Thắt chặt chi tiêu trước mùa mua sắm và nghỉ lễ

Thị trường mua sắm chuẩn bị vào mùa giảm giá. Trong ảnh là một cửa hàng ở New York City ngày 17 Tháng Mười Một 2023 (ảnh: Eduardo MunozAlvarez/VIEWpress/Getty Images)

Trong bối cảnh lạm phát kéo dài và lãi suất cao, người Mỹ đang tìm kiếm các giao dịch có lợi và không còn vung tiền quá trán”.

Thận trọng hơn trong chi tiêu

Các nhà bán lẻ lớn cho biết khách hàng của họ trong ba tháng qua đã không còn thích mua hàng giá cao và tập trung vào những mặt hàng thiết yếu, giảm giá, một sự thay đổi mà các nhà điều hành cửa hàng và quan sát thị trường bán lẻ tin rằng sẽ còn kéo dài đến thời điểm mua sắm bận rộn nhất của năm.

Dễ hiểu, người tiêu dùng đang có tâm trạng thận trọng khi sắp bước vào mùa mua sắm cuối năm và nghỉ lễ, họ tiết chế chi tiêu khi giá cả tăng cao và tín dụng đắt đỏ hơn, báo hiệu nguy cơ một động lực của nền kinh tế Mỹ sẽ suy giảm. Ngày 16 Tháng Mười Một, giám đốc tài chính John David Rainey của chuỗi siêu thị Walmart thông báo với các nhà phân tích trong cuộc gọi thảo luận về thu nhập Quý III của ngành: “Doanh số bán hàng có phần không đồng đều và điều này cho chúng tôi lý do để suy nghĩ lại xu hướng mua sắm của người tiêu dùng so với 90 ngày trước đó”.

Theo Bộ Thương mại, sự tiết chế chi tiêu của người tiêu dùng đã thể hiện rất rõ trên toàn bộ bức tranh của nền kinh tế từ Tháng Mười khi doanh số bán lẻ giảm 0.1% so với tháng Chín, mức giảm đầu tiên trong sáu tháng liên tiếp. Một báo cáo của Adobe Analytics cho thấy người tiêu dùng ngày càng chấp nhận các phương thức thanh toán thay thế. Số lần mua hàng “mua ngay, trả sau” tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Những khách hàng có ngân sách eo hẹp phải cân nhắc hơn khi mua sắm và một khi định mua món gì đó họ đều tự hỏi: “Nó có thực sự cần thiết cho cuộc sống của mình vào lúc này không?” – Christina Hennington, giám đốc tăng trưởng của Target giải thích trong cuộc gọi báo cáo thu nhập tuần này. Các giám đốc điều hành bán lẻ hàng đầu khác cũng chờ đợi những suy nghĩ tương tự.

Adrian Mitchell, giám đốc tài chính của Macy, cảnh báo: “Người tiêu dùng sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong chi tiêu” trong khi giám đốc tài chính Katrina O’Connell của Gap thừa nhận: Chúng tôi đang thực sự phải đối phó với sự thận trọng đối với người tiêu dùng”. Các giám đốc điều hành của Williams-Sonoma cũng đồng quan điểm như thế: “Công ty đang phải đối mặt với sự do dự kéo dài của người tiêu dùng dù chúng tôi vẫn lạc quan về kỳ nghỉ lễ”.

Về phần mình, Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia (National Retail Federation-NRF) dự đoán, trong kỳ nghỉ lễ người tiêu dùng sẽ chi tiêu nhiều hơn năm ngoái nhưng không nhiều so với những năm gần đây. Theo NRF, doanh số bán lẻ sẽ tăng 3 đến 4% trong Tháng Mười Một và Tháng Mười Hai, mức tăng khá khiêm tốn so với mức tăng 5.4% của năm ngoái mà “nguyên nhân là do người Mỹ đề phòng sẽ có đợt bất ổn kinh tế mới”.

Jack Kleinhenz, nhà kinh tế trưởng của một tập đoàn bán lẻ, nhận xét: “Nhiều người phải dè xẻn trong chi tiêu do kém tự tin hơn về công việc mình đang làm. Tỷ lệ thất nghiệp có dấu hiệu tăng gần đây bất chấp thị trường việc làm vẫn mạnh mẽ. Khả năng chi tiêu là có, nhưng mức độ sẵn sàng thì chưa”.

Trước tình hình này, các doanh nghiệp bán lẻ đang chuẩn bị cho một mùa giảm giá, với danh sách tuyển dụng thêm nhân viên làm theo mùa trong ngành đạt mức thấp nhất trong một thập niên (số liệu của công ty theo dõi xu hướng lao động Challenger, Gray & Christmas).

Giám đốc tài chính John David Rainey của chuỗi siêu thị Walmart: “Doanh số bán hàng có phần không đồng đều và điều này cho chúng tôi lý do để suy nghĩ lại xu hướng mua sắm của người tiêu dùng so với 90 ngày trước đó” (ảnh: Brian van der Brug / Los Angeles Times via Getty Images)

Và cảnh giác hơn về bức tranh kinh tế

Các nhà kinh tế nhận thấy có lý do chính đáng để người tiêu dùng phải cảnh giác, vì cả họ và bản thân nền kinh tế dường như đang ở điểm uốn đi xuống. Hai năm lạm phát nóng (khiến giá cả tăng vọt đến mức cao nhất trong 40 năm và ngân sách gia đình bị căng thẳng) có vẻ đã hạ nhiệt. Nhưng để chế ngự lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm, khiến chi phí vay mượn tăng vọt.

Khi giá cả tăng cao, ban đầu người tiêu dùng dựa vào tiền trợ cấp của các chương trình khẩn cấp và xóa nợ trong đại dịch để chi tiêu cá nhân, nhưng sau khi đã tiêu hơn tổng số $2 ngàn tỷ khoản tiền này họ phải quay trở lại với thẻ tín dụng và các khoản vay khác trong những tháng gần đây. Xu hướng “sống nhờ nợ nần” này khiến một số nhà kinh tế lo lắng. Theo Cục Dự trữ Liên bang New York, nợ thẻ tín dụng đã “bội thực” với tốc độ nhanh nhất nhì trong lịch sử.

Trong quý vừa qua, người tiêu dùng đã thêm $154 tỷ vào số dư của họ, mức tăng kỷ lục lớn nhất so với năm trước. Theo Bankrate.com, những khoản vay đó ngày càng phình ra khi lãi suất tăng (lãi suất thẻ tín dụng trung bình tăng từ 16.3% của hai năm trước lên mức cao kỷ lục 20.7% hiện nay). Trong khi đó, người đi vay ngày càng mất khả năng thanh toán đúng hạn. Gần 8% tổng số nợ thẻ tín dụng bị quá hạn ít nhất 30 ngày, cao nhất kể từ cuộc Đại suy thoái.

Nhà kinh tế học Justin Begley thuộc công ty Moody’s Analytics gọi sự tăng vọt số dư thẻ tín dụng là “đáng lo ngại” dù “nói chung, tình trạng tài chính các hộ gia đình Mỹ vẫn còn khá tốt”. Ông nhấn mạnh: “Tỷ lệ nợ quá hạn sẽ đạt đỉnh điểm trong năm tới trừ khi mức tăng lương tiếp tục cao hơn mức tăng giá và lãi suất giảm, cho phép một số người vay tái cấp vốn cho khoản nợ của họ”.

Tuy nhiên, triển vọng kinh tế hiện nay của người Mỹ là ảm đạm. Theo Đại học Michigan, tâm lý người tiêu dùng trong tháng Mười Một đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ Tháng Năm. Người mua hàng tập trung vào hàng giá thấp và các nhu yếu phẩm như nhiên liệu và thực phẩm. Họ tiếp tục lo về lãi suất cao cũng như ảnh hưởng tiêu cực của hai cuộc chiến tranh tiêu hao ở Ukraine và Gaza. Các cuộc khảo sát khác ủng hộ suy nghĩ này.

Trong một cuộc thăm dò gần đây của tờ The New York Times và đại học Siena College, 81% cử tri được hỏi đánh giá nền kinh tế là “công bằng” hoặc “kém”; chỉ 19% cho rằng “tốt” hoặc “xuất sắc”. Nhưng nhà kinh tế cấp cao Bob Schwartz của Oxford Economics lại nhìn bức tranh tiêu dùng dưới góc độ khác: “Những người tiêu dùng thận trọng sẽ phản ứng trước tình hình tài chính bằng cách giảm chi tiêu, nhưng không dừng hoàn toàn. Họ thích trút giận trong các cuộc khảo sát, nhưng đó không nhất thiết là cách họ cư xử ngoài đời thực. Đừng nghe những gì họ nói mà hãy nhìn những gì họ làm!”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: