Ở Bremen, một thành phố cổ kính và xinh đẹp của Đức có một quán cà phê chỉ dành riêng cho phụ nữ và trẻ em.
Chủ quán là Sumeja Zumberi – cô học sinh trung học mới 18 tuổi. Zumberi muốn phá vỡ khuôn mẫu, lấy tên là Baresha. Quán chuyên bán cà phê, kem và món tráng miệng, tất cả chỉ dành cho khách hàng là phụ nữ và trẻ em. Đàn ông… không được tiếp đón.
Baresha ngay lập tức thu hút sự chú ý và cả gây tranh cãi, và cũng là điều mới lạ trong ẩm thực Đức.
Tại khu phố Gröpelingen, nơi Zumberi mở quán cà phê, phụ nữ thường cảm thấy không thoải mái khi ở những quán cà phê đông đúc đàn ông đàn bà. Zumberi muốn tạo ra một không gian nơi phụ nữ có thể thư giãn mà không cảm thấy bị ai đó để ý, dòm ngó, hay phán xét.
Baresha được đánh giá, không những có thức uống, bánh ngọt và kem ngon, mà còn là một nơi nghỉ ngơi hết sức thoải mái.
Zumberi chia sẻ cái tên Baresha là để nhắc nhở cô về nguồn gốc của mình, bởi vì ở Đức, đôi khi cô quên mất mình đến từ đâu. Trong tiếng Albania, “baresha” dùng để chỉ một phụ nữ chăn cừu nhưng đảm nhận trách nhiệm ở nhiều lĩnh vực.
Hiện thời “cô chủ nhỏ” Zumberi đang học trung học và chuẩn bị thi lấy bằng lái xe, nên vẫn cần bố mẹ giúp điều hành quán. Là một chủ doanh nghiệp giàu kinh nghiệm, bố Zumberi giải quyết các vấn đề về tài chính và bảo hiểm, trong khi mẹ cô giúp đỡ trông coi quán.
Bố của Zumberi mơ ước mở một quán cà phê từ lâu và sau khi làm nhiều công việc trong 30 năm ở Đức, ông bắt đầu lên kế hoạch này với gia đình. Ông bàn với vợ con, là phải làm một cái gì đó khác biệt, vì khu vực này vốn có rất nhiều quán rồi. Mở tiệm mới mà giống họ thì khó cạnh tranh.
Mặc dù ý định của Zumberi mang tính tích cực, việc mở quán Baresha cũng gây ra nhiều phản ứng trái chiều. Một số người đàn ông chỉ trích Baresha, coi quán này có sự phân biệt đối xử và mở ra mà chỉ phục vụ phụ nữ và trẻ con, chỉ tội… gây chia rẽ.
Tuy nhiên, nhiều người khác lại nhìn nhận tình hình theo hướng thực tế hơn, cho rằng Baresha cuối cùng cũng cung cấp một địa điểm tụ họp cho phụ nữ, đặc biệt là người Hồi Giáo, nơi họ tìm được cảm thấy dễ chịu và thoải mái.
Ai nói gì thì nói, Zumberi vẫn lạc quan. Cô cho biết quán nhận được rất nhiều phản hồi tích cực. Nhiều khách ủng hộ, tới thường xuyên, vì họ cảm thấy Baresha như là nhà của mình.
Bremen nổi tiếng với dòng sông Weser dịu dàng và gắn liền với những chuyện cổ tích tuổi thơ “Truyện cổ Grimm,” “Công chúa ngủ trong rừng,” “Bạch Tuyết và bảy chú lùn.” Có dịp tới Đức, bạn cũng nên một lần ghé quán Baresha của Zumberi chứ nhỉ, tất nhiên, nếu bạn không phải là đàn ông.