Nhiều người trong chúng ta không nên nghe ca khúc “It Was A Very Good Year” (Đây là năm rất tốt lành) của ca sĩ huyền thoại Frank Sinatra, vì năm nào trong tương lai gần cũng sẽ là một năm xấu, vì biến đổi khí hậu, chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và bội thực công cụ di động thông minh tác động xấu đến tâm lý và lối sống của con người. Trái đất không bao giờ giống như trước nữa khi nhân loại sống trên nó thay đổi. Đây là sáu vấn nạn con người gặp thường xuyên trong cuộc sống đương đại.
Nói dối, nói dối và nói dối hơn nữa
Các ứng viên tổng thống tiếp tục hứa, tiếp tục nói dối những điều mà bản thân họ biết rất rõ là không thể thực hiện được. Nhưng họ không còn cách nào khác nếu muốn “mị” cử tri và kiếm thêm phiếu. Những lời nói dối của bọn quan chức lãnh đạo ở các nước độc tài thậm chí còn kinh hoàng hơn. Còn nữa, truy cập các trang mạng xã hội bạn sẽ không thể phân biệt được sự khác biệt giữa tin tức của các “nhà báo công dân” tại chỗ và những “nhà báo salon” ngồi tại một nhà hàng sang trọng để xào nấu tin bài của người khác với sự trợ giúp của “phù thủy hình ảnh” từ các ứng dụng chỉnh sửa.
Chúng ta bị bao vây bởi những tin tức thổi phồng, các hình ảnh retouch chỉnh sửa và những câu chuyện “bịa như thật” trở thành “tin thời sự” nóng hổi. Ngày càng có nhiều sự thật ẩn náu sau sự dối trá, và ngược lại, giống như cú lừa “phân hạch hạt nhân ở nhiệt độ phòng” từng khiến nhiều nhà khoa học dễ tin chao đảo. “Cuộc sống đã có quá nhiều mối lo lắng nên chúng ta không cần có thêm những dối trá và lừa bịp nữa. Thế giới chìm ngập trong cơn hồng thủy tin đồn từ ngày internet được phổ cập rộng rãi khiến chúng ta rất khó phân biệt đâu là sự thật, đâu là ngụy tạo” – một nhà khoa học xã hội nhận định.
Quá tin vào công nghệ đến mức bệnh hoạn
Smartphone và các công cụ di động thông minh là quà tặng có một không hai của các nhà phát minh và sáng tạo cho loài người. Nhiều người tin rằng chúng biết mọi thứ, từ đường đi, địa điểm đến thuốc men. Niềm tin này mạnh đến nỗi họ trở thành mù quáng một cách bệnh hoạn. Mỗi khi có bệnh, họ mở điện thoại hỏi Google và tuân theo chỉ dẫn của nó đến lúc “tiền mất tật mang” mới tỉnh ngộ. Thậm chí có người mất tự tin khi không có chúng bên cạnh. Họ hoàn toàn trông cậy vào công nghệ, và quên mất điều cơ bản là “sự thẩm định của bản thân đôi khi còn chính xác và nhanh hơn cái gì công nghệ nói”.
Hứa đóng góp rồi lờ!
Hứa đóng góp rồi quên hay giảm số tiền hứa đóng là “chuyện thường ngày” của các nhà từ thiện dưới lớp áo công ty. Một phần vì lới hứa trong những sự kiện từ thiện cũng là một cách tự quảng cáo ít tốn kém nhất. Họ cứ nói dối và nói dối mãi, ngay cả khi đã được “nhắc nhở” và bị công khai thủ đoạn trên báo đài. “Mùi” của lời hứa giống như dư âm ngày siêu giảm giá, xả hàng với nhiều “con sói đội lốt cừu”. Bằng những lời hứa đầy “hảo ý” như vậy, các công ty bán được thêm rất nhiều hàng nhưng viết chi phiếu đúng như lời hứa thì không. Chỉ có người tiêu dùng muốn đóng góp phần của mình vào lời hứa là bị lừa. “Kinh doanh trên thảm họa của người khác” là hành vi vô đạo đức diễn ra ở cả các nước giàu lẫn nước nghèo. Rõ ràng, thiên tai là thảm họa với cộng đồng nhưng là cơ hội của những kẻ biết tận dụng lòng trắc ẩn của công chúng để trục lợi.
“Khủng khiếp” là từ cửa miệng của nhiều người
Khi bạn làm dấu hiệu hai ngón tay, bạn đã chứng tỏ mình là người yêu hòa bình (peaceman). Nó cũng nói lên xu hướng chính trị và loại âm nhạc bạn muốn nghe, kể cả phong cách hippy của một thời. Nay, con người của thời đại thông tin có từ “khủng khiếp” để bày tỏ sự ngạc nhiên thú vị của họ trước một sự việc hay sự vật. Một người phụ nữ mới ly hôn tìm đến trang web môi giới hôn nhân với hy vọng tìm được người yêu mới. Bà chọn được một người “đúng chuẩn” nhưng đã phải thốt lên “khủng khiếp” khi thấy ông ta đã 60 tuổi và có đến bốn nhược điểm không thể chấp nhận. Cuộc diện kiến lần đầu cũng là lần cuối cùng. Hành động “tháo thân” của người phụ nữ cũng đến nhanh như “tiếng sét ái tình” sau tiếng kêu thất thanh “khủng khiếp”. “Khủng khiếp” là từ quen thuộc để mô tả nhiều thứ, từ việc con gái mới ra trường có được việc làm đến nghe tin được tăng lương.
Chia sẻ những cái không nên chia sẻ
Trên mạng xã hội Facebook chúng ta thấy nhan nhản những bức ảnh ăn nhậu. Người ta chia sẻ với nhau những hình ảnh và thông tin mang tính cá nhân và “suy tôn cái tôi” nhưng rất kiệm ngôn từ giao tiếp, cái mà chúng ta rất cần trong một xã hội dễ đưa con người vào thế bế tắc, phải có ai tâm sự để giải thoát. Chúng ta cũng cần những bạn bè thật sự, hữu danh, nhưng hoạt động đắc lực nhất trên Facebook lại là những kẻ nặc danh, chỉ thích tự post, tự nói mà không muốn nghe người khác nói. Một cuộc gọi điện mời ăn trưa bao giờ cũng thú vị hơn lời chúc mừng “có cánh” trên wall của trang mạng xã hội. Cái chúng ta cần là biết về cuộc sống của nhau để chia sẻ chứ không phải những bức ảnh thừa mứa bia rượu và những khuôn mặt hả hê, trác táng.
Những kẻ phao tin thất thiệt
Nhiều người sẵn sàng bỏ ra cả ngày để viết những câu phẩm bình dơ bẩn trên internet nhưng chưa bao giờ dám tháo bỏ chiếc áo nặc danh của mình. Họ nghiện comment nhưng lại sợ trách nhiệm. Họ lao vào nó như con sói ngấu nghiến mỗi khi có tin nóng mà chẳng cần biết đến hệ quả của nó. Đó là cách chúng ta đóng góp ý kiến với nhau trong thế giới hôm nay. Chúng ta trở thành nạn nhân của chính trò đùa mình tạo ra, đến nỗi có lúc tin đó là thực, và tệ hơn nữa là sẵn sàng giúp người khác phổ biến những tin tức chưa được kiểm chứng, bất chấp hành vi này có thể làm thay đổi số phận một con người. Cứ vào mạng là phải chửi một ai đó hay khẳng định điều gì đó về mình. Sự áp đặt chính kiến đã vượt trội sự chia sẻ và đồng cảm. “Nói lấy được” theo ý mình là hiện tượng ngày càng phổ biến trên internet khiến một nhà quan sát phải thốt lên “Thế giới ngày càng có lắm kẻ bần tiện và ích kỷ”.