc và một số hợp chất đặc biệt hiệu quả trong việc cải thiện triệu chứng trầm cảm, theo trang mạng Healthline.
1. Vitamin D
Vitamin D là một chất dinh dưỡng quan trọng đóng nhiều vai trò thiết yếu trong cơ thể. Thật không may, nhiều người không có đủ lượng vitamin D, bao gồm cả những người bị trầm cảm. Nghiên cứu cho thấy rằng những người bị trầm cảm có nhiều khả năng bị thấp hoặc thiếu vitamin D. Vitamin D có thể chống lại chứng trầm cảm thông qua một số cơ chế, bao gồm giảm viêm, điều chỉnh tâm trạng và bảo vệ chống lại rối loạn chức năng nhận thức thần kinh
Một đánh giá năm 2019 về bốn thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng cho thấy bổ sung vitamin D dẫn đến lợi ích lâm sàng ở những người bị trầm cảm nặng.
2. Rhodiola (Rhodiola rosea)
Rhodiola là một loại thảo mộc có liên quan đến nhiều lợi ích sức khỏe tiềm năng khi được dùng ở dạng bổ sung. Chúng bao gồm giảm các triệu chứng trầm cảm và cải thiện phản ứng với căng thẳng, giúp cơ thể bạn thích nghi với các tình huống căng thẳng.
Loại thảo mộc này phát huy tác dụng chống trầm cảm thông qua khả năng tăng cường giao tiếp tế bào thần kinh và giảm hoạt động quá mức của trục dưới tuyến yên-vỏ thượng thận (HPA.) Trục HPA là một hệ thống phức tạp điều chỉnh phản ứng căng thẳng của cơ thể con người. Khi trục HPA hoạt động quá mức, nó sẽ dẫn đến bệnh trầm cảm.
Khi cơ thể nạp chất bổ sung bao gồm rhodiola và nghệ tây có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng trầm cảm và lo lắng ở người lớn bị trầm cảm nhẹ đến trung bình sau sáu tuần.
3. NAC (N-acetylcysteine)
NAC là tiền thân của các acid amin L-cysteine và glutathione, được coi là một trong những chất chống oxy hóa quan trọng nhất trong cơ thể. Bên cạnh đó, L-cysteine và glutathione còn điều chỉnh tình trạng viêm và bảo vệ tế bào chống lại tác hại của quá trình oxy hóa.
Uống NAC đã được chứng minh là mang lại một số lợi ích cho sức khỏe, bao gồm tăng mức độ glutathione trong cơ thể. Hơn nữa, NAC cải thiện chứng rối loạn điều hòa dẫn truyền thần kinh ở những người bị rối loạn tâm thần.
4. Acid béo Omega-3
Một số nghiên cứu cho thấy bổ sung omega-3 có thể giúp điều trị chứng trầm cảm. Trong một bảng phân tích năm 2020 về các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên của 638 phụ nữ cho thấy rằng các chất bổ sung acid béo omega-3 cải thiện đáng kể các triệu chứng trầm cảm ở phụ nữ mang thai và sau khi sinh.
5. Saffron
Nghệ tây là một loại gia vị chứa các hợp chất chống oxy hóa, bao gồm cả carotenoid crocin và crocetin. Các nhà khoa học từng làm năm thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng cho thấy rằng việc bổ sung nghệ tây làm giảm đáng kể các triệu chứng trầm cảm ở người lớn mắc chứng MDD so với phương pháp điều trị khác.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng cần phải có những thí nghiệm sâu hơn với thời gian theo dõi dài hơn để đánh giá tốt hơn khả năng của nghệ tây trong việc giúp điều trị chứng trầm cảm
6. Vitamin nhóm B
Vitamin B đóng vai trò quan trọng trong chức năng thần kinh và điều hòa cảm xúc. Các vitamin B, bao gồm folate, B12 và B6, cần thiết cho việc sản xuất và điều chỉnh chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, acid gamma-aminobutyric (GABA) và dopamine.
Khi thiếu hụt vitamin B12 và folate có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm, và việc bổ sung những chất dinh dưỡng này có thể giúp giảm các triệu chứng trầm cảm ở một số nhóm dân số nhất định. Ví dụ, bổ sung folate có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh trầm cảm kháng điều trị ở trẻ em và người lớn bị đột biến gen ảnh hưởng đến chuyển hóa folate.
Vitamin B6 cũng được tìm thấy cải thiện các triệu chứng trầm cảm khi được sử dụng kết hợp với các chất dinh dưỡng khác, bao gồm tryptophan và một dạng vitamin B3 được gọi là nicotinamide.