Đối với nam giới, râu cũng là một kiểu thời trang và để râu thường được xem là tính cách giúp các chàng trai thể hiện bản thân.
Xu hướng để râu đến rồi đi, giống như người ta thay đổi kiểu tóc, nhưng theo một cuộc khảo sát của Statista, có tới 44% nam giới Hoa Kỳ để râu.
Nhưng để ý mà xem, hiếm khi nào thấy một phi công có râu. Lý do đó là một trong số quy định của ngành hàng không, cấm phi công và phi hành đoàn không được để râu. Sao kỳ vậy? Lý do nào?
Một chuyên gia của hiệp hội hàng không hàng đầu về các quy định của Cục Hàng không Liên bang (FAA) giải thích lý do tại sao phi công phải là người luôn “mày râu nhặn nhụi, áo quần bảnh bao” mà nhất là vì sao râu lại quan trọng đến thế.
Lý do hầu hết các hãng hàng không không cho phép phi công để râu có thể tóm gọn lại thành hai điều: lịch sử và an toàn.
Ngày xửa ngày xưa, phần lớn phi công gia nhập các hãng hàng không thương mại như một nghề nghiệp thứ hai, sau khi họ nghỉ hưu với tư cách là phi công trong US Navy, US Air Force hay US Marines. Mặc dù hiện nay có các học viện hàng không đào tạo phi công thương mại mới, nhưng hầu hết các hãng hàng không vẫn học theo chính sách về trang phục của quân đội Hoa Kỳ. Điều đó có nghĩa là tóc ngắn và không có râu, ngoại trừ Hải quân SEAL và các lực lượng đặc biệt khác, những người được phép để râu khi đang làm nhiệm vụ.
Ngoài ra, trong quân đội Hoa Kỳ, các trường hợp ngoại lệ đối với chính sách không để râu chỉ có thể xảy ra vì lý do tôn giáo, hoặc đối với những người bị các tình trạng về da trầm trọng hơn do cạo râu.
Các hãng hàng không Hoa Kỳ được tự do đặt ra các quy định riêng về việc phi công có được để râu hay không. Delta, Southwest, United, American Airlines và JetBlue không cho phép phi hành đoàn để râu hoặc thậm chí là ria mép, trong khi một số hãng cho phép ria mép được cắt tỉa gọn gàng không dài quá khóe miệng. Tóc mai được phép, ở một mức độ nào đó, phải được cắt tỉa đến giữa tai và không được quá rậm. Các hãng hàng không Hawaiian và Allegiant cho phép phi công của họ để râu ngắn, được cắt tỉa gọn và sát vào da.
Ngoài việc xem xét các hoạt động quân sự, các hãng hàng không cũng dựa vào khuyến cáo của FAA năm 1987 liên quan đến sự an toàn của mặt nạ dưỡng khí. Có một lý do khiến báo cáo này, sau 37 năm vẫn được trích dẫn cho đến ngày nay: Trong trường hợp khẩn cấp không mong muốn trên máy bay mà mặt nạ dưỡng khí được triển khai, trong buồng lái hoặc trên khắp máy bay, phi hành đoàn buồng lái phải khôi phục sự ổn định của máy bay hoặc đưa máy bay xuống đất an toàn. Họ cần đeo mặt nạ dưỡng khí một cách nhanh chóng và an toàn để bảo đảm họ vẫn tỉnh táo và sáng suốt trong tình huống khẩn cấp. Và râu có khả năng cản trở điều đó.
FAA khuyến cáo râu của phi công có thể ngăn mặt nạ dưỡng khí ép chặt vào mặt, do đó phi công sẽ không nhận được đủ lượng oxy. Và việc thiếu oxy có thể dẫn đến mất phương hướng, mất ý thức hoặc thậm chí tử vong.
Về mặt kỹ thuật, phi công có thể để râu, Marli Collier, giám đốc điều hành của Airlines for America cho biết FAA không có chính sách nào cấm tiệt điều này. Tuy nhiên cho đến nay, có vẻ như hầu hết các hãng hàng không đều chọn áp dụng khuyến cáo của FAA làm chính sách của công ty.
Tóm lại, chúng ta không cần lo lắng nếu thấy phi công của mình để râu một chút. Khuyến cáo về râu của FAA được ban hành cách đây gần 40 năm. Kể từ đó, những phát triển về công nghệ và cải tiến trong liên lạc kiểm soát không lưu đã giúp du lịch hàng không an toàn hơn đáng kể, đặc biệt là các hãng hàng không của Hoa Kỳ được xếp hạng là một trong những hãng hàng không an toàn nhất thế giới.
Ngày nay, hầu hết các hãng hàng không đều trang bị cho khoang điều khiển phi cơ của họ thiết kế mặt nạ trùm kín mặt có thể đeo nhanh, giúp việc đeo mặt nạ dễ dàng và nhanh hơn. Những phi công có râu sẽ không gặp vấn đề gì với mặt nạ dưỡng khí của họ.
Có râu hay không có râu, anh ấy và các phi công phụ sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để giải quyết tình huống khẩn cấp và đưa hành khách và phi hành đoàn xuống đất an toàn. Giờ thì bạn sẽ không phải lo nữa, khi thấy phi công để râu.
(theo Reader’s Digest)