Ứng dụng điện thoại nhắc thời điểm cần ‘xả nước cứu thân’

(minh họa: Giorgio Trovato/Unsplash)

Các nhà khoa học vừa cho ra một thiết bị đặc biệt có liên quan đến… bàng quang, để người dùng biết còn bao lâu nữa họ cần đi tiểu.

Theo một bài báo mới trên tạp chí Proceedings của Viện Hàn Lâm Khoa Học Quốc Gia (National Academy of Sciences), thiết bị này nằm trong bàng quang và truyền dữ liệu về mức độ đầy của bàng quang tới một ứng dụng dành cho điện thoại thông minh, cho phép người dùng biết họ còn nhịn được bao lâu nữa cho đến khi phải đi vệ sinh.

Hàng triệu người ở Hoa Kỳ bị rối loạn chức năng bàng quang do chấn thương hoặc dị tật bẩm sinh. Việc không thể biết được khi nào bàng quang đầy là nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng và tổn thương thận.

Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng điều này sẽ giúp những người khuyết tật hoặc bị liệt biết khi nào họ cần “xả nước cứu thân.”

Thiết bị này là một máy cấy ghép nhỏ, linh hoạt, không dùng pin, đặt trên thành bàng quang. Đây là cảm biến điện tử sinh học dài hạn đầu tiên về tình trạng đầy bàng quang được phát triển. Nó được hy vọng sẽ mang tính đổi mới cho những người gặp vấn đề về cảm nhận mức độ đầy của bàng quang do các tình trạng sức khỏe, ảnh hưởng đến dây thần kinh bàng quang, chẳng hạn như ung thư bàng quang, liệt hoặc nứt đốt sống. Theo Newsweek.

Hình ảnh thận bị chấn thương. (minh họa: BSIP/Universal Images Group via Getty Images)

Đồng tác giả nghiên cứu Guillermo Ameer, giáo sư phẫu thuật tại Trường Y Feinberg của Đại Học Northwestern, cho biết trong một tuyên bố: “Nếu dây thần kinh bàng quang bị tổn thương do phẫu thuật hoặc do một căn bệnh như tật nứt đốt sống, bệnh nhân thường mất cảm giác và không biết rằng bàng quang của mình đã đầy.

Để xả nước trong bàng quang, họ thường phải sử dụng ống thông, gây khó chịu và có thể dẫn đến nhiễm trùng đau đớn. Chúng tôi không muốn dùng ống thông và bỏ qua các thủ tục theo dõi chức năng bàng quang hiện tại, có tính xâm lấn cao, rất khó chịu và phải được thực hiện trong bệnh viện hoặc cơ sở lâm sàng.”

Thiết bị sử dụng Bluetooth để gửi dữ liệu đến điện thoại của người dùng và được theo dõi trên một ứng dụng. Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng cảm biến này hỗ trợ các bác sĩ theo dõi từ xa chức năng bàng quang của bệnh nhân và nhờ vào đó, theo dõi mọi vấn đề mới về sức khỏe của bệnh nhân.

Chiếc máy này hoạt động bằng cách sử dụng một số cảm biến để đo mức độ căng thẳng trên thành bàng quang. Khi đầy, nó sẽ giãn ra, làm tăng mức độ căng mà thiết bị phát hiện được.

Đồng tác giả John A. Rogers, giáo sư khoa học và kỹ thuật vật liệu, kỹ thuật y sinh và phẫu thuật thần kinh tại McCormick và Feinberg, cho biết trong tuyên bố: “Tiến bộ quan trọng ở đây là phát triển các máy đo độ căng siêu mềm, siêu mỏng, có khả năng co giãn, nhẹ nhàng quấn bề mặt bên ngoài của bàng quang mà không áp đặt bất kỳ ràng buộc cơ học nào lên hành vi làm đầy và bài tiết tự nhiên.”

Thiết bị này lần đầu tiên được thử nghiệm trong khoảng thời gian 30 ngày ở động vật nhỏ và thử nghiệm kéo dài 8 tuần ở loài linh trưởng không phải con người.

Ameer nói rằng đây là công trình đầu tiên được mở rộng quy mô để sử dụng cho con người. Họ đã chứng minh được chức năng tiềm năng lâu dài của công nghệ. Tùy vào trường hợp sử dụng, các nhà nghiên cứu có thể thiết kế công nghệ này để tồn tại vĩnh viễn bên trong cơ thể hoặc phân hủy một cách vô hại sau khi bệnh nhân hồi phục hoàn toàn.

Các nhà khoa học hy vọng họ sẽ nghiên cứu việc sử dụng thiết bị mới này để kích thích bàng quang theo cách cho phép người dùng đi tiểu bất kỳ khi nào họ muốn, và mong một ngày nào đó thiết bị này sẽ được sử dụng để tái tạo chức năng của toàn bộ bàng quang.

Trong một bài báo đăng trên tạp chí PNAS Nexus vào tháng trước, các tác giả mô tả cách họ phát triển một miếng vá bàng quang tổng hợp được gieo hạt tế bào gốc của bệnh nhân – được gọi là giàn giáo tái tạo – cho phép hàn gắn bàng quang mà không cần sử dụng các các mô khác.

Các nhà nghiên cứu đang nỗ lực tích hợp công nghệ tái tạo với công nghệ theo dõi bàng quang không dây mới này để khôi phục chức năng bàng quang và theo dõi quá trình phục hồi sau phẫu thuật.

Ameer nói: “Công việc này là một bước gần hơn đến với các hệ thống tái tạo thông minh, là các thiết bị hỗ trợ tái tạo được cấy ghép có khả năng thăm dò môi trường vi mô của chúng, báo cáo theo đường không dây những phát hiện đó bên ngoài cơ thể, cho bệnh nhân, người chăm sóc hoặc nhà sản xuất, và cho phép phản hồi theo yêu cầu hoặc được lập trình để thay đổi hướng đi và cải thiện hiệu suất hoặc độ an toàn của thiết bị.”

Đồng tác giả Arun Sharma, phó giáo sư nghiên cứu về tiết niệu tại Feinberg và kỹ thuật y sinh tại McCormick, cho biết trong tuyên bố rằng công nghệ này cho thấy một tiến bộ đáng kể trong ngành y học, vì hiện tại không có phương pháp tiếp cận dựa trên kỹ thuật mô nào khác dành cho những bệnh nhân này.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: