Não chúng ta được lập trình để cho phép những lời dối trá trở thành đáng tin cậy ở một mức độ đáng ngạc nhiên. Một câu chuyện kể có lớp lang thứ tự dù là bịa đặt sẽ có sức thuyết phục lớn hơn những câu chuyện thực nhưng được kể lại một cách manh mún.
Từ tin đồn chuối ăn thịt
Nếu bạn cần bằng chứng về sự cả tin của con người thì hãy xem lại cuộc tấn công của tin đồn “chuối ăn thịt” (flesh-eating bananas) cách nay không lâu. Tháng Một 2000, một loạt email cho biết chuối tươi nhập bị nhiễm mầm bệnh hoại tử “necrotizing fasciitis”, một dạng bệnh hiếm làm cho da phồng lên những mụn dộp đỏ trước khi phân rã và tróc ra đến tận xương. Theo các email này, Cơ quan quản lý thực-dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cố che giấu thảm hoạ để tránh gây ra cơn hoảng loạn của dân chúng. Đối mặt với lời đe doạ, nhiều người nhận email được khuyến khích hãy phát tán ngay tin này đến gia đình và bạn bè. Dĩ nhiên, tin đồn là vô lý.
Tuy nhiên, đến ngày 28 Tháng Một, sự quan tâm đã đủ lớn để Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Bệnh lây Mỹ (CDC) đưa ra thông báo phủ nhận hoàn toàn tin đồn. Quá trễ! Thay vì trấn áp tin đồn, họ chỉ đổ thêm dầu vào lửa. Trong vòng vài tuần, CDC nghe được rất nhiều cú gọi điện yêu cầu giải đáp khiến cơ quan phải thành lập đường dây nóng về chuối. Nhưng thông tin bị bóp méo, cắt xén đến nỗi nhiều người bắt đầu xem CDC chính là… nơi phát xuất tin đồn! Thậm chí cho đến hôm nay, thỉnh thoảng lại có một tin đồn mới làm sống lại nỗi lo sợ này dù không ai rõ chúng xuất phát từ đâu và chưa bao giờ được chứng minh.
Vụ chuối nhiễm bệnh hoại tử có thể chỉ là chuyện khôi hài chốc lát, nhưng cách não chúng ta tin vào các tin đồn “như thật” có thể tạo ra nhựng hậu quả nghiêm trọng không lường trước được. Chúng ta có thể cười khi đọc được một thuyết hoang đường về người ngoài hành tinh hay những gì tương tự về ca sĩ lão Paul McCartney, ca sĩ trẻ Miley Cyrus và nữ diễn viên sexy Megan Fox.
Tất cả đều cho là đã bị giết và được thế thân bằng người khác. Nhưng thật không may bộ não con người có vẻ như được lập trình để chấp nhận những lý lẽ, giải thích êm tai, dù là đơm đặt nên đã tạo cơ hội cho sự dối trá phát tán và dễ được tin như thật. Ví dụ có người tin rằng HIV/AIDS là vô hại và chỉ cần bổ xung vitamin là có thể chữa được căn bệnh thế kỷ này! Rồi thảm kịch 11 Tháng Chín là “kịch bản của chính phủ Mỹ” để có cớ chống Hồi giáo và xâm nhập, hoặc đội nón có lót lớp giấy thiếc sẽ giúp vô hiệu hóa chiếc máy đọc tư tưởng của FBI!
Phẫu thuật sự cả tin của con người
Tại sao có nhiều người cả tin vào những tin đồn mà chứng cứ không có hoặc không bao giờ có? Và tại sao chúng ta càng cố gắng phủ nhận nó càng làm nó phát tán hơn theo lối lập luận “không có lửa sao có khói?”. Câu hỏi trên không liên quan gì đến trí thông minh, vì ngay cả những người từng thắng giải Nobel cũng có lúc tin vào các lý thuyết kỳ cục và không có cơ sở. Tuy nhiên, nhiều tiến bộ trong nghiên cứu tâm lý mới đây có thể đưa ra câu trả lời. Kết quả nghiên cứu cho thấy không khó khăn gì để “xây dựng” một tin giả đánh lừa được bộ lọc của não.
Một giải thích cho hiện tượng dễ tin vào tin đồn là sự vắng mặt của nhận thức. Để tiết kiệm thời gian và năng lượng, não chúng ta thường sử dụng trực giác và linh cảm thay cho việc phân tích thấu đáo các tin đồn. Ví dụ, khi được mời trả lời nhanh câu hỏi “Bao nhiêu loài thú được Moses đưa lên con tàu khổng lồ Ark trong cơn đại hồng thuỷ?”, hoặc câu hỏi “bà Margaret Thatcher là tổng thống của nước nào?”. Từ 10-50% người được hỏi không biết Noah mới chính là người xây dựng con tàu Ark chứ không phải Moses và bà Margaret Thatcher là thủ tướng chứ không phải tổng thống.
Nguyên nhân chính là họ phản ứng quá nhanh đến nỗi quên đi những từ “bẫy” trong câu hỏi. Hai từ bẫy ở đây là “Moses” và “tổng thống”. Các nhà khoa học thường dùng từ “Ảo giác Moses” để minh họa cho việc chúng ta dễ dàng bỏ sót các chi tiết “bẫy” trong câu hỏi mà chỉ chú ý đến các chi tiết đặc biệt “bao nhiêu loài thú?” và “tổng thống nước nào?”. Làm như con người không hề quan tâm đến tính hợp lý của nội dung khi chấp nhận hay bác bỏ tin đồn mà chỉ đơn thuần dựa vào cảm tính và đánh giá vội vàng. “Ngay cả khi có thể truy bằng chứng, chúng ta vẫn dựa vào cảm tính và trực giác là chính” – bà Eryn Newman thuộc Đại học Southern California, người từng nghiên cứu sâu về sai lầm trong việc đón nhận thông tin của con người, nói.
Phương pháp đối phó với tin đồn
Dựa vào nghiên cứu của mình, Newman cho biết phản ứng của chúng ta trước tin đồn thường xoay quanh năm câu hỏi đơn giản: 1/ Tin đồn đến từ nguồn đáng tin cậy? 2/ Những người khác cũng tin nó? 3/ Có nhiều bằng chứng để hỗ trợ nó? 4/ Nó có phù hợp với đức tin của tôi? 5/ Và cuối cùng là tin đồn có thú vị không?
Phản ứng của chúng ta trước năm câu hỏi này luôn bị chi phối bởi những tình tiết không thật và đơm đặt. Con người có xu hướng tin vào những gì người thân của mình cũng tin. Điều này có nghĩa là mức độ tin cậy sẽ tăng lên khi có nhiều người thân, bạn bè cùng tin nó, cho dù họ không phải nhà phân tích hoặc có khả năng phân biệt đâu là thật đâu là giả – Newman nói – Nếu tin đồn được kể lại suôn sẻ, mạch lạc không va vấp thì nó sẽ được “mặc định” là… đáng tin cậy. Giáo sư Stephan Lewandowsky thuộc Đại họ Bristol ở Anh cũng đồng ý như thế. “Cơ may được tin càng cao khi tin đồn càng đánh trúng vào tâm lý: cái gì cũng phải có nguyên nhân của nó” – ông nhận định. Trong một nghiên cứu mới đây, Newman đưa cho những người tham dự một bài viết giả khẳng định một ca sĩ rock nổi tiếng đã chết.
Người nghe dễ tin hơn nếu bài viết có đăng kèm hình ảnh của ca sĩ đó. Lý do là bức ảnh khơi dậy nhận thức và tạo ra độ tin cậy cao, át cả sự can thiệp của lý trí. Sự thẩm định càng dễ và độ tin cậy càng cao nếu nhân vật trong câu chuyện càng quen thuộc. Nhờ các khám phá trên, chúng ta bắt đầu hiểu tại sao nỗi sợ nhiễm bệnh khi ăn chuối tươi lại lan tràn nhanh sau tin đồn. Thứ nhất, email được gửi từ những bạn bè nên càng đáng tin cậy. Một số còn kèm theo hình ảnh photoshop. Trong khi đó, những giải trình và bác bỏ của FDA và chính phủ được làm một cách máy móc, khô cứng đến nỗi bị xem là “cố tình ém nhẹm sự thật”.
Chính vì thế mà đến nay vẫn có người tin Elvis Presley hay Marilyn Monroe còn sống, chính phủ Mỹ đang giam giữ người ngoài hành tinh hoặc coronavirus là do đảng Dân chủ Mỹ tạo ra! Tình trạng tạm mất khả năng nhận thức đúng của con người đã giải thích tại sao tất cả nỗ lực được sử dụng để bác bỏ một tin đồn hay giả thuyết đều bị thất bại ngoạn mục. Số người tin vào nó có khi không giảm mà còn tăng. Sự tham gia của chính quyền càng kích thích niềm tin. Một số thí nghiệm thực địa cho thấy tin đồn chỉ được hóa giải phần nào khi có ai đó bị buộc tội.
Trí nhớ của chúng ta có những khoảng trống và thông tin mất theo thời gian nên việc đánh giá tin đồn dựa vào trí nhớ thường rất khó khăn. “Tin đồn dễ được chấp nhận vì nó là cách tốt nhất để quên đi hay lấp đầy lỗ hổng của trí nhớ. Não đã được lập trình để tin mặt trăng kiến tạo bằng đá, nếu ai đó bảo nó làm bằng thứ khác, dù có cơ sở chứng minh, đa số vẫn cho đây là lời nói dối” – Lewandowsky nói. Khi người ta tung tin vaccine MMR ba trong một chống lại các bệnh sởi, quai bị và rubella (sởi Đức) có thể gây ra chứng tự kỷ với lý giải rất bài bản thì muốn đánh đổ nó, chúng ta cũng phải có bài viết bài bản tương tự với hình ảnh đi kèm, và củng cố bằng việc đưa kẻ tung tin giả ra tòa. Còn nếu không thì sự cả tin rất khó đánh bại.