Câu chuyện phía sau chai nước mắm Liên Thành

Nước mắm Liên Thành xã hội chủ nghĩa ngày nay. Ảnh: Internet.
NGUYỄN MẠNH HIỆP
Hôm nay buổi chiều đi siêu thị, chợt nhìn thấy trên kệ hàng có chai nước mắm Liên Thành, mình quay sang hỏi bạn đi chợ cùng:
– Nhìn chai nước mắm này có gợi cho điều gì không?
– Thì là chai nước mắm chứ gợi điều gì nữa? – Bạn ấy nói.
Mình bảo:
– Nhưng ngoài là chai nước mắm ra, cái tên nhãn chẳng hạn.
– Thì là Liên Thành.
– …

Cầm chai nước mắm Liên Thành trên tay, người đầu tiên khiến không khỏi không nghĩ tới là cụ Phan Châu Trinh (1872 – 1926).
Có lẽ hầu hết chúng ta đều biết phong trào Duy Tân được khởi động bởi Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng. Và chính từ phong trào Duy Tân này, một nhóm các chí sĩ yêu nước đã kiến lập Liên Thành Thương Quán, Liên Thành Thư Xã và Dục Thanh Học Hiệu, với suy nghĩ rất thực tế:
* Liên Thành Thư Xã: được thành lập năm 1905 để truyền bá các sách báo có nội dung yêu nước.
* Liên Thành Thương Quán: được thành lập ngày 6 tháng 6 năm 1906 để làm kinh tế gây quỹ hoạt động, đồng thời tạo công ăn việc làm cho nhân dân.
* Dục Thanh Học Hiệu: được thành lập năm 1907, dạy cho con em người Việt yêu nước và lao động nghèo theo nội dung yêu nước và tiến bộ.
Tên Liên Thành với ngụ ý Trở Thành Hoa Sen, đồng thời cũng là tên cũ của tỉnh Bình Thuận. Société de Lien Thanh là một thương hiệu đã được đăng ký với nhà cầm quyền Pháp hồi đầu thế kỷ 20, từ cơ sở ban đầu ở Bình Thuận, cho tới sau này phát triển thành một doanh nghiệp lớn ở Chợ Lớn, Khánh Hội, Vĩnh Hội.
Cho tới năm 1922, nước mắm Liên Thành tham gia triển lãm ở Marseille, Pháp và tạo ra tiếng vang lớn. Từ sau đó, công ty Liên Thành dần mở rộng mạng lưới gồm các chi nhánh ở Phú Hài, Mũi Né, Hưng Long (Phan Thiết), Phan Rí, Hội An, với địa bàn phân phối nước mắm ở nhiều tỉnh miền Trung và miền Nam, phủ qua Campuchia và cả ở châu Âu.
Tài liệu vẫn còn ghi lại: Công ty Liên Thành đã giúp đỡ Nguyễn Tất Thành lưu trú ở Phan Thiết. Năm 1911, Nguyễn Tất Thành được ông Hồ Tá Bang, Trần Lệ Chất, hai trong sáu sáng lập viên của công ty Liên Thành, giúp đỡ từ Phan Thiết vào Sài Gòn với giấy thông hành tên Văn Ba, đồng thời bố trí cho Nguyễn Tất Thành ở lại trụ sở chi nhánh của công ty Liên Thành tại Chợ Lớn ở 1/2/3 Quai Testard (Nay là số 5 Châu Văn Liêm, Quận 5). Và trước khi lên tàu rời khỏi Việt Nam, Liên Thành đã tặng cho Nguyễn Tất Thành 18 đồng Đông Dương làm lộ phí. Điều này xóa đi giai thoại anh Văn Ba chìa hai bàn tay trắng ra (ở tiểu thuyết Búp Sen Xanh, tác giả Sơn Tùng, xuất bản 1981) nói với bạn đồng hành về phương tiện để ra đi :
– Đây, tiền đây.
(Và tài liệu vẫn còn ghi lại lá thư của Nguyễn Sinh Sắc gửi cho Phan Châu Trinh nhờ trông nom, bảo ban dạy dỗ giùm cho đứa con trai Nguyễn Sinh Cung khi qua tới Pháp).
Mùa thu năm 1918, khi Nguyễn Văn Ba đặt chân lên đất Pháp và tới Paris, là lúc hai cha con Phan Châu Trinh đang sinh sống ở Paris bằng nghề chụp ảnh. Phan Châu Trinh cùng con trai là Phan Châu Dật sang Pháp từ năm 1911. Điều này cũng lý giải cho chi tiết trong sách giáo khoa hồi nhỏ được học rằng: “Bác tự kiếm sống mưu sinh ở số 9, ngõ Công-Poăng, Paris bằng nghề chụp ảnh”… là do đâu mà ra và ngôi nhà này là của ai thuê).
Cho tới sau tháng chín năm 1975, khi cuộc “đánh tư sản & cải tạo công thương nghiệp” diễn ra thì công ty Liên Thành bị buộc phải “hiến lại” cho nhà nước với hai điều kiện của Hội đồng quản trị là :
1. Giữ lại tên Liên Thành
2. Giữ lại bàn thờ 6 cụ tổ sáng lập.
Bỏ hai chai nước mắm vào giỏ xách. Về nhà tranh thủ nêm nước mắm Liên Thành mỗi khi có dịp, có món cần dùng tới. Nếm vị mắm đậm đà, nghĩ tới lịch sử 111 năm của một thương hiệu Việt cùng bao thăng trầm mất còn, không khỏi ngậm ngùi cho những bi ai, những man trá, và tan hoang của thời cuộc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: